Quyển 8: Thang Trời Côn Lôn - Chương 112

Xương Rồng

Vĩ Ngư 28-09-2023 17:13:04

Giang Luyện đang ngủ bỗng bị Thần Côn đi dạo chợ đêm về dựng giường gọi dậy. Cái cảm giác đó khá là đau khổ, đầu óc rối bời, mí mắt chỉ chực sụp xuống ―— thường bảo sáng sớm bị gọi dậy khó mà chịu được, nhưng chí ít còn được ngủ đủ giấc chứ không đến mức giường còn chưa kịp ấm như anh lúc này. Giang Luyện giơ tay xoa mặt, thì thào: "Một thầy xem tướng phong kiến mê tin mà sao chú cũng tin được vậy? Ông ấy bảo chú họ Bành thì chú họ Bành thật à? Đương nhiên họ Mâm họ Bát gì là quyền tự do của chú..." "Nhưng chú không thể vừa nghe tổ tiên mình họ Bành là ghép ngay vào với Bành Tổ được." Bành Tổ là ai? Đó là người sống thọ nhất trong truyền thuyết Trung Quốc, sống đến tám trăm tuổi đấy. Có thể số tuổi này đã được phóng đại nhưng việc người ta sống thọ là điều không thể phủ nhận. Tám trăm tuổi không biết có liên quan gì đến chuyện tự sinh sản mấy nay hay nhắc tới không. Thần Côn không đồng ý với anh: "Tiểu Luyện Luyện, cháu không thể vừa nghe thầy xem tướng là quy người ta vào với mấy ông thầy bói lời ngon tiếng ngọt ở cửa thôn được. Chú cho cháu biết thầy xem tướng được chia ba loại. Ông giơ ngón tay lên: "Loại thứ nhất là bọn lừa đảo, năm, mười tệ một quẻ. Loại này chỉ toàn nói bừa, bịa đặt." "Loại thứ hai thì có chút kỹ thuật suy luận. Người ta dựa vào kỹ xảo tùy mặt gửi lời để lừa khách." "Loại thứ ba chính là người như Cát Đại tiên sinh. Thuộc trường phái có tài năng, nhân vật tiêu biểu là Viên Thiên Cương và Lý Thuần Phong thời Đường ―— hai người này được Đường Thái Tông trọng dụng đấy. Cháu cảm thấy Đường Thái Tông sẽ bị đám bịp bợm lừa gạt à?" (*) Lý Thuần Phong (602 - 670) là người đời Đường. Ông là người học rộng tài cao tinh thông thiên văn, địa lý và có tài lập luận phá án. Ông là một Gia Cát Lượng thứ 2, là nhà thiên văn học, nhà chính trị cũng như nhà số học. Viên Thiên Cương (573-645) là Quốc sư nhà Đường, là nhà tướng học, thiên văn học, tinh tượng học nổi tiếng, có thể xem tướng, dự đoán cát hung vô cùng linh nghiệm. Lời phản bác này rất có sức thuyết phục, Giang Luyện không nói gì được cả. Viên Thiên Cương và Lý Thuần Phong anh có nghe thấy, còn từng được vinh dự đọc tác phẩm lớn "Thôi Bối Đồ" của hai vị này cơ. Nghe nói vào một ngày đẹp trời rảnh rỗi không có gì làm, hai người này tính về vận mệnh nhà Đường, xong rồi nghiện luôn không dừng lại được. Tính đến hơn hai nghìn năm sau, Viên Thiên Cương sợ tiết lộ quá nhiều bí mật nên đẩy vào lưng Lý Thuần Phong, bảo: chúng ta stop tại đây đi. Vậy mới có cái tên "Thôi Bối Đồ". (*) Thôi bối nghĩa là đẩy lưng. Thôi Bối Đồ là cuốn tiên tri nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại. Tiếc rằng vì nó tiên đoán quá chuẩn xác nên trong ba triều Tống, Nguyên, Minh người ta coi nó như là sách cấm. Trong quá trình truyền lại nội dung cũng bị bóp méo nên hiện giờ không còn bản gốc nguyên vẹn mà chỉ còn sáu phụ bản khác biệt hoàn toàn với nhau. Giang Luyện hỏi: "Cát Đại này... có thể sánh được với Viên Thiên Cương à?" Thần Côn thở dài: "Chú nghe danh anh em nhà họ Cát đã lâu mà chưa có dịp gặp gỡ. Chỉ biết rằng họ am hiểu "xem quẻ đoán mệnh". Đôi mắt họ rất lợi hại ―— không như mắt người thường. Mắt thường rụng rồi mới mở được mắt thần, nên hai anh em này đều là người mù." "Cát Đại làm người ngay thẳng, đúng với bổn phận của mình. Cát Nhị em trai ông ấy lại nham hiểm gian xảo, làm đủ điều thất đức chỉ vì tiền. Dưới sự giận dữ, Cát Đại dùng Trường Giang làm ranh giới phân cách với Cát Nhị, một người không đặt chân tới phía Nam Trường Giang, một người không vượt qua Bắc Trường Giang, cả đời không gặp lại nhau." Giang Luyện chỉ nghe chơi thôi, nhưng nghe một hồi cũng nghiêm chỉnh lại. Thần Côn nói: "Về chuyện xem quẻ đoán mệnh chú có lưu ý tới. Có một lần chú nhìn thấy một cách nói ở trên diễn đàn, họ giải thích việc đoán mệnh là lợi dụng sự khác biệt của chiều không gian." "Thế giới này của chúng ta là ba chiều, nên mọi người chỉ biết quá khứ không rõ tương lai, cảm thấy tương lai rất khó đoán. Nhưng vũ trụ thì lại không phải, có lẽ vũ trụ là bốn, năm chiều cơ, nên dựa vào chiều không gian có thể thấy trước được tương lai." "Nếu đúng là vậy thì cuộc đời của một người chỉ liếc cái là thấy, vì nó chỉ là một mắt xích số liệu đầy đủ thôi. Còn cuộc đời của tất cả mọi người sẽ như một kho số liệu khổng lồ ―— không rõ kho số liệu này được để ở đâu. Có lẽ là ở sâu trong vũ trụ, nhưng chỉ cần kết nối được với nó là ta có thể xem được. Não người chính là một dụng cụ kết nối, chỉ có não của một bộ phận nhỏ con người mới kết nối được với kho số liệu ấy." Giang Luyện nghe mà da đầu tê dại: "Ý của chú là những gì Viên Thiên Cương tính được thật ra chỉ là tương lai mà bọn họ nhìn thấy trong kho số liệu không gian đa chiều kia?" Thần Côn gật đầu: "Nhưng mà năng lực xem này có giới hạn. Một là chỉ thấy hình ảnh không rõ nguyên nhân, ví dụ như mình nhìn thấy một người sẽ vung dao chém người trong khoảnh khắc tương lai nào đó. Nhưng không thể biết người đó vung dao là để giúp người, tự vệ hay là đánh cướp. Nhìn lướt qua thì rất khó phân biệt ..." Giang Luyện gật đầu: Cái này dễ hiểu. Nó giống như một vài tin tức thời nay, thứ mình nhìn thấy chỉ là hình ảnh tại thời điểm đó thôi, không phải chân tướng. Nhưng rất nhiều người dễ bị kích động bởi hình ảnh đó. "... Trừ phi quan sát thật kỹ, bấm xem tình hình cụ thể. Nhưng loại xem kỹ lương này thì khó, rất tốn sức, còn chưa hẳn đã thành công ―— nhưng mà cái cảnh tượng chém người đó kiểu gì cũng xảy ra, vì đã bị mình thấy rồi mà." "Hai là chịu sự kìm hãm của trình độ văn minh đó, dù có thấy được một thứ gì đó cũng chẳng rõ nó là chuyện gì." "Lấy một ví dụ đơn giản thế này. Trong Thôi Bối Đồ có câu 'Bay lượn mà chẳng phải chim, lặn dưới nước cũng không phải cá, chiến tranh không ở binh lính mà do trò đùa của tạo hóa'. Có người phân tích là câu nói này miêu tả cuộc chiến tranh thời hiện đại: Thứ bay trên trời là máy bay giết địch, lặn dưới nước là tài ngầm ―— nhưng ông ấy là người nhà Đường làm sao biết được nó là cái gì. Vậy nên chỉ có thể miêu tả lại rằng có thứ gì đó bay trên trời mà không phải chim, lặn trong nước mà không phải cá." "Bây giờ cháu đã biết vì sao chú lại coi trọng lời Cát Đại tiên sinh nói chưa? Ông ấy không nói lời bịa đặt, cũng không suy luận mà "nhìn" thấy thật sự. Nghe nói những người như họ có thể xem cho người khác lại chẳng xem được cho mình và người thân, rất là đau khổ. Với cả nhìn trộm quá nhiều bí mật thường sẽ nghèo đói, cô độc, chết sớm. Với tài năng của Cát Đại nếu đi xem cho nhà giàu chẳng phải ngày có đấu vàng sao? Nhưng ông ấy không dám nhận loại tiền ấy." "Nghe nói mấy năm nay xem mệnh cho người đều một trăm một quẻ, mà không nói nhiều. Giờ tăng lên ba trăm chắc là do kinh tế phát triển, mức sống của người dân tăng cao nên lấy nhiều hơn ―— nhưng ông ấy sẽ không dành dụm số tiền này đâu. Cháu cứ đi xem sẽ biết, có khi bây giờ đã tiêu sạch rồi ấy." Rồi ông lẩm bẩm: "Rất nhiều người tìm ông ấy. Có lẽ ông ấy phiêu bạt quanh năm cũng vì sợ phiền hà. Chú nhận ra ông ấy, kiểu gì đêm nay cũng sẽ bỏ đi. Ông lão cũng phải tám mươi rồi, chắc là không còn gặp được lần thứ hai nữa." Giang Luyện im lặng, anh đang thấy hối hận. Vì sao đêm nay không đi chợ đêm với Thần Côn chứ? Làm lỡ mất cơ hội gặp được người tài. Nếu gặp được anh nguyện trả gấp mười lần băm trăm tệ để mời Cát Đại tiên sinh xem giúp: Mỹ Doanh có tìm được rương không. Anh và Mạnh Thiên Tư có thể ở bên nhau không, sau này sinh con trai hay con gái, tương lai của bọn nhỏ có khá khẩm không... Anh bỗng ngớ ra, chất vấn Thần Côn: "Cơ hội hiếm có như vậy mà chú không hỏi rương, chỉ hỏi mỗi họ thôi á?" Thần Côn tức giận: "Đã bảo với cháu rồi còn gì, chuyện quá cụ thể ông ấy không xem được. Nếu cứ ép sẽ khiến bản thân ông ấy bị thương. Với cả ông ấy chịu nói cho cháu hai câu là tốt lắm rồi. Có những người bỏ tiền vào bát còn bị ông ấy nhặt ra ném trả ấy." Được rồi. Giang Luyện suýt thành fan của Cát Đại tiên sinh rồi. "Cát Đại tiên sinh đã bảo tổ tiên chú họ Bành thì chắc hẳn là chú họ Bành. Nhưng mà chú... thấy người sang bắt quàng làm họ nhanh quá vậy. Nhận ngay tổ tiên mình là Bành Tổ, Bành Tổ... có biết chú à?" Thần Côn trợn mắt: "Chú không có thấy ông ấy sang mà bắt quàng, nói thật với cháu trước khi tham dự vào việc này, chú đã rất hứng thú với Bành Tổ rồi. Chú luôn cảm thấy ông ấy là... cuối... cuối..." Ông nghĩ một hồi lại đổi cách hình dung khác: "Chú luôn cảm thấy ông ấy là vị thần cuối cùng thời Thượng cổ." Giang Luyện nói: "Chỉ vì ông ấy sống lâu?" Không sai, mới đầu Thần Côn có suy nghĩ ấy là vì Bành Tổ sống lâu. Đến giờ ông vẫn có cảm giác như vậy: Những vị thần thời Thượng cổ đều có tuổi thọ dài, rất dài nhưng không phải là vô cùng, vô tận. Nếu không Nữ Oa, Phục Hi, Tinh Vệ đã còn sống đến nay rồi ―— cho nên tuổi tác của họ cũng có giới hạn. Mà Bành Tổ lại là người qua đời cuối cùng trong những vị thần ấy, thế nên ông từng sống ở thời Thượng cổ, từng sống trong thời Hạ Thương, cũng sống cả trong cổ đại bình thường, hiểu biết sâu rộng. Sau này bị cuốn vào trong chuyện của Sơn quỷ, biết đến việc tự sinh sản thì nhìn lại Bành Tổ càng có chút đặc biệt. Thần Côn nói: "Bành Tổ không phải sống lâu mà là rất lâu ―— số người sống trên trăm tuổi ở thời cổ đại không phải là ít, mà càng xa xưa tuổi thọ càng dài. Nghe nói Nghiêu sống đến một trăm bốn mươi lăm tuổi, Thuấn sống được một trăm mười tuổi. Nếu Bành Tổ chỉ sống một trăm hai, ba mươi năm thì cũng không có gì lạ, cũng không nổi tiếng đến mức được tôn làm người sống lâu nhất Trung Quốc." Giang Luyện đồng ý với ông: "Chú nghi ngờ số tuổi tám trăm là thật, còn ông ấy cũng là người tộc thần, có thể tự sinh sản? Hay chú cường điệu ông ấy là 'thế hệ cuối', 'người cuối cùng' là có ngụ ý gì?" Tất nhiên là có. Thần Côn kêu lên: "Người tộc thần bị tự nhiên đào thải, sự đào thải này là cả một quá trình. Người tộc thần có già có trẻ, tất phải có người chết trước chết sau. Vì tuổi thọ của họ đều rất dài, nên 'trước sau' này có thể cách đến mấy trăm năm." Nói đến điểm mấu chốt, tim ông đập thình thịch: "Nếu cháu là Hoàng Đế, chuyện đốt rương lại xảy ra sai sót làm kẻ trộm lấy mất một chiếc rương. Cháu muốn tìm cách để sửa sai thì cháu sẽ phái ai đi?" Giang Luyện nói: "Người... thông minh, tài giỏi nhất?" Thần Côn thở dài: "Tiểu Luyện Luyện, đầu óc cháu nhanh nhạy mà sao cứ đến lúc quan trọng lại thành cái sọ dừa thế? Thông minh tài giỏi đến đâu mà không sống được lâu thì có ích lợi gì?" Giang Luyện lập tức hiểu ngay: "Người trẻ nhất ạ?" "Tất nhiên rồi. Tộc Hoàng Đế sống ở Trung Nguyên, tộc Xi Vưu lại bỏ trốn đến nơi cằn cỗi như Tương Tây, Quý Châu, Vân Nam. Tộc Hoàng Đế không hiểu địa hình nơi ấy, mà rương lại bị phân tách, chỗ này giấu một thứ, chỗ kia để một thứ. Tìm được rương và lông phượng hoàng là chuyện dễ dàng sao?" "Lại thêm thời gian càng dài sẽ càng khó tìm, vì người biết chuyện đều chết cả. Đây lại là một bí mật, không thể tuyên dương khắp nơi ―— mấy thứ này khi thì Quảng Tây, Tương Tây, khi ở Côn Lôn, muốn tìm được hết chúng nó không phải nhiệm vụ đơn giản. Đừng nói là tuổi thọ của Bành Tổ là tám trăm, mà cho ông ấy thêm tám trăm năm tuổi nữa cũng chưa chắc đã tìm được. Mà người Trung Quốc lại có thói quen chuyện đời trước chưa làm xong sẽ giao lại cho con cháu." Giang Luyện đã liên kết được chút manh mối sơ bộ: "Ý của chú là con cháu Bành Tổ cũng bị cuốn vào đây? Mà con cháu ông ấy... chính là chú?" Nghĩ kỹ ra thì cũng rất có lý, mà còn có manh mối từ sớm cơ: Thần Côn có thể biết được mật núi thật hay giả, mà mật núi cũng nhận ra Thần Côn. Từ khi tham dự vào chuyện này Thần Côn luôn mơ thấy những giấc mộng quan trọng. Có lẽ đó không phải là mơ mà là mảnh ghép ký ức của Thần Côn. Giang Luyện bỗng nhớ ra một điều: "Vậy mục đích cuối cùng của chú khi tìm chiếc rương này là đốt nó đi à?" Vào những lúc này anh không thể không ích kỷ: Mỹ Doanh sống dựa vào chiếc rương mà Thần Côn lại muốn đốt nó. Đốt rương đi rồi thì Mỹ Doanh còn sống được sao? Thần Côn ngơ ngác: "Không biết, chú không có ý tưởng gì cả. Thật ra bây giờ điều chú muốn làm nhất là tìm ra bảy mảnh xương thú kia để giúp cho bạn chú. Bảy mảnh xương thú đó thì đúng là chú muốn đốt đi..." Giang Luyện cắt lời ông: "Chất liệu của những món đồ trong rương đều rất đặc biệt, không thể xử lý theo cách thông thường được. Bỏ vào rương là một bước nhất định phải có ―— nói cho cùng muốn đốt xương thú cũng phải đốt qua chiếc rương mà?" Thần Côn không phản đối lời này: "Nếu cháu lo lắng việc này ảnh hưởng tới cháu Huống... Chú nghe nói tối hôm qua cháu ấy đã gặp được Cát Đại tiên sinh, ông ấy còn tặng cháu Huống một câu." Tim Giang Luyện lập tức treo cao: "Câu gì?" "Tốt số, có quý nhân giúp đỡ vượt qua kiếp nạn." Giang Luyện sửng sốt một hồi, cảm thấy khó tin. Một lúc sau anh mới ngập ngừng: "Cát Đại tiên sinh nói hẳn là không sai đâu nhỉ?" Nếu Kiền gia có thể sống thêm mấy ngày, chính tai nghe được lời này chắc cũng sẽ rất vui. ... Trước khi Thần Côn trở về phòng cứ rề rà mãi mới nhờ Giang Luyện: "Chuyện đêm nay, cháu đừng... nói với cháu Mạnh vội." Giang Luyện không hiểu: "Vì sao ạ?" Thần Côn cười khổ: "Nếu con bé biết... cháu cảm thấy Sơn quỷ sẽ làm gì với một người có thể đốt mất mật núi?" Sẽ làm gì? Tiễn Thần Côn đi rồi, Giang Luyện ngồi thật lâu để nghĩ về vấn đề này. Anh cảm thấy Mạnh Thiên Tư sẽ không để bụng. Dù sao mật núi ngoài tác dụng khắc thủy tinh ra, dường như nó không còn tác dụng gì với Sơn quỷ. Nhưng bảy người mẹ của Mạnh Thiên Tư thì khó nói: Người già hay bảo thủ, thứ gì cũng muốn cất đi cho bớt việc, còn không muốn động vào chứ đừng nói là đốt. Anh bỗng thấy tò mò. Thần Côn – con cháu Bành Tổ có thiên phú dị bẩm gì không? Với những gì thấy được lúc này thì ông rất bình thường, không có gì đặc biệt. Lúc vào Mắt Phượng Hoàng còn suýt bỏ mạng dưới hàm răng cá sấu ―— ông muốn đốt rương còn khó hơn cả Đường Tăng đi lấy kinh. *** Sáng sớm hôm sau bắt đầu xuất phát. Đào Điềm điều hai chiếc xe, một chiếc SUV bảy chỗ và một chiếc xe chuyên chở dụng cụ. Cô ấy còn mang đến cho Thần Côn mấy bản "Sơn Hải kinh" và chú giải khác biệt. Còn cả mấy cuốn nói về Bành Tổ, chắc là tối qua Thần Côn yêu cầu thêm. Thần Côn có vẻ không ngon giấc, dưới mắt kính là hai vành mắt đen thui. Giang Luyện còn tưởng là ông mất ngủ vì được nhận tổ quy tông, đến khi nói chuyện với Mạnh Thiên Tư trên đường đi mới biết, tối qua sau khi về phòng Thần Côn lại hàn huyên với cô một lúc. Hóa ra A Huệ mà Thần Côn thường xuyên nhắc tới có tên thật là A Mộc Lí, là truyền nhân của Cổ vương tộc Hắc Miêu. Trong đó còn đi kèm với một câu chuyện khiến người ta phải than thở. Năm đó khi Đoạn Văn Hi đến thăm Cổ vương tộc Hắc Miêu có phát hiện anh chàng trợ lý trẻ tuổi của mình và A Mộc Lí phát sinh tình cảm. Bà đã uyển chuyển nhắc nhở anh ta: Con gái tộc Miêu nhất là Hắc Miêu am hiểu về cổ, tốt nhất là đừng dây vào. Anh trợ lý luôn miệng vâng dạ nên Đoạn Văn Hi cũng không để bụng nhiều. Nhưng bà quá coi thường tình cảm mãnh liệt của đôi trai gái trẻ tuổi. Anh chàng trợ lý không nghe lời khuyên của bà, cảm thấy có bị hạ cổ cũng không sao: con gái tộc Miêu hạ cổ đều là để trừng phạt kẻ phụ tình. Những gì anh ta nói ra đều sẽ thực hiện cho được, vậy thì có gì mà phải sợ? Sau cuộc hành trình đến Hắc Miêu, chàng trợ lý phải về nhà tiếp tục bài vở, Đoạn Văn Hi cũng có hành trình mới. Hai người chia tay ở Côn Minh, từ đó không còn liên lạc nữa. Mãi mấy năm sau trong lúc vô tình Đoạn Văn Hi mới hay biết anh chàng trợ lý đã mất từ lâu, nguyên nhân cái chết là do cổ. Đoạn Văn Hi suy tính thời gian thì biết là từ ngày ở Hắc Miêu. Có lẽ anh chàng trợ lý sau này không còn thương cô gái tộc Miêu nữa ―— tuy rằng cơ sự là do anh ta đã bội tình bạc nghĩa, nhưng bà vẫn luôn hối hận vì đã dẫn người vô tội đến Hắc Miêu. Từ đó về sau bà không còn thuê trợ lý nữa. Đây là nửa câu chuyện đầu. Mà nửa câu chuyện sau Mạnh Thiên Tư mới được Thần Côn kể cho nghe. Anh chàng trợ lý kia không có thay lòng. Sau khi hoàn thành việc học đã vội vã vượt đèo lội suối quay về thôn trại Hắc Miêu trước thời hạn với ý định là cho A Mộc Lí một niềm vui bất ngờ. Nhưng cảnh còn người mất, lúc ấy Cổ vương đã qua đời mà A Mộc Lí thì biệt tích trong một lần ra ngoài vào mấy tháng trước. Chàng trợ lý không biết làm sao, đành phải ở lại căn nhà cũ của A Mộc Lí để đợi người yêu về. Không ngờ anh không đợi được A Mộc Lí, mà chỉ đợi được cái chết đến gần. Cổ độc của A Mộc Lí đâu phải trò đùa? Tiếc thay anh trợ lý đáng thương, cả đời lịch sự nhã nhặn, hào hoa phong nhã, chưa từng làm chuyện xấu xa lại rơi vào cảnh bụng nát ruột tan, người ngợm thối nát. Anh chàng ở trong trại chịu cơn khốn đốn ba ngày ba đêm mới chết, ngay cả xương cốt cũng bị cổ trùng cắn vỡ nát. Mọi người trong trại cũng rất thương anh mà không làm gì được. Cũng là ý trời cả rồi: Ví như Cổ vương còn sống có lẽ sẽ phá bỏ được cổ của A Mộc Lí, nhưng Cổ vương cũng lại đã chết. Anh trợ lý ấy được chôn ở ngoài trại, nấm mộ nho nhỏ chưa đến một năm đã phủ kín cỏ xanh. Lại qua một năm. Vào một đêm mưa phùn lất phất, mấy gia đình sống ở đầu thôn chợt nghe tiếng con gái kêu khóc giằng xé đến não lòng. Người chồng hoảng sợ xách đèn bão ra xem. Ở bên nấm mồ anh trợ lý, người chồng nọ thấy được A Mộc Lí mất tích từ lâu. Theo lời anh ta nói, lúc A Mộc Lí ra ngoài còn là một thiếu nữ xinh đẹp thì bấy giờ giống hệt như một người phụ nữ. Đầu tóc cô bù xù, người ngợm dơ bẩn trong chiếc váy của người Hán đang điên cuồng đào mộ bằng tay. Hắc Miêu không thịnh hành việc hạ táng bằng quan tài, mà anh chàng trợ lý lại chỉ là một người ngoài. Lúc ấy người dân trong trại chỉ dùng chiếu cỏ quấn quanh rồi chôn cất. Sau thời gian dài, khí hậu trong núi lại ẩm thấp lớp chiếu cỏ mục nát đã hòa vào với xương cốt và bùn đất. Người chồng kia trông thấy A Mộc Lí gào khóc thảm thiết, bốc từng nắm đất ở giữa mộ lên bỏ vào miệng nuốt. Nước mưa làm đám bùn ở khóe môi cô chảy thành những dòng nước đen vô cùng ghê rợn. Anh chồng sợ đến mức ngã ngồi xuống đất. Chiếc đèn bão lăn ra xa mấy mét, dầu hỏa đổ ra làm cháy cả đám cỏ xung quanh. Anh ta vội vàng cởi áo ra dập lửa. Đến lúc dập xong mới nhớ tới A Mộc Lí, ngẩng lên xem thì chỉ còn mỗi bóng lưng gầy yếu lảo đảo của cô trong bóng đêm phía xa. Mẹ của anh trợ lý vẫn còn ở Thượng Hải, người yếu bệnh nhiều mà chẳng ai chăm sóc. A Mộc Lí đến Thượng Hải làm vũ nữ để đưa tiễn bà lão nhiều bệnh trong những năm cuối đời. Rồi sau đó thời thế rối ren, tình hình chiến đấu căng thẳng. Cũng như nhà họ Huống chạy nạn, A Mộc Lí đến một thôn nhỏ ở Hà Nam lánh nạn. Nhưng khác là cô không mang theo quá nhiều vàng bạc châu báu, mà lại dẫn theo một cỗ quan tài. Ở trong thôn nhỏ ấy, cô chọn chốn yên nghỉ cho mình, xếp người nhốt sống mình trong quan tài, lấy mạng để hạ huyết cổ nguyền rủa kẻ hại mình không được chết tử tế. Mấy chục năm sau, Thần Côn đến đó du lịch gặp phải cổ trùng. Sau một hồi chiến đấu "ác liệt" ông dùng mông đè bẹp cổ trùng. Ông còn gặp được cả chiếc nắp quan tài mục nát vì chất đất. Trên nắp quan tài có lời nguyền rủa mà A Mộc Lí để lại trước khi chết. Lộ linh một mạch, tuyệt ở ba đời. ... Xe đã ra khỏi nội thành, đường quốc lộ dần thông thoáng. Hình núi phương xa thỏa sức in dấu trên nền trời sáng sủa. Giang Luyện điều chỉnh âm lượng điện thoại, bấm mở tin nhắn thoại mà Mạnh Thiên Tư vừa gửi tới. Cô nói: "Anh có biết A Mộc Lí gặp phải chuyện gì không? Không tin nổi luôn, bà ấy đang đi trên đường lại bị một đám người đánh ngất bắt đi. Mà đám người đó lại là người nhà họ Thịnh, nhà họ Thịnh chín chuông." "Khi ấy lộ linh nhà họ Thịnh bị đứt đoạn, người đứng đầu cho người ta ít tiền để đến kỹ viện hoặc khu bán người mua một cô gái về thay máu để tiếp tục nối liền huyết mạch." "Nhưng mấy tên cặn bã kia mang tiền đi đánh bạc, đến lúc hết tiền không biết phải trình bày sao thì rình người qua đường. A Mộc Lí đen đủi gặp phải bọn chúng, đường đường là truyền nhân của Cô vương, nếu mà đánh trực diện bọn kia đâu phải đối thủ của bà ấy?" Giang Luyện cũng không rõ cảm giác trong lòng mình ra gì: Nhưng đời người thường xuyên như vậy, lật thuyền trong mương, đổ xe đất bằng. Cũng như bà cố Đoạn vậy, có ai ngờ được bà sẽ kết thúc cuộc đời truyền kỳ trong tay Diêm La? Mạnh Thiên Tư nghiến răng nghiến lợi: "Em mà biết nhà họ Thịnh là kiểu người như vậy, còn lâu em mới để Sơn quỷ cho bọn họ mượn núi!" Giang Luyện cười. Trong xe yên tĩnh nói gì mọi người đều nghe được, nên anh vẫn luôn nhắn tin cho cô: "Cũng không thể nói vậy được, nhà họ thịnh vẫn có người tốt." Mạnh Thiên Tư hầm hừ ở đầu bên kia, còn bảo: "A Mộc Lí bị bắt đi để nối lại lộ linh. Em đoán khi đó trên người bà ấy không có cổ, buộc phải nghe lời sinh con gái cho nhà họ, sau đó nhân lúc người trông chừng chểnh mảng mà bỏ trốn." "Nhưng bà ấy cũng rất ác, lộ linh một mạch, tuyệt ở ba đời là nguyền rủa cả con gái, cháu gái, chắt gái đó. Có thể thấy được bà ấy hận nhà họ đến nhường nào. Mà Thần Côn còn nói với em, người bạn chú ấy quen chính là đời thứ ba của lộ linh." Giang Luyện ngẩn ra, vội vàng gõ chữ: "Có thể giải à?" Mạnh Thiên Tư trả lời: "Nói là cổ trùng chết nên giải được hơn nửa. Thần Côn không rõ lắm về Hắc Miêu, sau này có cố ý tới trại Hắc Miêu hỏi nhưng bên Cổ vương thất truyền rồi, không có ai giải đáp cho chú ấy được cả. Chú ấy không dám đảm bảo, sợ là vẫn còn di chứng. Với cả chú ấy cảm thấy nhà họ Thịnh chín chuông coi lộ linh là chủ, lộ linh đứt đoạn nghĩa là cả chín chuông đều đứt. Cây đổ bầy khỉ tan, mạch quan trọng nhất còn đứt thì những cái khác còn có thể..." Nói đến đây bỗng mất tín hiệu. Giang Luyện ngẩng đầu nhìn đỉnh núi bao la càng lúc càng gần. Lộ linh một mạch, tuyệt ở ba đời. Tuyệt ở đây là người hay là chuông? Thật ra nhà họ Thịnh chín chuông mà không có chuông, cũng chỉ giống như người bình thường thôi. Từ tận đáy lòng, Giang Luyện có một cảm giác. Chuyện đốt rương này, có lẽ... nhất định sẽ xảy ra.