Tên anh ba kia lại mắng: "Mày nói bậy bạ cái gì đấy, không có khóa... là do nó rơi mất rồi, không có nắp... là do mắt mày nhỏ, không nhìn thấy khe hở giữa nắp và thân!"
Bọn cướp lại cười ầm lên.
Đuôi heo quay đầu lại, quả nhiên con mắt của gã rất nhỏ, chắc ngày thường vẫn hay bị những kẻ khác mang chuyện này ra đùa: "Anh ba, thật đấy, em mà nói bậy thì để mã bưu tử rút ruột em ra."
Lời thề này còn độc hơn cả lời thề bị sét đánh chết nhiều, dù sao sấm sét không phải lúc nào cũng có, còn mã bưu tử thì chạy đầy rừng.
Hắc Tam (gã anh ba) vẫn không tin lắm: "Để tao xem nào."
Kẻ cầm đầu muốn xem, tất nhiên đám cướp phải phối hợp rồi. Mười mấy cây đuối chụm vào nhau, soi sáng cả cái rương nọ. Hắc Tam nhìn cái rương một vòng, rồi gõ vào thân rương để nghe tiếng như người ta thường gõ dưa hấu. Gã còn lật ngược cái rương lại, dựng đứng nó lên để không bỏ sót bất cứ góc nào.
Hành động đó của gã rất có ích với Giang Luyện: Cái rương này có sáu mặt, vốn dĩ nó bị ném lăn lóc ở dưới đất thì sẽ có một mặt bị úp ở dưới đất, anh có quan sát kỹ đến đâu cũng không thể nhìn rõ tất cả được. Bây giờ cái rương được tên kia lật ngược lên, đã tạo điều kiện cho anh nhìn thấy hết mọi mặt.
Cái rường này được điêu khắc rất tinh xảo, bên trên có hoa văn, có con người, có chim thú. Nếu chỉ nhìn lướt qua thì không thể nói hết được mà chỉ có thể cảm thấy những nét vẽ của nó rất mượt mà, sinh động, không biết là tác giả của chiếc rương này là ai.
Hắc Tam lẩm bẩm, trong ánh mắt xuất hiện vẻ hung ác: "Đùa với bố mày à... Bố mày vẫn không tin đấy!"
Gã đột nhiên rút cây rìu bên hông ra, giơ lên cao, rồi bổ mạnh vào cái rương.
Giang Luyện kêu lên, hất khuỷu tay về phía ngực Hắc Tam, định ngăn cản hành động của gã, mà quên mất rằng đây chỉ là ảo ảnh.
Chuyện đáng sợ nhất trên đời chính là người tài giỏi lại chẳng được trọng dụng. Bức tranh cổ ngàn năm được các chuyên gia phục chế lại, rơi vào tay mấy ông lão không biết chữ ở nông thôn thì chỉ đáng để nhóm lửa —— Tên Hắc Tam này không có con mắt thưởng thức. Gã coi cả rương tranh chữ là đống giấy lộn bỏ đi anh còn có thể mặc kệ, chứ cái rương này...
Cú huých đó của anh tất nhiên là không trúng, không chỉ vậy anh còn suýt nữa ngã lăn ra đất vì nó. Mạnh Thiên Tư đang mải quan sát Hắc Tam, thấy Giang Luyện nhảy ra thì vội vàng giơ tay kéo lại, nhưng tiếc là chậm một bước, bắt hụt.
Đúng lúc này một âm thanh hỗn loạn còn khó nghe hơn cả tiếng vo ve, sánh ngang với tiếng cưa sắt vang lên. Còn Hắc Tam thì ném cây rìu trong tay ra, hét ầm lên vì đau.
Giang Luyện vội vàng chạy tới xem.
Không biết cái rương này làm bằng chất liệu gì mà lại cứng như vậy. Nhát rìu đó của Hắc Tam chỉ để lại một vết trầy màu trắng ở trên rương thôi. Trong khi đó tay Hắc Tam thì lại bị thương vì phản lực: rách kẽ ngón tay.
Rìu cũng không bổ được?
Sau khi Giang Luyện ngạc nhiên xong thì lại cảm thấy vui mừng: Anh vẫn luôn lo cái rương này bị ném ở nơi hoang dã, trải qua bao nhiêu năm mưa dầm nắng hạn, cả cái rương và phương thuốc đều bị mục nát rồi —— Bây giờ thì không phải lo lắng gì nữa.
Thấy thủ lĩnh bị thương, bọn cướp cuống cả lên. Có kẻ lấy thuốc trị thương, có kẻ xé vải lăng la trong đám đồ của nhà họ Huống để có vải băng bó vết thương, còn có kẻ đi tới đá văng cái rương ra xa để nịnh Hắc Tam: "Đồng nát sắt vụn."
Giữa đám đông hỗn loạn, Giang Luyện chú ý tới cái người trợ lý tên là Diêm La kia đang quan sát cái rương với một biểu cảm khó hiểu.
Tim Giang Luyện cũng đập thình thịch theo, anh quan sát thật kỹ cái tên Diêm La đó.
Đám cướp này toàn là những kẻ chỉ thích rượu ngon, gái đẹp, một chữ bẻ đôi cũng không biết. Chỉ có mình gã quân sư có tên là Diêm La này là từng trải đời, chắc cũng có được đi học, biết được rằng thứ quý báu trên đời này không chỉ có mỗi vàng bạc châu báu, cũng hiểu được là những thứ kỳ lạ đều có giá trị.
Hắc Tam tức điên lên, con mắt duy nhất của gã trợn đến mức muốn rơi ra khỏi hốc mắt luôn: "Mang lửa ra đây cho tao, đốt chết mẹ nó!"
Diêm La vội vàng nói: "Anh ba!"
Gã chạy tới bên Hắc Tam nịnh nọt: "Em nói này anh ba, chúng ta phải tranh thủ thời gian dọn dẹp chỗ này đi chứ? Dù sao cũng là đồ đi ăn cướp, nhỡ lát nữa có ai đi ngang qua thấy được thì rất bất tiện."
Rồi gã chỉ sang đám rương chất cao như núi kia: "Anh bỏ mặt một đống tiền để đi tức giận vì một cái rương rách... không đáng đâu. Nó có thế nào thì cũng chỉ là một vật chết thôi."
Hắc Tam sững sờ, rồi lại cảm thấy Diêm La nói rất phải: "Vẫn là quân sư suy nghĩ chu đáo, người có học có khác."
Nói xong Hắc Tam lại nhìn cái rương kia: "Không đáng tiền thật à?"
Diêm La trả lời qua quít: "Hoa văn điêu khắc khá đẹp, có thể bán được một hai đồng bạc, nhưng cũng phải xem có ai chịu mua không nữa —— theo em thấy, cái rương này đã bị hàn vào rồi."
Tên đuôi heo kia vẫn còn thắc mắc: "Quân sư, thế bọn họ đi chạy nạn mà mang theo cái rương rỗng để làm gì?"
Diêm La nói: "Thế thì chú không hiểu rồi, đây được gọi là không thành kế, mấy thằng đi buôn thuốc lá hay mang theo mấy cái rương đựng gỗ để giả vờ như mình đi buôn gỗ —— nếu chẳng may gặp cướp chúng nó sẽ ném rương gỗ ra để tạo cơ hội bỏ trốn. Đây chỉ là thứ để ngụy trang thôi."
"Người nhà này mang theo mấy cái rương đựng tranh và rương rỗng cũng là vì vậy. May mà chúng ta tóm gọn được bọn chúng, nếu không bọn chúng sẽ ném cho ta mấy cái rương vớ vẩn này, còn bao nhiêu vàng bạc châu báu thì chúng bê đi hết."
Đuôi heo giật mình.
Hắc Tam lại khen Diêm La tiếp: "May mà có quân sư. Đúng là cái trại nào cũng nên có một vị quân sư biết chữ!"
Diêm La mỉm cười khiêm tốn, nhưng ánh mắt thì vẫn lặng lẽ liếc qua hai cái rương bị ném ở bên. ...
Chuyện mở rương sau đó thuận lợi hơn nhiều, không còn cái nào khiến người ta thất vọng nữa. Hắc Tam sai người xếp lại đồ, bạc bỏ một rương, vàng bỏ một rương, đồ trang sức ngọc ngà bỏ một rương, tơ lụa đẹp cũng bỏ một rương. Có chừng mười chiếc đựng những món đồ quý giá như vậy. Khi những chiếc rương đó được nhấc lên lưng ngực, con ngựa còn phải lao đao vì sức nặng của chúng.
Còn đám rương rỗng không dùng đến và những thi thể đầy đất thì Hắc Tam chẳng thèm quan tâm, nhưng Diêm La lại nói: "Anh ba, chúng ta nên dọn đám này đi, chứ nhìn một đám thi thể và rương hòm rơi vãi đầy ở đây, ai chẳng biết là đã bị cướp."
Hắc Tam cười khẩy: "Tao sợ chúng nó à?"
"Em không sợ chúng nó báo án, dù sao bọn quan chức chỉ biết ăn thôi. Em sợ là sợ chúng nó lan tin ra để mọi người đều biết vùng núi này có cướp, rồi chẳng ai dám đi qua đây nữa —— thế thì sau này chúng ta phải đi thật xa mới tìm được heo mập để làm thịt đấy."
Hắc Tam nghĩ đến cuộc sống tương lai, hít sâu một hơi.
Diêm La lại nói tiếp: "Chi bằng mình dọn nó đi, để em dẫn người ném hết đám này vào hố trời là xong chuyện."...
Giang Luyện tận mắt nhìn thấy những thi thể ấy bị ném lên lưng ngựa, một cái xếp chồng lên một cái. Năm sáu con ngựa khuân hai mươi thi thể run rẩy, chậm chạp đi theo sau đám ngựa chở chiếm lợi phẩm về phía xa.
Anh không cam lòng, cứ mãi đi theo bọn họ, như thể muốn xem tiếp chuỗi hành trình sau đó của cái rương. Nhưng ảo ảnh của Thận Châu có giới hạn nhất định, khi anh đi theo đến chỗ miệng núi, đám người kia, đám ngựa kia đột nhiên biến mất như thể chúng đến từ bụi đất, và nay lại về với đất bụi. Chúng dừng lại ở đây một lát chỉ là để diễn một vở kịch cho anh xem thôi.
Bốn bề lại yên lặng như tờ, Giang Luyện đứng ở miệng núi, vẫn chưa thể thích ứng được với sự thay đổi này. Cảnh tượng cuối cùng trong đầu anh là cô gái mặc áo choàng màu trắng nằm sấp trên lưng ngựa: Hai cánh tay cô ấy lắc lư trái phải theo nhịp chân của con ngựa, cả đầu cô ấy cũng vậy.
Mạnh Thiên Tư đứng sau lưng anh nói một câu: "Chuyến đi này, cũng được xem là đã có thu hoạch."
Đúng vậy, phần linh hồn đi theo đám cướp của anh trở về với cơ thể.
Chuyến đi này của anh có kết quả tốt hơn dự tính, cái rương kia chắc chắn vẫn còn, chẳng qua anh không rõ nó đang ở đâu thôi.
Nhưng anh có thể bắt đầu tìm hiểu từ một người.
Diêm La.
***
Khi về đến Vân Mộng Phong đêm đã rất khuya, nhưng Huống Mỹ Doanh vẫn còn chưa ngủ. Cô ấy đang đi dạo ở ngay cửa khách sạn, thấy Giang Luyện xuống xe, cô ấy vội vàng chạy tới đón: "Giang Luyện..."
Lại có thêm mấy người nữa xuống xe khiến cô ấy phải dừng lại. Bàn tay cô ấy hơn run lên.
Mạnh Thiên Tư cười: "Hai người nói chuyện đi."
Trong lúc nói câu ấy, bước chân của cô nhanh hơn hẳn bình thường. Những người khác thấy vậy thì cũng lẳng lặng đi theo.
Huống Mỹ Doanh cắn môi, đợi người của Sơn quỷ đi hết rồi, cô mới kéo tay Giang Luyện: "Anh... có nhìn thấy không?"
Giang Luyện cười: "Có thấy."
Hai mắt Huống Mỹ Doanh mờ đi, cô có thể cảm nhận được nước mắt của mình đang trào ra khỏi hốc mắt: "Bà cố em trông như thế nào, anh cũng thấy hả?"
(*) Bà cố: tương đương với "cụ" ở bên mình, nhưng vì để cụ thì nghe giống câu chửi nên mình xin phép được để là bà cố nha.
"Anh có thấy, anh còn thấy cả bà ngoại em lúc nhỏ nữa. Khi bà ấy lớn lên trông rất giống bà cố em lúc trẻ."
Huống Mỹ Doanh thở dài, cô buông tay ra, hít mũi một cái rồi lẩm bẩm: "Vậy là tốt rồi."
Bỗng dưng cô nhớ ra một chuyện: "Thế... cái rương thì sao?"
Giang Luyện không trả lời thẳng câu hỏi ấy mà chỉ ngẩng đầu nhìn lên trời: "Em đi nghỉ trước đi, sớm mai chúng ta sẽ... bắt đầu làm việc."...
Sáng sớm hôm sau, Giang Luyện ăn xong bữa sáng một cách qua loa, thì lại nhốt mình ở trong phòng cùng Huống Mỹ Doanh.
Tính về tổng thể thì lượng công việc của hôm nay cũng ngang với hôm qua. Hôm qua là bức tranh cỡ lớn, nên phải quỳ dưới đất. Còn hôm nay thì chỉ cần vẽ những bức tranh có kích cỡ bình thường thôi, nhưng số lượng lại nhiều hơn. Chỉ riêng cái rương đó, anh đã phải vẽ nguyên sáu bức cho đủ cả sáu mặt rồi.
Tâm trạng của Huống Mỹ Doanh cũng khác hẳn ngày thường. Tuy trước kia hai người cũng vẽ những bức tranh về việc của cô, nhưng nó chỉ là những mảnh ghép nho nhỏ. Còn những bức tranh lần này thì rất quan trọng.
Bức đầu tiên Giang Luyện vẽ là cô gái mặc áo choàng màu trắng ôm Huống Vân Ương trong lòng —— đây cũng là bức tranh Huống Đồng Thắng muốn nhìn thấy nhất, nên anh phải ưu tiên vẽ nó.
Huống Mỹ Doanh đứng bên nhìn anh vẽ mà phải nín thở. Thỉnh thoảng mũi cô lại chua lên, cô chưa từng nhìn thấy bà ngoại ngoài đời, chỉ mới được xem qua ảnh thôi. Đúng như lời Giang Luyện nói, bà ngoại hồi trẻ rất giống với bà cố.
Khi bức tranh này thành hình, Huống Mỹ Doanh lặng lẽ móc điện thoại ra chụp cho nó một tấm, rồi gửi về cho điều dưỡng. Sau đó cô rón rén đi ra ngoài gọi điện thoại về nhà, dặn điều dưỡng là khi nào ông cụ tỉnh táo thì đưa cho ông ấy xem. Biết đâu ông ấy xem xong tinh thần lại tốt hơn, có đủ sức để vượt qua kiếp nạn lần này.
Sau đó Giang Luyện vẽ đến cái rương, mặt chính diện, mặt trái, mặt bên, mặt trên đỉnh. Nét nọ nối nét kia, mặt trời lên đến giữa đỉnh đầu, rồi lại ngả dần về tây. Khi anh vẽ xong cả sáu bức thì đã là xế chiều.
Cái rương đó rất đẹp, được điêu khắc rất nhiều muông thú, chim chóc cùng với những bức tranh. Huống Mỹ Doanh nhìn đi nhìn lại mới nhận ra những bức tranh được khắc trên rương giống với thần thoại cổ.
Ví dụ như có một người đàn ông mặc da thú, râu tóc rậm rạp đang giương cung lên trời, trên không trung thì có bảy tám quả cầu lửa, còn có cả một quả đang rơi xuống nữa —— đây hẳn là... Hậu Nghệ bắn mặt trời nhỉ?
Còn có một người đàn ông tóc dài qua vai, tay cầm cái đục, đang đục đẽo hình bát quái âm dương trên bệ đá —— người có chút thường thức là sẽ biết đây là Phục Hy chế tạo bát quái.
Còn có cả Toại Nhân đánh lửa, Thần Nông nếm cây cỏ. Có bức tranh rất lớn, nhưng có bức lại rất nhỏ, có bức nằm ngay giữa, có bức ở bên trái. Ranh giới giữa những bức tranh cũng rất uyển chuyển, người chế tạo rương đã lấy hình chim thú để tạo ra những khoảng cách, bố cục tự nhiên cho các bức tranh...
(*) Toại Nhân là người sáng tạo ra lửa
Huống Mỹ Doanh đang mải ngắm nhìn bức tranh, bỗng nhìn thấy một tờ giấy trắng được nhét vào qua khe cửa đang lắc lư trái phải.
Đây là ám hiệu của cô và Vi Bưu: Lúc Giang Luyện vẽ tranh cần có sự yên tĩnh, nếu Vi Bưu có việc gi quan trọng thì nhét một tờ giấy vào khe cửa là cô sẽ nhìn thấy.
Huống Mỹ Doanh có dự cảm không tốt lắm: Trong lúc này thì có chuyện gì khẩn cấp được? Hay là ông cụ...
Đầu óc cô ong lên, Huống Mỹ Doanh chạy vội ra cửa những vẫn cố gắng không phát ra tiếng động nào.
Cô đoán không sai, tin tức Vi Bưu mang tới là một tin xấu: "Kiền gia không được rồi, bác sĩ nói là suýt nữa thì đi. Sau này đã được cứu về nhưng có lẽ cũng không được bao lâu. Bác sĩ bảo chúng ta nên về ngay, vì có thể ông cụ chỉ còn một hai ngày thôi."
Huống Mỹ Doanh gật đầu lia lịa, dù trong lòng cô rất hoang mang, nhưng lại không thể khóc được. Cuối cùng cô hỏi Vi Bưu: "Sao... sao lại thế? Tình hình của ông cụ lúc trước vẫn ổn mà. Ban nãy em còn gửi hình của bà cố mà Giang Luyện vừa mới vẽ xong về cho ông, cứ tưởng rằng ông nhìn thấy ảnh sẽ vui rồi sống được thêm vài năm nữa..."
Nói đến đây, hốc mắt cô lại đỏ lên.
Vi Bưu ngớ ra một lúc, sau đó mới mắng cô: "Em gửi ảnh bà cố em về à? Em gửi nó về làm gì?"
Gửi ảnh người ông mong nhớ cũng là sai à? Huống Mỹ Doanh ngơ ngác: "Em chỉ định để ông... vui vẻ thôi."
Vi Bưu tức tối: "Ông cụ cố gắng sống đến bây giờ là vì còn tâm nguyện chưa hoàn thành —— Kiền gia đã chuẩn bị di chúc từ mấy năm trước rồi, cho dù không gặp được chúng ta, thì cũng không sợ có gì quên chưa dặn dò. Em nói xem ông cụ còn tâm nguyện gì chưa hoàn thành chứ? Bây giờ tâm nguyện lớn nhất của ông cụ đã được hoàn thành, thì ông cũng không cần cố sống nữa."
Huống Mỹ Doanh biết mình đã làm sai, thì mặt mũi trắng bệch. Sau khi bình tĩnh lại, cô tự an ủi mình: "Giang Luyện nói với em là phải vẽ tám bức, bây giờ cũng sắp xong bức thứ tám rồi. Anh đi đặt vé máy bay và thu dọn đồ đạc đi, chuyến bay gần nhất nhé. Đợi lát nữa Giang Luyện vẽ xong, chúng ta sẽ đi ngay."