Quyển 7: Mắt Phượng Hoàng - Chương 92

Xương Rồng

Vĩ Ngư 28-09-2023 17:05:22

Nghe Giang Luyện nói vậy, Thần Côn cũng cảm thấy câu nói mà pháp sư Ba Mai đọc được đúng là nhắc tới nhà họ Thịnh. Đặc biệt là nhà họ Thịnh còn là một gia tộc có tình cảm thân thiết rồi lại không thường xuyên tiếp xúc với Sơn quỷ. Ông quay sang nhìn Mạnh Thiên Tư, lòng ngập tràn hy vọng. Mạnh Thiên Tư biết ông đang nghĩ điều gì: "Chú đừng hỏi cháu, cháu không biết đâu. Không ai biết nhà họ Thịnh đi từ bao giờ, sơn hộ bên này chỉ ngẫu nhiên phát hiện Bát Vạn Đại Sơn đang bỏ trống thôi. Mà với cách sống khép kín của người nhà họ Thịnh, cháu không cho rằng ông bạn Vạn Phong Hỏa của chú có thể tìm được." Đúng là như vậy, bên Vạn Phong Hỏa am hiểu chuyện tìm người, nhưng chỉ toàn là những người có trong hệ thống xã hội bình thường thôi: Ví dụ như Diêm La, bởi vì ông ta từng làm lao công, vào biên chế nhà nước nên rất dễ tìm. Còn những người sống trong núi sâu, tự rào đất nhốt mình thì rất khó tìm được. Ông vẫn còn do dự: "Để chú hỏi lão Thạch xem, lão ấy ở nhà quanh năm suốt tháng, không ra cửa bao giờ." Nói xong, ông cầm điện thoại lên gọi về số điện thoại cố định ở nhà. Thạch Gia Tín nghe máy rất nhanh. Để tiện cho Mạnh Thiên Tư và Giang Luyện cũng nghe cùng, Thần Côn bấm mở loa ngoài. Một giọng nói thờ ơ, cứng ngắc vang lên: "Ai đấy?" Thần Côn hắng giọng: "Tôi." Nghe thấy là người quen, giọng Thạch Gia Tín dịu đi: "Định về à?" Đây đúng là ông bạn cùng phòng tốt tính, chẳng soi mói đời tư gì cả, mọi cuộc trò chuyện chỉ xoay quanh "Đi à?","Về rồi à?". Thần Côn nói: "Không phải. Tôi muốn hỏi ông về chuyện nhà họ Thịnh. Chuông của nhà họ từ đâu đến thế?" Chất liệu chuông của nhà họ Thịnh rất đặc biệt, không thể là do họ tự chế tạo được. Thạch Gia Tín nói: "Không biết." Không biết cũng là điều bình thường. Bí mật mà, không thể ai cũng biết được. Thần Côn lại hỏi tiếp: "Thế... nhà họ Thịnh có lịch sử bao nhiêu năm rồi? Đời đầu tiên có từ bao giờ?" Thạch Gia Tín trả lời: "Cũng không biết. Đời đầu tiên... có thể có từ thời người vượn đấy." Mạnh Thiên Tư suýt nữa thì bật cười, Giang Luyện cũng rất muốn cười: Nhưng câu trả lời này cũng chẳng sai, mỗi một người sống ở trên đời đều có một cội nguồn lâu dài, không những có thể ngược dòng đến thời nguyên thủy, mà nếu khoa học kỹ thuật tìm hiểu kỹ càng hơn, có khi còn tìm ra được nguồn gốc là một sinh vật đơn bào nào đấy ý. Mặt khác, Giang Luyện còn chú ý tới Thạch Gia Tín trả lời như vậy không phải là để chọc cười —— anh ta vẫn luôn nói bằng chất giọng nhạt nhẽo, cứng ngắc, chẳng có chút âm điệu nào. Thần Côn tức giận: "Sao cái gì ông cũng không biết thế?" Thạch Gia Tín đáp: "Ông cũng biết nhà họ Thịnh vốn không phải gia đình có học. Gần vài chục năm số người được đi học, biết chữ rất ít, lại còn hay chuyển nhà tránh họa. Dù có gia phả nhưng đều phân tán cả. Có thể tìm hiểu ngược lại một, hai trăm năm đã là tốt lắm rồi. Còn trước đó nữa thì ông có hỏi ai, người ta cũng đều bảo không biết thôi. Ông cũng không cần phải hỏi Thịnh Hạ đâu, những gì cô ấy biết còn không nhiều bằng tôi. Ông không có việc gì nhỉ, không có việc gì thì tôi cúp máy đây." Điện thoại vang lên những tiếng "tút tút", Thần Côn cầm điện thoại mà ỉu xìu: Thịnh Hạ chính là tên thật của Quý Đường Đường. Trước kia Thạch Gia Tín từng làm một việc có lỗi với cô ấy, sau này lại được cô ấy giúp đỡ. Nên tuy bây giờ anh ta sống theo kiểu không vương vấn gì, nhưng mỗi khi gặp chuyện có liên quan đến Quý Đường Đường, anh ta sẽ rất để ý. Câu anh ta nói nhiều nhất là "Không có việc gì thì đừng quấy rầy cô ấy. Người ta chỉ muốn có một cuộc sống yên bình thôi.". Xem ra bây giờ chưa thể tìm hiểu về chuyện nhà họ Thịnh ngay được. Tuy Thần Côn có hơi uể oải nhưng ông vẫn chưa đến mức thất vọng: Từ trước đến giờ bí mật luôn quanh co vòng vèo, có mấy khi dễ dàng bằng phẳng đâu. Ông quay sang nhìn Mạnh Thiên Tư: "Cần phải nhờ Đường Nào Cũng Thông mau chóng sắp xếp để chúng ta đến núi Phượng Hoàng..." Đang nói dở, chuông điện thoại lại reo vang. Số gọi đến được lưu là "Nhà", chắc là Thạch Gia Tín gọi lại. Thần Côn cho rằng Thạch Gia Tín nhớ ra điều gì nên vội vàng nghe máy. Giọng Thạch Gia Tín vẫn cứ nhạt nhẽo, bình bình như trước: "Nếu ông cảm thấy hứng thú với chuông nhà họ Thịnh thì trên tay tôi có một cái. Tôi có thể gửi cho ông để ông từ từ nghiên cứu." Chết tiệt, ở chung với nhau lâu như vậy mà trước giờ Thần Côn chư từng nghe anh ta nhắc đến chuyện mình có chuông. Ông sướng rơn lên: "Trên tay ông có chuông... là cái chuông gì?" "Chín chiếc chuông nhà họ Thịnh, đứng đầu là Lộ Linh. Cái trên tay tôi là Lộ Linh. Chuông nhà họ Thịnh có hai bộ, một bộ nằm trong tay người giữ chuông mỗi đời. Một bộ khác thì được chôn ở những phương hướng khác nhau trên ngọn núi mà nhà họ Thịnh cư trú, nó được gọi là chuông trấn núi. Cái trong tay tôi là chuông trấn núi, chẳng có tác dụng gì cả, bị tôi ném ở trong kho phủ bụi rồi. Nếu ông muốn..." Thần Côn kêu lên: "Muốn! Muốn!" "Địa chỉ." Là định gửi qua à? Món đồ huyền bí như vậy mà cái người tên Thạch Gia Tín này chẳng để bụng gì cả. Mạnh Thiên Tư sợ gặp chuyện sơ sẩy nên vội vàng bảo Thần Côn: "Để cháu bảo sơn hộ đến lấy, sau đó nhờ người đưa tới Quảng Tây. Đừng gửi gắm linh tinh, nhỡ thất lạc thì xong." Thần Côn nhắc lại lời cô. Thạch Gia Tín thì thế nào cũng được: "Tùy ông." Anh ta chẳng chút tò mò cô gái nói chuyện với Thần Côn là ai, cũng không hỏi sơn hộ đến nhà lấy chuông là thế nào. Thích thế nào cũng được, chuyện của mình chỉ là một câu chuyện cười nhảm nhí, còn chuyện của người khác thì lại chẳng liên quan đến mình. *** Ngày mưa không tiện đi lại, Lộ Tam Minh kiểm tra dự báo thời tiết để chờ ngày nắng. Kết quả có thể là bây giờ đã đến mùa mưa, nên ngày nào cũng mưa hết: may mà chiều ngày hôm sau trời mới mưa, nên họ có thể lên đường vào buổi sáng. Không còn vấn đề gì nữa cả. Sáng sớm hôm sau, quả nhiên trời tạnh ráo, Tân Từ đi tới vừa chải đầu cho Mạnh Thiên Tư, vừa hát dân ca: Anh ta rất thích chạy nhảy khắp nơi với Mạnh Thiên Tư, bởi vì đến đâu cũng được đón tiếp nồng nhiệt, mà chuyện nguy hiểm lại chẳng dính đến anh ta. Phần lớn thời gian anh ta chỉ cần đợi ở bên ngoài, cũng được coi là đi du lịch, ngắm cảnh. Chải đầu xong, anh ta "xin ý kiến" của Mạnh Thiên Tư: "Có bện không?" Mạnh Thiên Tư nói: "Bện đi, vào núi phải trèo lên, leo xuống, để xõa bất tiện lắm." Tân Từ hiểu ý cầm chiếc lược chia tóc cho cô, rồi hỏi: "Thiên Tư, em và Giang Luyện tiến triển sao rồi?" Mạnh Thiên Tư liếc anh ta qua gương: "Anh hỏi vậy là do tò mò hay là hỏi hộ ai?" Tân Từ đáp rất xảo quyệt: "Đều có cả. Anh vừa tò mò mà lúc lão Mạnh nói chuyện với anh cũng có hỏi nữa. Với cả em tưởng bọn Đường Nào Cũng Thông không bàn tán à? Anh nghe thấy ông ta sai sử bọn Tì Hưu là phải tử tế với Luyện tiểu ca vào, đừng thấy người ta không phải ba tầng cánh sen mà coi thường, biết đâu sau này địa vị còn cao hơn cánh sen ấy." Mạnh Thiên Tư trầm ngâm: Biết làm sao được, ai bảo cô nắm ngôi vương, để đi đâu cũng trở thành tiêu điểm của những tin đồn chứ. Cô nói: "Mặc kệ là ai hỏi anh, anh cứ trả lời là không có gì cả, đừng quan tâm vớ vẩn." Tân Từ ghé lại gần cô: "Thiên Tư, anh luôn luôn đứng ở bên em, em bảo anh trả lời thế nào anh sẽ trả lời thế đó —— nhưng mà, không có gì thật à?" Mạnh Thiên Tư dở khóc dở cười, sau đó cô nói: "Thật sự không có gì." Tân Từ nhíu mày, vuốt lọn tóc trên tay: "Không thể nào." Lần đó Mạnh Thiên Tư nổi giận đuổi lão Mạnh đi vì Giang Luyện, anh ta đã cảm thấy hai người này có điều gì mờ ám. Mà sao ở chung sớm chiều bao lâu nay vẫn cứ bình bình như vậy? Tân Từ lẩm bẩm: "Tên Giang Luyện này, có phải là kiểu người không chủ động cũng không từ chối không? Thiên Tư, anh ta đợi em theo đuổi trước à?" Mạnh Thiên Tư thản nhiên đáp lại: "Thế thì anh ta cứ đợi đi." Cô không nói thêm gì nữa mà chỉ nhìn Tân Từ bện tóc cho mình qua gương. Một lúc lâu sau bỗng dưng cô lại nói: "Thật ra như vậy cũng tốt." Làm việc, nói chuyện với Giang Luyện rất thoải mái, khoảng cách giữa hai bên cũng rất đúng mực: Nếu anh mà đến gần hơn một chút, thì có lẽ cô sẽ phải "dứt khoát" như lời Cừu Bích Ảnh nói. Cho nên cứ như bây giờ chẳng phải rất tốt sao? Vừa không xấu hổ, vừa không lúng túng, cũng chẳng khó xử. Tân Từ bực bội: "Không thể cứ như vậy mãi được. Mối quan hệ giữa người với người không tiến ắt sẽ lùi, chưa có ai có thể giữ mãi khoảng cách không tiến không lùi được. Anh ta không tiến thì em phải tiến. Nếu em vẫn không tiến, anh ta sẽ cảm thấy cứ đứng đó mãi chẳng có ý nghĩa gì, rồi có khi sẽ lùi lại mất." Sau một hồi trầm ngâm, Mạnh Thiên Tư nói: "Thích lùi thì lùi." *** Ăn sáng xong, đoàn xe xuất phát thẳng tiến đến núi Phượng Hoàng. Núi Phượng Hoàng được gọi là núi, nhưng đáng ra nó phải được gọi là dãy núi Phượng Hoàng —— ngọn núi kéo dài mấy chục kilomet, trải dài suốt bốn huyện, có vô số đỉnh núi. Những đỉnh núi có tên như dốc Ngưu Động, núi Dương Giác, núi Bạch Mã gì đó đều được ghi trong sổ của huyện. Còn những đỉnh núi vô danh thì cứ tiếp tục vô danh, hoặc được người dân địa phương đặt bừa cho một cái tên. Mắt phải Phượng Hoàng chính là một ngọn núi vô danh, được lưu truyền qua lời của người dân địa phương: Ngọn núi đó không cao, mà hình dạng của nó có nói là giống đầu gà hay đầu phượng người khác cũng chẳng thèm tranh cãi với mình. Dù sao cách đặt tên của người Trung Quốc, nói dễ nghe thì là đặt theo ý cảnh, nói khó nghe thì là gán ghép bừa bãi. Trên đỉnh cái "đầu phượng" kia có một hang động, nhìn từ xa thì trông như con mắt, mà nó lại nằm ở bên phải nên được gọi là mắt phải Phượng Hoàng. Núi là núi hoang, không được đưa vào bất cứ kế hoạch du lịch nào cả, ai thích lên thì lên. Đoàn người dừng xe ở dưới chân núi, rồi trèo lên trên. Tì Hưu giới thiệu là người dân ở thôn xóm gần đó thỉnh thoảng cũng lên núi nấu nướng dã ngoại —— thảo nào hai bên đường có cả những chiếc túi nilon không thể phân hủy, một vài chiếc bếp đá bỏ không cùng với mảng đất cháy đen sạm bên dưới bếp. Còn về cái hang động kia cũng chỉ là một cái hang bình thường thôi. Mấy người kiểm tra bằng cả các loại thiết bị tiên tiến cũng không tìm được bất cứ điều lạ thường nào. Vì có kinh nghiệm ở Tương Tây rồi, Mạnh Thiên Tư cũng sợ cái hang động này còn ruột núi gì đó nên cho người kiểm tra cẩn thận. Sau cùng cô kết luận: Đây là hang động. Trong hang động này nhìn thế nào cũng không giống như nơi có phượng hoàng biết bay. Mạnh Thiên Tư tra xét một hồi thì thấy mệt nên ngồi nghỉ ở cửa hang. Phong cảnh nơi đây bình thường, nhưng vì ở trên đỉnh núi có gió mát phất phơ nên cũng khá thoải mái. Thần Côn nhìn ngó khắp nơi rồi đưa ra một kết luận sơ bộ: "Giả! Chắc chắn hang này là giả, mắt phải Phượng Hoàng thật sự tuyệt đối không phải là đây. Nhưng có thể nó ở ngay gần đây." Cũng giống như câu kệ "Con mắt nhỏ dầu, cái lưỡi đi loạn" của rừng treo mật ấy, mới nhìn cứ tưởng cảnh ngay trước mặt, nghiên cứu sâu hơn mới biết là nó có ngụ ý khác. Giang Luyện cũng nghĩ vậy, nhưng tạm thời anh không biết phải tìm ra sao, mà lại không thể ngồi im được, nên vẫn phải lượn quanh trong hang động. Đang lượn lờ bỗng nghe thấy chuông tin nhắn, Giang Luyện cầm lên xem rồi nói: "Từ Khắc Dụng gửi tin ngoài lề đến, tôi gửi cho hai người nhé." Mạnh Thiên Tư sửng sốt một hồi mới nhớ ra Từ Khắc Dụng là người của Vạn Phong hỏa, phụ trách việc cung cấp tin tức của Diêm La cho Diêm La —— cậu ta đột nhiên liên hệ với Giang Luyện, chắc là đã có tin tức gì mới. Nhưng "ngoài lề" là cái quái gì? Lát sau tin nhắn gửi đến, cô bấm vào xem. Hóa ra ban đầu Từ Khắc Dụng điều tra về Diêm La đều tra theo nhánh "lao công". Sau này Giang Luyện biết Diêm La từng sống ở thôn năm trăm lộng thì cung cấp manh mối đó cho Từ Khắc Dụng để nhờ cậu ta điều tra thêm. Phải biết rằng thôn Năm Trăm Lộng đã bỏ hoang mấy chục năm, những gia đình năm đó đều chuyển đi cả rồi, dù là hệ thống trải khắp cả nước cũng khó mà tìm ra được —— Từ Khắc Dụng cứ kêu than mãi, nhưng mà "khách hàng là thượng đế" nên cậu ta buộc phải nhận và tìm hiểu về thôn Năm Trăm Lộng: Lúc Diêm La sống ở thôn cũng phải ra ngoài làm việc chứ? Mà đã ra ngoài làm việc thì kiểu gì chẳng tiếp xúc với mọi người. Bộ dạng Diêm La độc đáo như vậy chẳng lẽ không có ai còn ấn tượng về ông ta? Cuộc điều tra này đúng là có kết quả, nhưng mà rất ít, đa phần chỉ là "có gặp qua". Đến khi không tìm được gì nữa, Từ Khắc Dụng gom hết những thứ đó lại thành tin tức "ngoài lề" rồi gửi sang cho Giang Luyện để bày tỏ rằng mình vẫn còn đang điều tra —— nhìn xem, bọn này tra được một tẹo rồi đấy. Mạnh Thiên Tư kéo xuống dưới xem. Có một người nói Diêm La là người bán hàng rong, thỉnh thoảng lại gánh hàng vào thôn đổi kim chỉ, diêm, nến gì đó lấy trứng gà. Hóa ra đây là "ngoài lề". Mạnh Thiên Tư bực bội, mấy năm đó đã phần người ở nông thôn đều làm nghề này. Còn có người nói, Diêm La có thể mài dao cho người trong thôn. Có một lần ông ta mài dao hỏng, suýt nữa thì đánh nhau với chủ nhà. Toàn là mấy chuyện lông gà vỏ tỏi, thảo nào gọi là ngoài lề. Kéo đến dòng cuối cùng cô đã ngán ngẩm lắm rồi, nhưng trong lúc vô tình liếc thấy chữ "núi Trấn Long" cô lại vực dậy tinh thần để đọc nó. Có một người sống ở chân núi Trấn Long, khi còn nhỏ lên núi nhặt củi phụ gia đình gặp được Diêm La, mà còn có ấn tượng sâu sắc với ông ta cơ. Lúc ấy Diêm La đang mài dao. Thật ra mài dao không có gì lạ. Người miền núi lên núi đốn củi gặp phải tình trạng dao bị cùn đều sẽ giội nước vào tảng đá để mài —— sở dĩ người kia vẫn còn nhớ mãi cảnh tượng hôm ấy là do Diêm La ngồi mài dao ở bên vách núi. Trong phần ngoài lề là cả câu nói của người dân nọ: "Có ai ngồi mài dao bên vách núi đâu. Với cả vách núi đó không đơn giản đâu, chúng tôi gọi nó là đầu nguồn gió. Giây trước còn yên bình, giây sau gió to đã ập tới. Từng có một người đi tiểu ở đó, gió nổi lên thế là quấn cả người lẫn nước tiểu xuống dưới, chết thẳng cẳng luôn." "Tôi gọi ông ta, bảo là ngồi đó nguy hiểm lắm, gió mà thổi đến sẽ ngã xuống vực mất, nhưng ông ta không để ý đến tôi. Tôi thấy ông ta không nhận lòng tốt của mình thì không mặc kệ luôn. Đến khi đi ngang qua tôi mới nhìn thấy trên eo ông ta buộc một sợi dây, đầu dây bên kia thì buộc trên một cái cây gần đó —— xem ra ông ta có biết là có gió mạnh, cũng sợ mình bị lôi xuống, nên tôi không nói gì nữa.". . . Đầu nguồn gió... Mạnh Thiên Tư vẫy tay gọi Tì Hưu. Hai ngày nay Tì Hưu làm việc cho Mạnh Thiên Tư đều được truyền lời qua Lộ Tam Minh, bây giờ đột nhiên được cô gọi trực tiếp thì vừa vui vừa sợ. Mạnh Thiên Tư hỏi anh ta: "Trên núi Trấn Long có một cái đầu nguồn gió, nghe nói là gió rất to, anh có biết không?" Tì Hưu sinh sống ở mảnh đất long phượng sum vầy bao nhiêu năm, sao có thể không rõ ràng địa hình được. Huống chi nghe tin đại lão muốn đến thăm, anh ta đã ôn lại kiến thức một lần để có thể ứng phó với những câu hỏi đột ngột như thế này rồi. Tì Hưu lập tức gật đầu: "Đúng là có, có vài cái luôn. Do ảnh hưởng bởi địa hình, nên dòng khí đến rất đột nhiên, cũng rất mạnh. Nghe nói gió còn cuốn cả người xuống vách núi cơ. Bình thường mọi người đi qua đó đều phải đi thật nhanh, không dám dừng lại." Giang Luyện và Thần Côn thấy Mạnh Thiên Tư hỏi chuyện Tì Hưu thì mò đến gần nghe ngóng. Đến khi nghe được "đầu nguồn gió" và "gió lớn" thì cả hai quay sang nhìn nhau, không hẹn mà cùng nhớ tới câu nói Đoạn Văn Hi ghi chú ở sơn phổ núi Trấn Long. Gió nổi rồng lên. Quả nhiên Mạnh Thiên Tư cũng nghĩ đến điểm ấy: "Thế có cái truyền thuyết nào kể rằng khi nổi gió người dân địa phương đã nhìn thấy rồng không?" Tì Hưu giật mình, một lúc lâu sau mới lắp bắp: "Mạnh tiểu thư, tuy núi Trấn Long có tên là núi Trấn Long nhưng tới giờ chưa từng có tin đồn có người nhìn thấy rồng. Nếu cô hỏi về tượng rồng thì có..." Mới nói được đến đây trên trời đã vang rền tiếng sấm. Dự báo thời tiết ngày nay chuẩn thật đấy, vừa mới qua buổi trưa mưa đã tới rồi. Tì Hưu ngẩng đầu nhìn trời, có vẻ lo lắng: "Mạnh tiểu thư, chúng ta mau về thôi. Trời giông bão còn ở trên núi cao, nhỡ mà gặp sấm sét..." Cũng phải, Mạnh Thiên Tư đứng dậy gọi mọi người xuống núi. Không ngờ cơn mưa này đến quá nhanh. Đoàn người vừa mới đi được một đoạn, trời đã mưa như xối xả, cả đất trời độc một màu trắng xóa, người đứng ngay bên cũng chẳng nhìn thấy được. Vốn dĩ để đề phòng trời mưa bọn họ đều mang theo đồ che mưa, nhưng hiện giờ ô dù không mở ra được do gió thổi mạnh, áo mưa cũng chẳng ăn thua. Những giọt mưa như hạt đậu rơi lộp bộp trên người, có mặc áo mưa hay không cũng vẫn thấy đau —— ngay lúc mọi người đang hoảng loạn chợt nghe thấy tiếng ầm ầm. Mạnh Thiên Tư còn chưa tìm được nguyên nhân tiếng vang, thì đã nghe thấy tiếng quát của Tì Hưu: "Nguy rồi, tẩu sơn, chạy mau." Tẩu sơn, hay còn được gọi là "dốc trơn","nắp trượt" và cũng chính là "lở đất". Tì Hưu vừa nói xong có mấy sơn hộ mất bình tĩnh đã phi ngay xuống dưới chân núi. Loại việc này thường có phản ứng dây chuyền, có một rồi sẽ có hai, chẳng mấy chốc cả đám đã nối đuôi nhau chạy xuống. Mạnh Thiên Tư nghe tiếng vang ở xa, nghĩ rằng không phải ngọn núi này bị lở, cùng với theo lẽ thường có gặp núi lở thật cũng không được chạy xuống, mà phải chạy sang trái vuông góc với hướng núi lở. Đây đều là sơn hộ mà sao lại không có cả chút thường thức cơ bản như vậy chứ. Mạnh Thiên Tư vốn đã tức giận lại bị nước mưa xối cho tức hơn. Cô quát lên: "Đừng hoảng..." Còn chưa nói xong, cô đã cảm nhận được ai đó túm lấy tay mình. Cùng lúc đó, sau lưng xuất hiện tiếng vang rền. Bây giờ ngọn núi Phượng Hoàng này lở thật rồi.