Vừa nói đến tiến triển, Thần Côn đã ủ rũ.
Mấy ngày nay ông luôn quẩn quanh hai đầu mối chính là pháp sư Ba Mai và Diêm Lão Thất.
Pháp sư Ba Mai rất nhiệt tình nhưng lại khiến ông phải thất vọng.
Nhiệt tình là pháp sư Ba Mai đã cố gắng suy ngẫm, đọc được thêm một câu nữa cho ông. Còn thất vọng là pháp sư ngã bệnh mất rồi. Tính đến hôm nay ông ấy đã sốt cao liên tục hai ngày liền.
Mã Quyên Hồng rất áy náy, hôm qua đã xách quà đến thăm trại Thập Đầu thăm pháp sư.
Giang Luyện cảm thấy khó hiểu: "Đổi mùa bị bệnh là chuyện bình thường mà. Hết bệnh lại xem tiếp là được."
Thần Côn lắc đầu.
Người sống trên núi đa phần đều là người mê tín. Pháp sư Ba Mai đổ bệnh vì đọc bức tranh thêu hoa sẽ khiến ông ấy lo sợ, sợ rằng mình làm chuyện không nên làm, bị trời phạt. Vả lại pháp sư Ba Mai có thể trở thành pháp sư của trại Dao không phải là được dạy dỗ, cũng không phải ông ấy tự học, mà nó là một loại thiên phú. Lúc ông ấy không đeo mặt nạ, không thấy ông ấy chỉ là một ông lão ướp thịt khô bình thường thôi sao?
Cơn bệnh này đến quá đột nhiên, cũng giống như những nghệ nhân hát nói sử thi Gesar ở Tây Tạng: Có một số người chăn cừu mù chữ sau khi tỉnh ngủ hoặc sốt cao thì bỗng có thể đọc ra một bài sử thi dài mấy triệu chữ —— Thần Côn có một trực giác kỳ lạ rằng sau lần ngã bệnh lần này của pháp sư Ba Mai, ông ấy không thể đọc được tranh thêu nữa.
(*) Vua Gesar: theo truyền thuyết của dân tộc Tạng ông là hóa thân của hoa sen, cả đời rong ruổi trên lưng ngựa, hành thiện diệt ác, tuyên truyền phật hiệu, truyền bá văn hóa, là một vị anh hùng có một không hai trong lòng người dân Tạng. Vua Gesar sinh năm 1038. mất năm 1119. cả đời hàng yêu phục ma, trừ bạo an dân, chinh nam chiến bắc, thống nhất 150 bộ lạc lớn nhỏ để thành lập nên xứ Ling.
Thần Côn rất áy náy, ông cảm thấy là lỗi của mình nên pháp sư mới bị như vậy.
Giang Luyện cũng hơi xúc động, anh lặng người một lúc rồi mới hỏi: "Vậy câu nói ông ấy đọc được cuối cùng là cái gì?"
Thần Côn thở dài: "Là về bảy mảnh xương thú kia."
Câu nói đó là: Ánh mắt bị che đi, nhưng tay sẽ giúp ta nhận ra chúng.
Giang Luyện nói: "Dùng nút thắt để ghi chép... mà cũng hoa mỹ thế á?"
Thần Côn đáp: "Ghi chép sự việc bằng nút thắt là ghi lại sự việc. Pháp sư đọc chúng nó bằng cảm giác, ông ấy chỉ miêu tả cái cảm giác đó ra thôi. Sau đó nó còn được Mã Quyên Hồng phiên dịch lại nữa. Hiểu chưa?"
Đã hiểu.
Ánh mắt bị che đi, nhưng tay sẽ giúp ta nhận ra chúng.
Giang Luyện nhíu mày.
Ý của câu này có vẻ là bảy mảnh xương thú kia dù có ở ngay trước mặt cũng không có ai nhận ra chúng nó, mà chỉ có thể dùng tay... lần mò?
Cái này thì hơi khó tin, sao anh có thể sờ ra được chứ? Có những người mù có thể nhận ra người thân của mình bằng cách sờ mặt. Nhưng đó là do họ đã khắc ghi hình dáng gương mặt của người thân ở trong lòng rồi. Chứ làm gì có ai sờ ra được mấy mảnh xương chưa sờ, chưa nhìn thấy bao giờ chứ?
Thảo nào Thần Côn lại ủ rũ như quả cà héo."Tiến triển" này quá là mông lung.
Giang Luyện thay đổi đề tài: "Thế Diêm La thì sao ạ?"
Thần Côn lại sầu thêm ba phần: "Tiểu Luyện Luyện, có phải cháu cảm thấy Diêm Lão thất là con cháu hoặc họ hàng của Diêm La, cứ tìm được Diêm Lão Thất là có thể biết rõ tình hình của Diêm La không?"
Đúng là anh nghĩ như vậy. Nhưng mà giọng điệu của Thần Côn khiến Giang Luyện cảm thấy không ổn: "Diêm La và Diêm Lão Thất không liên quan gì đến nhau à? Mặt mũi giống nhau chỉ là do trùng hợp thôi ạ?"
Thần Côn nói: "Không phải, họ đúng là ông cháu..."
Trái tim Giang Luyện hơi bình tĩnh lại ——
"Nhưng mà Tiểu Luyện Luyện, cháu quên mất chuyện thời đại thay đổi rồi."
Là sao?
Giang Luyện bỗng nhớ tới một việc, tim đập như điên trong lồng ngực: "Ông ta bị... giết qua vụ dọn cướp ở Tương Tây à?"
Thần Côn nói: "Không phải."
Mẹ nó, Giang Luyện suýt nữa thì tức điên lên vì ông: "Chú muốn nói gì thì nói thẳng ra xem nào, đừng có ngắt quãng nữa!"
Nghe anh quát vậy Thần Côn cũng ngoan ngoãn hơn. Ông kể lại hết mọi chuyện có liên quan đến Diêm La cho anh nghe.
***
Diêm La chưa từng gia nhập thật sự với bọn cướp.
Nói cách khác ông ta có hai thân phận. Ở bên ngoài ông ta là một tiên sinh làm việc văn thư, thường xuyên nhận những việc lặt vặt như viết thư, viết thiệp mời, viết thực đơn bữa tiệc, câu đối ngày lễ tết, hoặc là đi ghi chép sổ sách cho người ta. Còn ở bên trong ông ta ngầm giao du với đám trộm cướp, bày mưu tính kế giúp bọn chúng, thậm chí là trực tiếp tham dự vào vụ cướp bóc.
Trên đời này không có bức tường nào kín gió, dần dần việc này cũng bị truyền ra ngoài. Nhưng Diêm La kiên quyết không thừa nhận. Mà vì không có bằng chứng nên cũng chẳng ai làm gì được ông ta.
Với bộ não thông minh của mình, khi Tương Tây diệt cướp, ông ta đã lên bờ làm người lương thiện, nên không bị ảnh hưởng.
Nhưng sau này khi nhà nước vận động xóa bỏ giai cấp địa chủ, rất nhiều người vì tự bảo vệ mình và lập công mà đua nhau tố cáo người khác. Diêm La không chống trọi được: Dù sao những việc xấu xa đó sớm muộn gì cũng bị phơi bày, mà một khi bị lôi ra kiểu gì ông ta cũng ăn đạn.
Diêm La nghĩ rồi lại nghĩ, cuối cùng ông ta nghĩ ra được một chiêu: chuồn là thượng sách.
Ông ta chuồn mất.
***
Giang Luyện không hiểu lắm: "Chạy á? Ông ta chạy đi đâu? Vậy là sau này ông ta lại quay lại à?"
Diêm Lão Thất bây giờ vẫn còn ở Tương Tây cơ mà.
Thần Côn cười nhạo anh: "Cháu vẫn còn non lắm Tiểu Luyện Luyện. Cháu tưởng ông ta dắt cả vợ con đi cùng à? Không đâu! Tên Diêm La này là một kẻ độc ác, ông ta chạy một mình, để mặc tất cả bố mẹ, vợ con."
Giang Luyện hít một hơi: "Chắc ông ta sẽ không đi thẳng một mạch, từ đó không trở về nữa đấy chứ?"
Thần Côn hòa nhã trả lời: "Đúng vậy. Sau lần đó ông ta như con diều đứt dây, đá chìm trong biển, không về Tương Tây nữa."
Đù má!
Giang Luyện cuối cùng đã hiểu vì sao Thần Côn lại cứ ủ rũ, héo úa như vậy. Sau đợt trôi nổi từ đỉnh ngọn sóng xuống đến đáy biển, từ hy vọng tràn trề đến thất vọng triệt để, anh cũng muốn ủ rũ, không không không, không chỉ là ủ rũ, anh muốn hèo mòn luôn.
Anh thở dài một hơi, dựa người vào ghế thở dài.
Đi suốt một vòng cuối cùng lại về điểm ban đầu.
Thần Côn hắng giọng: "Chú còn chưa nói xong đâu, đằng sau vẫn còn một đoạn nữa."
Giang Luyện đã chẳng buồn ngẩng đầu lên nữa, anh nhìn chiếc đèn treo trên trần nhà, cảm thấy có vô số sợi rễ cây từ bốn phía duỗi về quả cầu chân tướng, khiến anh không biết phải bắt đầu từ đâu: "Chú nói đi."
"Một kẻ phá hoại xã hội chủ nghĩa thì không thể thích chạy là chạy ngay được. Bộ đội địa phương và các xã đoàn thôn ủy vẫn luôn truy tìm ông ta. Sau này có một kế toán của đội sản xuất nói rằng, buổi tối trước ngày Diêm La chạy trốn, ông ta bị đau bụng phải đi vệ sinh đêm, có từng gặp được Diêm La cõng một chiếc rương."
Giang Luyện ngẩng đầu lên: "Rương? Có phải là cái..."
Anh nuốt những lời phía sau vào bụng: Chưa chắc, có thể ông ta cõng chiếc rương chứa tranh chữ. Những năm ấy có rất nhiều người vượt biên giới trốn ra nước ngoài, mang tranh chữ sang nước ngoài có thể kiếm được kha khá.
Nhưng Thần Côn lại cho anh một câu trả lời chắc chắn: "Cháu nghe tiếp đi đã. Chú cảm thấy đúng là chiếc rương đó."
Rồi ông nói tiếp: "Không phải kiểu vali da đựng đồ thời xưa đâu. Theo hình dáng và cấu tạo thì là cái kiểu rương cũ đó. Những năm ấy ai đi ra ngoài cũng xách giỏ xách túi, chứ chẳng có ai cõng rương cả. Cho nên ông kế toán kia mới không nghĩ rằng Diêm La chạy trốn. Mãi đến hôm sau nghe tin Diêm La chạy thì mới biết."
Cổ họng Giang Luyện khô khốc: "Có phải Diêm La... biết được gì đó không?"
Chắc chắn là vậy!
Ví dụ như lần đám cướp giết người nhà họ Huống, Diêm La chú ý đến chiếc rương đó là vì nó kỳ lạ, đáng để nghiên cứu. Mà lúc ông ta phải chạy trốn, đến cả bố mẹ, vợ con ông ta còn chẳng quan tâm, lại cứ nhất quyết cõng theo một chiếc rương thì quả là có vấn đề.
Thần Côn gật đầu: "Vụ cướp đồ của nhà họ Huống xảy ra vào khoảng những năm bốn mươi, ông ta chạy trốn khỏi Tương Tây là những năm sáu mươi. Tính ra thì Diêm La đã nghiên cứu chiếc rương đó mười mấy năm rồi..."
Giang Luyện tiếp lời: "Mà rất có thể Diêm La còn có cả tư liệu của nhà họ Huống nữa. Hắc Tam chỉ lấy tiền bạc, Diêm La thì lấy đám sổ sách, tranh chữ —— nếu nhà họ Huống thật sự là một trong những gia tộc được phân cho một mảnh nhỏ của chiếc rương, thì có thể Diêm La đã tìm được những thứ họ ghi chép lại."
Những thứ ấy chắc chắn rất có giá trị, hoặc là có sức hấp dẫn rất lớn đối với Diêm La.
Giang Luyện rất muốn bóp cổ tay: Nhà họ Huống cũng là một gia tộc đáng để tìm hiểu sâu hơn. Vậy mà anh ở ngay bên con cháu của họ, nhưng lại chẳng có được chút tin tức có giá trị nào cả —— bao nhiêu bí mật của một gia tộc đều bị đám cướp kia cắt đứt rồi. Rõ là... con mẹ nó!
Anh vội hỏi: "Chú có biết Diêm La trốn đi đâu không?"
Thần Côn lắc đầu: "Trời đất bao la chỗ nào chẳng đi được, nhưng mà..."
Ông bỗng thay đổi chủ đề: "Cháu có biết Diêm Lão Thất phát tài nhờ đâu không?"
Ai mà biết được. Giang Luyện mất kiên nhẫn: "Do đánh cướp?"
Thần Côn lườm anh: "Cháu lại sai rồi. Đánh cướp chỉ là chiêu trò của bọn lưu manh thôi. Nếu muốn thành đại ca của vùng Tương Tây thì phải có tiền. Nhưng mà với gia cảnh của Diêm Lão Thất, sau bao nhiêu đợt vận động và thanh tra, thì làm gì còn xu nào? Việc này là do chính Diêm Lão Thất nói."
Khi ấy Diêm Lão Thất từ một người nghèo đột nhiên giàu có, quen biết rất nhiều bạn bè, ngày nào cũng chìm đắm trong rượu chè gái gú. Có một lần ông ta uống say, có người mời rượu nhân tiện hỏi thăm cách phát tài của ông ta. Diêm Lão Thất cười ha ha vừa nốc rượu vừa giơ hai ngón tay ra, nói rằng: Diêm Kim Quốc tôi có ngày hôm nay phải cảm ơn hai người. Một là họa sĩ Bạch Thạch tiên sinh, một người nữa chính là người ông từng làm cướp nhìn xa trông rộng của tôi!"
Thập niên chín mươi, tất cả đều đã thành quá khứ. Cái việc có người thân từng làm cướp đã trở thành một chuyện rất bình thường.
Theo lời Diêm Lão Thất nói người ông nội chết giẫm của ông ta trốn đi từ hồi nhà nước càn quét địa chủ, tính đến nay cũng hơn nửa đời người rồi. Người trong nhà chẳng ai thèm nhớ tới Diêm La nữa, ai ngờ một ngày nọ ông ta lại cắn rứt lương tâm, gửi cho cháu mình một bức thư.
Bên trong có hai tờ giấy, một tờ là bản đồ dẫn tới một cái hố trời nhỏ, tờ còn lại thì là thư. Trong thư nói rằng trước kia mình từng làm cướp, có chôn một số thứ tại địa điểm được vẽ trên tấm bản đồ kia. Ông ta bảo Diễm Lão Thất đào nó ra mang đi bán, thì cả đời này sẽ không phải lo chuyện tiền bạc, coi như là ông ta đền bù cho gia đình.
Thật ra lúc ấy còn đền bù cái gì? Người cần ông ta đền bù thì chết cả rồi, thành ra lại được lợi cho Diêm Lão Thất.
Diêm Lão Thất biết cái hố trời đó, nó không sâu lắm, chỉ chừng trăm mét thôi. Người ở quê gọi đó là hố chôn người, nói rằng đó là nơi xử lý những kẻ có tội như thông dâm, giết người. Thế nên quanh vùng đó rất u ám, buổi tối lại toàn ma trơi, khiến người dân không dám đến gần.
Diêm Lão Thất là một kẻ không sợ ma quỷ chỉ sợ nghèo. Ông ta mang theo niềm hy vọng leo xuống dưới hố trời, dẫm lên những thi cốt xa xưa, cuối cùng cũng đào được một chiếc rương được bọc trong mấy lớp giấy dầu. . . .
Câu chuyện này quá là hư cấu, nên người mời rượu không tin: "Anh Bảy, anh thật là, không chịu dìu dắt các anh em phát tài cùng thì thôi, lại còn đi bịa ra một câu chuyện nhảm nhí như vậy..."
Cũng có người giơ cao chén rượu: "Cạn đi! Đây là số mệnh rồi. Sao lúc trước ông em không tài giỏi như ông anh nhỉ. Anh nói xem nếu ông ấy cũng cướp cho em hai bức tranh của Bạch Thạch, hay là chữ của Vương Hi, có phải bây giờ em cũng giàu to rồi không?". . .
Sau khi tỉnh rượu, Diêm Lão Thất mới hối hận vì mình đã lỡ lời, từ đó về sau ông ta không còn nhắc tới việc này nữa. Có ai hỏi ông ta cũng chỉ cười lấy lệ. Nhất là sau này khi đã quay về làm người lương thiện, biết chú ý đến gia cảnh, xuất thân thì ông ta càng không nhắc tới chuyện năm xưa.
***
Quả nhiên dịch cây thì chết, dịch người thì sống, lần bỏ trốn ấy của Diêm La đã trở thành một con đường sống của ông ta, giúp ông ta bình an sống đến những năm chín mươi.
Giang Luyện hỏi thêm: "Sau đó thì sao? Diêm Lão Thất được Diêm La giúp đỡ như vậy mà không định đi tìm ông nội mình à?"
Thần Côn nói: "Cái này thì không phải do Diêm Lão Thất. Người nắm quyền chủ động là Diêm La. Bức thư đó của ông ta không có chữ ký, không có địa chỉ, còn tuyên bố thẳng là không cần nhận người thân cơ."
"Thế dấu bưu điện thì sao? Gửi thư qua bưu điện thì phải có dấu chứ?"
Thần Côn gật đầu: "Dấu bưu điện thì có."
Có dấu bưu điện là có manh mối rồi. Tâm trạng của Giang Luyện dịu xuống: "Nó được gửi từ đâu? Từ tỉnh nào?"
Thần Côn đáp lại hai chữ.
Quảng Tây.
***
Thành phố Hoàng Sơn, An Huy.
Trên con đường người đến người đi, có một cửa hàng thẩm mỹ viện tên là Sơn Quế trai.
Sơn Quế trai này là sản nghiệp của Sơn quỷ, nhưng nó không phải trụ sở chính mà chỉ là một cửa hàng thẩm mỹ viện thôi.
Lúc không cần đi đâu, cứ một hai tuần Mạnh Thiên Tư lại tới đây một lần, để nhân viên thư giãn đầu óc, gân cốt giúp cô: Cô khác với Cao Kinh Hồng, cô không thích được phục vụ tại nhà. Nếu tất cả mọi thứ đều có thể làm ngay ở nhà thì còn cần chân làm gì nữa?
Vừa sang trưa, ánh mặt trời đã chiếu vào phòng qua khe hở của tấm mành trúc lưa thưa, tạo thành những đường sáng dài trên bức tường đối diện.
Mạnh Thiên Tư đã mát xa xong, cô đuổi nhân viên mát xa ra ngoài rồi ngồi dậy, dù rất thoải mái nhưng cũng vẫn không vui.
Cô ngồi ngây ra đó một lúc rồi cúi người xuống lấy tẩu thuốc đặt ở bên dưới lên, ngậm vào miệng.
Tẩu thuốc này cô có được từ năm ngoái, xung quanh tẩu thuốc được khảm rất nhiều đồ quý giá. Phần thuốc lá bên trong cũng là loại đặc biệt, không có vị thuốc lá mà lại có vị chanh, vị dứa, thậm chí là vị coca tùy theo sở thích từng người.
Hít một hơi khói ngọt, chiếc bình được làm từ ngọc lưu ly phát ra những tiếng ùng ục rất là hay.
Cô từng hút ở nhà hai lần, bị Cao Kinh Hồng nhìn thấy, bà bảo cô: "Tư Bảo Nhi, con nhìn con có khác gì hút thuốc phiện không?"
Người già thật là lạ, họ có thể ghét một thứ gì đó chỉ vì một tư thế nào đó. Mạnh Thiên Tư cũng chẳng buồn giải thích, mà chỉ mang tẩu thuốc đến thẩm mỹ viện, để mỗi lần mát xa xong thì lại hút.
Thế là ai cũng cho rằng cô thích hút thuốc, nên đua nhau mang tới cho cô các vị thuốc khác nhau.
Thật ra đó là cô thấy chán, nên để đầu óc nghỉ ngơi, nghe tiếng ùng ục của tẩu thuốc, nhìn những bọt nước xuất hiện rồi vỡ tung.
Mỗi lúc như thế trong đầu cô sẽ hiện lên rất nhiều người, rất nhiều việc.
Bây giờ cô đang nhớ đến Giang Luyện.
Khi nhớ đến chuyện anh đi mà không thèm chào hỏi, cô đã chẳng còn cảm xúc gì nữa cả. Cô chỉ cảm thấy là mình hiểu nhầm ý anh. Trước kia cô cũng từng như vậy, bây giờ có mắc phải lỗi ấy lần nữa cũng không có gì lạ cả.
Nhưng cô có cách nào đâu, từ trước đến giờ cô vẫn luôn không nhìn thấu lòng người. Mẹ năm đã nhắc cô phải "có mắt nhìn người", lúc nào cô cũng mở mắt thật to để nhìn, nhưng con người chưa bao giờ có thể nhìn thấu chỉ bằng một đôi mắt.
Cửa phòng mở ra, là Mạnh Kính Tùng đi tới.
Mạnh Thiên Tư bỏ tẩu thuốc xuống: "Có việc à?"
Mạnh Kính Tùng gật đầu.
Anh ta nói về chuyện thứ nhất trước: "Bên phía Thần Côn anh đã bảo Liễu Quan Quốc giúp đỡ ông ấy hết mình, ông ấy có yêu cầu gì cũng phải cố gắng làm tới cùng."
Rất tốt.
Mạnh Thiên Tư lại hỏi: "Có tiến triển gì không?"
Mạnh Kính Tùng còn chưa kịp nói, cô đã nói thêm: "Anh đừng thông báo nhỏ giọt nữa, em không rảnh để nghe mỗi ngày một ít đâu. Anh cứ theo dõi chuyện đó tiếp đi, khi nào có tiến triển lớn thì lại báo cho em."
Mạnh Kính Tùng nhìn cô không nói câu nào: Cô nói là cô không rảnh, nhưng thực ra cô rất rảnh.
Cô chỉ không muốn nghe thôi.
Sau khi dừng lại một lát, anh ta hắng giọng: "Còn một việc nữa là... bà sáu sắp bốn mươi lăm..."
Mạnh Thiên Tư lập tức ngồi thẳng người dậy: "Bốn mươi lăm là đại thọ nhỉ?"
Mạnh Kính Tùng gật đầu: "Đối với Sơn quỷ, gặp năm gặp mười đều là đại thọ."
"Thế mẹ sáu... về Sơn Quế trai hay vẫn ở Quảng Tây?"
"Ở Quảng Tây."
Trong dự tính của cô, Mạnh Thiên Tư buồn bã một lúc lâu rồi lẩm bẩm: "Sao phải làm vậy chứ."
Cô lại hỏi tiếp: "Thế những người khác..."
Mạnh Kính Tùng biết cô muốn hỏi những bà khác có đi không: "Không đi."
Mạnh Thiên Tư nhíu mày: "Đều không đi à? Thế... có gửi quà không?"
"Cũng không tặng luôn. Cho nên anh mới đến hỏi em, nếu em cũng không đi hoặc không tặng quà, thì có thể..."
Mạnh Thiên Tư không để ý đến câu nói đó, cô chỉ nỉ non: "Cần gì phải vậy chứ? Đã tránh mặt nhau bao nhiêu năm rồi."
Mạnh Kính Tùng nói: "Việc này cũng không thể trách ai được, ai bảo..."
Anh ta không nói hết câu.
Mạnh Thiên Tư lặng người đi.
Cô nhớ tới ngày mừng thọ của các bà khác, trong Sơn Quế trai luôn tổ chức tiệc tùng linh đình, náo nhiệt. Lần nào cũng vắng mặt mẹ sáu, ngay cả lễ tết bà cũng không có mặt, như thể bị trục xuất hoặc là bị chính bà trục xuất.
Mẹ sáu của cô tên là Khúc Tiếu, là một diễn viên hát hí khúc ở Quảng Tây.
Khi đến phiên Mạnh Thiên Tư đi theo Khúc Tiếu, đa số thời gian cô đều ở trong hậu trường rạp hát. Tất cả mọi người đều bận rộn, chẳng ai chú ý đến cô, cô sẽ tự mình bày trò để nghịch. Cô mặc bộ trang phục diễn vừa dài vừa rộng, cuộn ống tay áo lên mấy tầng, sau đó nhẹ nhàng uyển chuyển đi đến trước bức tường, giả vờ xấu hổ kêu: "Công tử..."
Cô cố ý cong lưỡi học theo cách hát hí khúc của những người khác nhưng do học không đến nơi đến chốn nên nghe như thể "gà trống".
(*) Gà trống = công kê, đọc na ná như công tử
Công tử tường chưa bao giờ để ý và đáp lại lời cô.
Có một lần bị Khúc Tiếu nhìn thấy, bà bật cười nói với cô: "Thiên Tư nhà ta nhỏ như vậy đã định lấy chồng rồi sao?"
Cô đỏ mặt, vùi đầu vào trong lớp áo rộng rãi: "Không lấy, không lấy, con không lấy chồng đâu.". . .
Lời nói đùa khi ấy sau này lại thành sự thực.
Mạnh Thiên Tư nghĩ đến sinh nhật bốn mươi lăm tuổi của mẹ sáu mà lại vắng tanh, không ai đến chúc mừng thì rất chua xót.
Cô nói: "Nếu tất cả mọi người đều không đi, thì để em đi."