Quyển 1: Ảo Ảnh Trên Núi - Chương 9

Xương Rồng

Vĩ Ngư 28-09-2023 16:25:08

Phía trước, Mã Nhị Ca vừa bước lên cầu thang thì nghe thấy ba chữ "Thần chữ đầu", bất giác chậm lại bước chân. Ở Tương Tây,"Thần chữ đầu" đại diện cho phái dùng bùa Thần Châu, cao thủ bên ấy am hiểu vẽ bùa, làm bùa, có khi lát thử hỏi cậu này xem sao, lão nghĩ. Kiểm tra thiệp mời ổn thỏa, Thẩm Vạn Cổ lặp lại lời mời như ban nãy. Nhìn quanh quất đường cái lần nữa để đảm bảo tạm thời không có khách, anh ta mới yên lòng ngồi xuống, đang định nói tiếp về Mạnh Thiên Tư thì Thẩm Bang bảo: "Ở lại trông nhé, tao đi báo cáo trợ lí Mạnh cái." Thẩm Vạn Cổ ngơ ngác: "Báo cáo gì?" Thẩm Bang mở khóa màn hình iPad cho bạn xem. Là ảnh chân dung một người đàn ông trung niên, phần màu trắng bên dưới là lí lịch tóm tắt. Thẩm Vạn Cổ lẩm nhẩm: "Lý Trường Niên, sinh năm 1969. bản Ba Hòn dốc Cái Đầu." Anh ta giật mình sửng sốt. Trọng tâm không phải ở lí lịch mà là người trong ảnh, đây đâu phải tên bù xù vừa đi qua? Thẩm Bang cười mát: "Nghĩ bọn này là lũ rừng rú nhà quê dễ lừa lắm ha. Tưởng vớ được cái thiệp ở đâu là tha hồ đội lốt chuồn vào á? Nay phải cho mày biết tay ông, giỡn nhầm người rồi con ơi." *** Dù tối qua đã lên kế hoạch đàng hoàng nhưng sáng nay đeo thử bịt mắt, Mạnh Thiên Tư vẫn thấy như vậy rất kì, nếu phải ngồi cùng bàn ăn với mười mấy người thì chẳng quá... Vì vậy, đổi sang kế hoạch B, cô ngồi riêng một phòng. Gian phòng này có vị trí rất đặc biệt, nằm trên lầu hai, mặt giáp sảnh là cửa kính thủy tinh, chỉ cần kéo rèm lại là có ngay một không gian riêng tư như cô mong muốn. Khách quý đến thăm thì có thể trực tiếp gặp mặt trao đổi, khách thấy chu đáo mà cô cũng thoải mái tự tại, ven cả đôi đường. Quả đúng như dự đoán, ngồi chưa ấm chỗ khách khứa đã lũ lượt kéo lên, may chỉ chào hỏi xã giao, gửi quà cáp, chuyện trò vài câu là xong nên không mệt. Mãi mới thư thư, Mạnh Kình Tùng xuống lầu chào hỏi khách khứa, Tân Từ ở lại cùng Mạnh Thiên Tư bóc núi quà. Chủ yếu là đặc sản miền núi, sao lọt nổi mắt xanh của Mạnh Thiên Tư. Có vài món trang sức giá trị không thấp nhưng gì chứ cái này cô toàn hàng "xịn" chất đống đâu chỉ một hai hòm. Thần chữ đầu là tên khác của phái bùa Thần Châu, chuyên vẽ bùa bằng chu sa nên dẫn đầu tặng một khối tinh thể tự nhiên sinh trưởng trên gốc thạch anh. Nói xa xỉ cũng phải vì khối tinh thể này mấy trăm triệu là ít nhưng Mạnh Thiên Tư nhìn nó đăm đăm hồi lâu, đoạn, hỏi Tân Từ: "Em thấy màu này có giống gan lợn không?"... Quà của dân hổ lại được lòng cô nhất. Trước khi giải phóng, Tương Tây đồi núi trập trùng mà gần như núi nào cũng có hổ. Vì hổ thường lần xuống núi tha chó thịt trâu thậm chí vồ cả người nên sự ra đời của dân săn hổ là lẽ tất yếu. Nhưng khác với thợ săn bình thường, ngoài một thân tài nghệ đầy mình, họ còn thờ phụng Bồ Tát Mai sơn và săn hổ bằng bùa chú nên được mệnh danh là "Thợ hổ Mai Sơn". Đồng thời, căn cứ vào phương pháp săn bắt mà chia ra thành các nhánh nhỏ gọi là "Ba động Mai Sơn", săn bắn từ xa bằng cung nỏ là động trên, trực tiếp đuổi theo con mồi là động giữa, sử dụng các loại bẫy rập là động dưới. Hiện tại ở đây không phân chia rõ ràng như thế nữa, gọi chung là dân hổ. Quà của dân hổ là một chiếc , to cỡ đầu người, năm móng vuốt sắc nhọn đen bóng, lớp lông trên các thớ thịt khô vẫn còn y nguyên. Dân hổ bảo, chiếc chân hổ này đã phơi ba trăm năm, có thể trừ tà ma, bảo vệ bạn lên núi bình an. Không ngờ một cái chân mà vẫn còn uy lực của hổ, Tân Từ cầm lên xem, nặng trình trịch là vậy nhưng với cậu thứ này vô dụng, có khi còn tốn chỗ cũng nên: "Để gãi lưng hay gì." Nói đoạn, còn toan đưa lên gãi thử. Mạnh Thiên Tư lừ cậu: "Lúc còn sống nó là hổ dữ một phương đấy, em đem nó ra làm trò đùa vậy không sợ..." Ý tại ngôn ngoại, Tân Từ nghe mà dựng tóc gáy, cuống quít cất chân hổ vào hộp quà nhưng vẫn ráng cãi cố: "Trừ tà trừ ma cái gì, chẳng bằng ngón chân của chuông vàng phục thú nhà mình..." Thôi chết, lỡ mồm nói đúng cái không nên nói. Tân Từ sợ bị ăn đòn, lấy cớ đi vệ sinh, vội vã chạy biến. Ra khỏi cửa là nhẹ nhõm hẳn, ngoài sảnh huyên náo tiếng chúc rượu chén chú chén anh. Tân Từ thở phào một hơi khoan khoái, đi tìm nhà vệ sinh ở bên kia sảnh. Lúc ngang qua bàn tròn, cậu thấy một ông chú tóc xoăn đeo kính đang cầm một bức tranh vẽ họa tiết gì đó, hùng hồn biện luận: "Tuy tôi không biết mẫu bùa này thật nhưng ông đã nghe câu 'Thương Hiệt tạo một gánh chữ, truyền cho Khổng Tử chín đấu sáu thăng, giữ lại bốn thăng* cho thuật sĩ vẽ bùa', bốn thăng chữ ấy nào có từ điển, làm gì có chuyện thuộc làu làu cho được!" *: 1 gánh = 10 đấu = 100 thăng. Bên cạnh là một ông già mặc áo khoác vải xanh đang gật lấy gật để ra chiều chí lí lắm. Đi qua bàn khác, một cô gái trẻ tuổi đang cúi đầu uống rượu chợt ngẩng lên. Tân Từ bỗng đứng hình. Phải biết, trước khi nhận chức, Tân Từ đã ngụp lặn trong giới trang điểm cho người mẫu bao lâu, người đẹp nhiều như mây, giờ thì ngày ngày xách túi đi theo Mạnh Thiên Tư – người mà "nếu xấu, bà tổ đã loại từ vòng gửi xe". Vậy nên, cậu đã miễn dịch với thứ nhan sắc thường thường bậc trung từ lâu lắc. Nhưng người con gái ấy thì khác. Nàng không đẹp sắc sảo mặn mà, thành thật mà nói thì cũng chỉ ở mức trung bình khá, thế nhưng, khuôn mặt nàng trắng ngần, đường nét thanh tú, lông mày lá liễu mảnh mai, đôi mắt trong vắt như nước hồ thu. Nàng dịu dàng ngồi đó, tỏa ra một quầng sáng nhu mì thuần khiết, đố ai dời mắt nổi. Thấy Tân Từ nhìn mình, cô gái ấy mỉm cười thân thiện. Tân Từ xấu hổ, luống cuống dời mắt thì bắt gặp Mạnh Kình Tùng đang nghiêm nghị dẫn một người đàn ông khoảng ba mươi tuổi về phía cầu thang phòng riêng. Người đàn ông kia vai rụt lưng gù, mặt mũi tàn tạ, hàm răng thụt thò mất trật tự chìa ra đến nỗi đôi môi tều không sao che nổi, dùng từ xấu là còn nói giảm nói tránh... Tân Từ giật mình, rảo bước đuổi theo Mạnh Kình Tùng: "Anh ta..." Mạnh Kình Tùng ừ một tiếng: "Anh ta biết chuyện cái xác." Tân Từ thấp giọng: "Anh ta là... chạy chân?" Dù đã nói nhỏ nhất có thể nhưng người kia vẫn nghe thấy, nhe răng cười làm cái mũi tỏi như hếch thẳng lên trời: "Á à, người anh em cũng hiểu biết nhỉ." Tim Tân Từ đập thình thình như gõ trống. Cậu có biết gì đâu trời. Đêm qua tra đuổi thây trong từ điển núi mới biết người đuổi thây rất kị nhắc đến "đuổi thây", phải thay bằng "chạy chân". Ngoài ra, người đuổi thây tướng mạo rất xấu, càng xấu càng tốt, như thể có vậy mới trấn át nổi ma quỷ trong rừng và cái xác đi phía sau. *** Người kia họ Lâu, tên một chữ Hồng. Mặc dù dọc đường đi anh ta có vẻ khá thoải mái ung dung nhưng khi vào phòng gặp Mạnh Thiên Tư, vẫn không khỏi dè dặt, lúng túng ngồi xuống đối diện, thậm chí không dám ngó lên mặt, chỉ dám nhìn con nhện trên cổ hoặc chân hổ bên tay cô. Tân Từ đóng cửa, khấp khởi muốn nghe đầu đuôi câu chuyện. Ai ngờ Mạnh Thiên Tư còn có nhã hứng hỏi han: "Nhà họ Lâu à... Tôi nhớ thời cụ Đoàn, người nhà họ Lâu từng gặp quỷ núi thì phải nhỉ." Lâu Hồng tức tốc gật đầu: "Vâng vâng, đúng rồi, khi ấy không phải ở Tương Tây, cố sư phụ nhà tôi đang chạy chân ở khu Quý Châu thì gặp Đoàn tiểu thư..." Năm ấy, cụ bà Đoàn Văn Hi mới độ hai mươi tuổi, chắc người nhà họ Lâu kể lại cho đời sau gọi cụ là "Đoàn tiểu thư". "Khi đó, đám chúng tôi tú tài lác đác không có mấy mà Đoàn tiểu thư đã là nữ tiên sinh du học trở về, giỏi thật đấy." Tân Từ mắt chữ A miệng chữ O, âm thầm hỏi Mạnh Kình Tùng bằng khẩu hình: "Du học á?" Mạnh Kình Tùng làm bộ như không thấy: Tân Từ là người ngoài, cứ tưởng quỷ núi là kiểu gia tộc bí ẩn bảo thủ, giờ thì tha hồ mở mang tầm mắt, tóc núi Đoàn Văn Hi là du học sinh Anh từ năm 1925 cơ đấy, vượt xa giáo dục phái nữ thời bấy giờ. Mạnh Thiên Tư chuyển sang chủ đề chính: "Đã quen biết từ xưa nên thật lòng mong anh giúp đỡ." Lâu Hồng sợ bật cả mình, nhổm dậy: "Không có gì không có gì... Chuyện trợ lý Mạnh hỏi, quả thực chỉ phái chúng tôi mới rõ. Bên ấy gọi ảo ảnh núi còn chúng tôi thì là 'tranh đốt đèn' chỉ khi sáng đèn mới thấy tranh ma vẽ." Tân Từ tự nhủ, đúng là sơn quỷ có văn hóa hơn hẳn,"ảo ảnh núi" khoa học như thế, trong khi bên kia "tranh đốt đèn" nghe rõ chân chất hai lúa. Chẳng phải người xưa sống trên núi chưa trải sự đời, tưởng rằng ấy là tranh ma vẽ phải trưng đèn mới thấy đó ư. Lâu Hồng biết gì nói nấy: "Ông nội tôi dặn rằng, tranh đốt đèn chỉ hiện trong những ngày mưa nhưng cực kì hiếm hoi, mười năm chưa chắc đã gặp một lần, mà quan trọng là câu tranh ma, chữ 'câu' trong câu cá ấy." Câu tranh ma... Mạnh Thiên Tư ngẫm nghĩ: "Câu trong câu cá... Nói cách khác, cái xác giả ấy là mồi câu?" Lâu Hồng vỗ đùi: "Đúng là con gái... nhầm, tiểu thư nhà quỷ núi, thông minh đáo để. Đúng rồi, giống như câu cá, tranh đốt đèn chính là con cá, phải thả mồi nhử để câu nó lên." Tân Từ nghe mà líu lưỡi: Thế thì hai mà như một chứ còn gì, đều liên quan đến chữ "câu", có điều, quỷ núi câu ngọc ảo bằng nhện ôm, còn Lâu Hồng thì dẫn mồi để câu cả ảo ảnh. "Con mồi ấy không phải đặt bừa là được đúng không?" Lâu Hồng gật đầu như gà mổ thóc: "Đúng đúng, mồi từ tranh mà ra, phải có người từng thấy cảnh trong tranh mới thả được mồi." "Ví dụ, vào một ngày mưa chị thấy trong tranh có một người bị treo trên cây và một con sói nằm dưới gốc cây. Lần sau nhử mồi, chị có thể lấy một người bị treo trên cây hoặc một con sói nằm dưới gốc cây làm mồi." "Nhưng mồi nào cũng vậy, nhất định phải giống hệt trong tranh, nếu lấy người làm mồi thì từ vị trí, quần áo, tư thế, khuôn mặt, ... Nói chung là càng giống càng tốt, cái này gọi là thả con săn sắt bắt con cá rô." Mạnh Thiên Tư ừ một cái, ngả về phía sau, tay gõ nhẹ xuống vuốt sắc bén bóng loáng trên chân hổ. Dễ hiểu thôi, núi xuất hiện ảo ảnh, những người khác nhau có cái nhìn khác nhau. Quỷ núi gọi là ảo ảnh núi, đồng thời biết ngọc ảo mới là gốc rễ của nó; phe phái của Lâu Hồng thì cho rằng đó là bức tranh, nhân lúc thiên thời địa lợi, lấy bộ phận để dẫn chỉnh thể,"câu" cảnh tượng lúc ấy ra ngoài. Thảo nào xác giả mặc quần áo cuối nhà Thanh đầu Dân Quốc, vì người thật chết lâu rồi nên phải dùng hàng nhái "cao cấp", tết tóc đuôi sam, bó ống quần, đeo giày cỏ, mặt thì lắp da, vẽ đủ miệng mũi. Mạnh Kình Tùng cũng ngây người: Tối hôm qua đến giờ, anh vẫn tưởng đó là một âm mưu, một cái bẫy, giờ mới biết mình nhầm to. Ảo ảnh tối qua xuất hiện không phải ngẫu nhiên mà là có người đang "thả câu", quỷ núi mới là người đến sau. Thảo nào người ta xông lên cướp ngọc ảo, không có ngọc ảo thì thả một trăm tám mươi con mồi cũng không câu tranh được. Mạnh Thiên Tư khó hiểu: "Nhưng câu ra để làm gì?" Ngọc ảo hiếm có thật nhưng ảo ảnh là thứ hư vô, xem rồi khắc mất. Huống hồ cảnh hôm qua, bất kể là cái xác hay người phụ nữ trước khi chết vẫn cố trườn, ít ra cũng phải từ bảy, tám mươi năm về trước. Lâu Hồng cũng không rõ: "Không biết, chẳng để làm gì, hay nhìn xem cho vui thôi?" Đoạn, bổ sung thêm: "Cái này tôi mới nghe nói suông vậy thôi chứ nghe đâu hên xui lắm, dù thả mồi giống y xì đúc chưa chắc đã thành công, mười lần được một là may lắm rồi... Nhiều hơn thì tôi chịu, Mạnh tiểu thư biết mà, chạy chân chúng tôi sắp tàn đến nơi rồi." Thật vậy. Sự ra đời của đuổi thây có quan hệ mật thiết với cái xa xôi, nghèo khó, hiểm trở, lắm núi thẳm rừng sâu của Tương Tây. Lá rụng về cội, người con chết xa quê bao giờ chẳng muốn được chôn ở chốn cũ. Nhưng thứ nhất núi cao đường xa, phí vận chuyển đắt đỏ, thứ hai dù có thuê xe ngựa cũng không lết nổi đường núi Tương Tây. Thế thời thời thế những vị già tư có thể lùa xác cứ vậy mà sinh, ngày ngủ đêm ra, rung chuông chiêu hồn, giương lá cờ dẫn đường tam giác màu vàng nâu,"đưa" người chết tha hương về nguồn cội. Sau giải phóng, đầu tiên là phong trào xóa bốn cũ* rầm rộ, người làm nghề này đều rửa tay gác kiếm, nhắc còn không dám nữa là đi bái sư, truyền thừa đứt gánh giữa đường. Về sau đất nước đổi mới, cuộc sống tốt đẹp hơn, đường sá xây sửa, phương tiện giao thông đa dạng, hỏa táng trở nên phổ biến hơn, không ai có nhu cầu đuổi thây nữa thì nghề nghiệp tất tiêu vong. Thậm chí, khi Tương Tây phát triển du lịch, để thỏa mãn lòng hiếu kỳ của du khách, đài truyền hình quay phim tài liệu liên quan đến đuổi thây nhưng không tìm người trong nghề mà chỉ phỏng vấn vài người cao tuổi kể lại những chuyện đồn đại khi xưa. *Xóa bốn cũ là khẩu hiệu hành động của trào lưu Cách mạng văn hóa, nghĩa là phải xóa bỏ tất cả "tư duy cũ","văn hóa cũ","thói quen cũ","phong tục cũ". Như Lâu Hồng được coi là "đời chót", chưa đuổi được cái xác nào, chỉ học tập, ghi nhớ, kế thừa những thứ cần thiết từ người đi trước. Nhiệm vụ của Mạnh Kình Tùng là lấy tìm chuông vàng làm mục tiêu hàng đầu nên anh phải hỏi han tỉ mỉ: "Chỉ mình các anh biết chuyện câu tranh ma, người khác có biết không? Mà nhà các anh chỉ truyền cho một mình anh? Liệu có họ hàng khác không?" Lâu Hồng khẳng định: "Chạy chân thì chỉ nhà chúng tôi biết, bởi chạy chân tuy nhiều phe phái nhưng mỗi nhà mỗi khác. Vùng núi Ngọ Lăng từ mười mấy đời trước chỉ có nhà tôi chạy, chạy nhiều khắc gặp nên mới biết. Nói thật chứ đêm hôm dám lần vào núi hoang, trừ quỷ núi, chắc chỉ còn nhà chúng tôi. Mà quỷ núi có bà tổ phù hộ, coi núi như quê nhà. Chúng tôi thì chịu, miếng cơm manh áo mà, phải giữ chặt bát cơm thôi. Không giấu gì anh nhà chúng tôi cũng... có họ hàng nhưng anh biết luật mà." Mạnh Kình Tùng không đáp. Đương nhiên anh biết luật, việc nội bộ của khoa chúc vưu rất khó tiết lộ cho quỷ núi. Giống như quỷ núi vẫn nói mình kiếm ăn từ núi nhưng cụ thể "kiếm ăn" như thế nào thì không bao giờ người ngoài biết. Lâu Hồng chịu kể chuyện câu tranh ma cho họ đã là nể mặt lắm rồi. Giờ anh ta muốn giữ quy củ là hợp tình hợp lý, không có lý do quả thật không nên gặng hỏi người ta. Mạnh Thiên Tư cười cười, tay chống mặt bàn, nghiêng người về phía trước: "Anh nhìn tôi đi." Lâu Hồng ngẩng đầu nhìn cô, đang cảm thấy khó hiểu thì Mạnh Thiên Tư cởi bịt mắt trái.