Trời tờ mờ sáng, Thần Côn xốc rèm cửa của chiếc lều vải lên, nhìn ra ngọn đồi đầy sương mù bên ngoài.
Có vẻ giống với cái trấn Hữu Vụ (có sương mù) mà ông từng ở.
Thần Côn ngồi khoanh chân ở cửa lều, kiên nhẫn chờ sương mù tan, cũng kiên nhẫn đợi một cảnh tượng hiếm thấy.
Tương Tây là nơi ông thường xuyên đến. Với người làm "nghề này" như ông, chuyện trèo non lội suối, vất vả, khổ cực đều là chuyện vặt vãnh. Nhưng chỉ bằng một đôi chân, thì dù có tới nhiều lần, ông cũng không thể đi được nhiều ngọn núi. Đã nhiều lần ông kiệt sức mà vẫn chưa thể đến được mục đích, nên đành phải dừng chân trong nỗi tiếc nuối.
Nhưng lần này được đi cùng xe với Sơn quỷ, đã làm ông cảm nhận được sức mạnh to lớn của tổ chức.
Đầu tiên là có đoàn xe, đi đâu cũng rất tiện. Xe chạy thẳng một mạch đến chỗ không thể đi nổi nữa, rồi dựng trại ở đó, người thì phụ trách trông xe, người thì liên lạc với bên ngoài.
Sau đó mọi người lại vác dụng cụ, trang bị lên, bắt đầu trèo lên núi, vô cùng chuyên nghiệp: Có bản đồ địa hình, Sơn phổ, GPS định vị, các loại máy thăm dò mà ông không biết tên, còn có cả những chiếc máy bay không người lái. Chỉ vậy thôi đã đủ để Thần Côn phải hâm mộ rồi.
Đi được nửa đường, lại chia làm hai nhóm lớn, để lại một nửa số dụng cụ ở đó, để đề phòng sau này cần dùng. Mọi sự tính toán đều vô cùng chu đáo.
Đoạn đường sau cùng phải trèo lên con dốc dài gần nửa dặm, với độ dốc gần 70 độ. Nếu chỉ có mình ông, thì chắc chắn không thể bò lên được. Nhưng Sơn quỷ người ta thì sao, cả đội hợp tác với nhau. Mấy người đi đầu nhảy nhót, leo trèo giỏi như vượn. Họ trèo lên trên đỉnh, đóng đinh, buộc dây thừng, làm thành một cái thang dây. Thế là mọi nỗi sợ hãi của ông đều bay sạch, cứ thế đường hoàng dẫm thang đi lên.
(*) 1 dặm = 1, 609344 km
Nếu lúc nào cũng có đãi ngộ thế này thì thật là tốt. Vậy thì nghiên cứu của ông, cuộc tìm kiếm của ông sẽ lên một tầng cao mới.
Lúc lên đến nơi đã là nửa đêm, trên núi tối om như mực. Bao nhiêu chiếc đèn pin mắt sói và đèn đội trên đầu cũng chỉ chiếu sáng được khoảng trăm mét. Ông có cảm giác phía trước có một mảng đen rất lớn, còn đen hơn cả bóng đêm. Cũng không biết có phải là ảo giác không, nhưng Thần Côn luôn cảm thấy trong mảng đen đó, có những tiếng gào thét, nghẹn ngào nho nhỏ.
Mạnh Kính Tùng cho người buộc một sợi dây để ngăn cách hai bên. Ông chỉ nghe được một chút là đoạn đường phía trước rất nguy hiểm, mọi người dựng lều trại ở bên trong, không được vượt qua phạm vi của sợi dây. Còn nói là đến hừng đông ngày mai sẽ được chứng kiến.
Mà theo lời thì thầm của hai Thẩm, cảnh tượng đó rất hiếm thấy.
Cho nên cả đêm đó Thần Côn đều không thể ngon giấc, đã vậy lại còn nằm mơ nữa. Trong mơ, ông vẫn đang đi tìm cái rương, chỉ là lần này, ông lần mò tìm kiếm trong một khoảng không gian dinh dính đen sì. Trong không gian đó có cả những tiếng nức nở và gầm gừ.
***
Sơn hộ cũng đã có người thức dậy. Trong làn sương sớm, xuất hiện tiếng đánh răng, tiếng nổi lửa bếp. Có người còn bật cả đèn pin lên để nhìn cho rõ —— Nhưng mở đèn pin trong trời sương mù, ngoài việc tốn pin ra, thì chẳng có tác dụng gì cả, thế là anh ta lại tắt đi.
Thần Côn nuốt nước bọt, tiếp tục chờ, thỉnh thoảng lại liếm môi vì căng thẳng. Sương mù càng nhạt, ông càng căng thẳng, sự mong đợi trong lòng cũng càng tăng lên.
Mặt trời bay vọt lên trên đỉnh núi. Trong hàng ngàn tia nắng sớm, làn sương mù dày đặc bỗng mỏng dần, rồi tan hẳn. Cả quá trình đó chỉ có vài giây, như một chiếc mặt nạ bị tháo ra, để lộ cả gương mặt trong mắt mọi người.
Tiếng ồn ào bốn phía nhỏ dần, chỉ còn lại tiếng nồi niêu xoong chảo gõ vào nhau. Nhưng chẳng bao lâu sau, ngay cả những tiếng động ấy cũng biến mất. Thần Côn đứng bật dậy, chạy theo đám Sơn hộ đang kích động, vượt qua sợi dây cảnh báo thứ nhất, đứng ở bên sợi dây cảnh báo thứ hai.
Sợi dây cảnh báo đầu tiên cách vách đá hơn trăm mét, mà sợi dây thứ hai chỉ cách hơn mười mét. Hai đầu dây còn có hai người đứng canh để ngăn cản những người có ý định đi qua.
Nhưng phía trước cũng không phải không có ai cả. Mạnh Kính Tùng và Liễu Quan Quốc đang đứng ở nơi cách vách đá ba, bốn mét, đang chỉ trỏ về phía bên đó.
Thần Côn vội vàng vẫy tay gọi Mạnh Kính Tùng: "Trợ lý Mạnh! Trợ lý Mạnh! Tôi nữa!"
Mạnh Kính Tùng nghe vậy thì quay đầu lại. Khi anh ta nhìn thấy gương mặt to đùng, đáng ghét ở giữa đám đông, thì nhíu mày, nhưng mặt mũi của bà Bảy thì lúc nào cũng có tác dụng: Đến thì cũng đã đến rồi, cho dù không dẫn Thần Côn đi xem mật núi, thì cũng nên để ông được xem những thứ khác.
Mạnh Kính Tùng cười, khẽ gật đầu với người đứng canh ở cạnh dây, ra hiệu cho anh ta là có thể để Thần Côn đi qua.
Thần Côn mừng rơn, cúi đầu chui qua sợi dây cảnh báo, rồi ba chân bốn cẳng chạy tới chỗ Mạnh Kính Tùng. Vốn dĩ ông còn định hàn huyên dăm ba câu với anh ta, nhưng vừa chạy tới nơi, con mắt đã bị cảnh tượng bên dưới thu hút, không thể dời ra được nữa. Mãi sau đó, ông mới thốt ra được một câu ——
"Quá hùng vĩ!"
***
Tối hôm qua ông còn tưởng đây là một khe núi.
Dãy núi mà, cao thấp chập trùng, đã lên đến đỉnh núi, thì tất nhiên sẽ phải đi xuống dưới. Nhưng không ngờ, nơi đây lại là một cái hố trời.
(*) Hố trời: hay còn được gọi là hố sụt, là hố sinh ra do sự sụt lún đất đá trên bề mặt khi đất bên dưới bị làm rỗng dần dần đến mức không còn đủ liên kết để đỡ các khối đất đá bên trên.
Trên địa lý, tất cả sông núi chập trùng đều được gọi chung là "địa mạo", ngay cả khe núi, thung lũng cũng được gom chung vào đó. Bởi vì lấy mặt đất làm ranh giới, nên ít ra khe núi, sông trên núi còn được ở bên trên, nên thuộc về phần "chính". Còn hố trời thì là "địa mạo phụ", bản chất của nó giống như một cái hố lớn, bị sụp xuống, chìm sâu dưới lòng đất, nên nằm trong phần "phụ".
(*) Địa mạo: là một đặc điểm tự nhiên của lớp vỏ Trái đất. Các địa mạo cùng nhau tạo nên một địa hình nhất định, và sự sắp xếp của chúng trong phong cảnh thì được biết đến là địa hình học. Một số dạng địa mạo điển hình là đồi, núi, cao nguyên, hẻm núi và thung lũng, cũng như các đặc điểm đường bờ biển như vịnh, bán đảo và biển, bao gồm các đặc điểm chìm như sống núi giữa đại dương, núi lửa, và lòng chảo đại dương lớn.
Các hố trời trong nước xuất hiện nhiều ở Tây Nam, nơi có các khu vực phát triển theo địa mạo Karst. Lớp nham thạch dưới mặt đất bị nước hòa tan tạo thành đá cacbonat. Sau quãng thời gian hơn một trăm triệu năm, bên dưới bề mặt đất, dần hình thành hàng trăm ngàn lỗ thủng. Cho đến một ngày nọ, chúng không chịu nổi sức nặng của mặt đất phía trên nữa, thế là "oành" một tiếng, mặt đất sụp xuống.
Theo định nghĩa học thuật, những cái hố có đường kính và độ sâu đều hơn một trăm mét, mới được gọi là hố trời. Còn lại thì chỉ được gọi là "giếng" thôi. Tính đến nay, cái hố trời lớn nhất trên thế giới là hố trời Tiểu Trại (Xiaozhai) ở Phụng Tiết, Trùng Khánh. Đường kính của nó hơn năm trăm mét, độ sâu hơn sáu trăm sáu mươi mét. Chỉ tính sơ qua thì diện tích dưới đáy hố cũng đã hơn mấy trăm mẫu rồi.
Cái hố trời trước mặt này, đường kính miệng hố nhỏ hơn hố Tiểu Trại, nhưng cũng phải có ba bốn trăm mét. Điều kỳ lạ là, miệng hố không lộ ra bên ngoài, nếu có máy bay bay lướt qua, thì người trên máy bay tuyệt đối không thể phát hiện nơi đây có cái hố trời được, mà chỉ tưởng rằng đó là một cái khe núi bình thường thôi —— bởi vì phía trên miệng hố, dường như có một cái nắp màu xanh lá che nó lại.
Thần Côn nuốt nước bọt liên hồi, da gà trên người nổi hết cả lên.
Bởi vì đứng gần, ông có thể nhìn thấy rõ ràng: Cái nắp màu xanh khổng lồ kia, nhìn từ xa thì như một mảng lá xanh nhạt, xanh đậm xen kẽ nhau. Thực chất nó lại là do vô số sợi dây leo không có quả uốn lượn, móc nối vào nhau mà thành. Nhưng dây keo không quả, thì sao có thể mọc mãi như vậy, lại còn mọc dài đến độ có thể che lấp cả miệng hố chứ?
Cái này chắc chắn phải có bàn tay con người, nhưng vấn đề lại tới nữa: Vậy thì phải có bao nhiêu người, mới hoàn thiện được cả một công trình lớn như vậy?
Ông ngồi xổm xuống nhìn, vừa nhìn, chân tóc ông cũng muốn dựng lên nốt.
Vậy mà do con người tạo ra thật: Bên mép hố, cứ cách một đoạn lại có một cái giá đỡ màu xanh đồng, rất có thể nó được làm từ đồng xanh —— Nếu suy đoán này của ông là chính xác, thì có lẽ từ cách đây rất lâu, đã có người đóng một vòng giá đỡ bằng đồng vào vách đá, để treo dây thừng, làm thành một cái giàn như giàn mướp ở quê. Rồi dẫn dắt những sợi dây leo không quả này quấn quanh dây thừng, cho đến khi chúng móc nối vào nhau, tạo thành một cái nắp thiên nhiên.
Để sau này, khi những sợi dây thừng ban đầu bị mục nát hết, chỉ còn lại những chiếc giá đỡ bằng đồng, thì chiếc nắp dây leo cũng vẫn kiên cố như xưa.
***
Không đúng, cũng không đúng. Thần Côn lắc đầu, bác bỏ suy đoán của mình: Cái dây leo này phải dài cỡ nào chứ? Nghe nói loại thực vật dài nhất thế giới là cây mây, chỉ cần có đủ chỗ cho chúng leo, thì chúng có thể dài hơn bốn trăm mét. Nhưng đó là ở rừng mưa nhiệt đới, Tương Tây đâu có điều kiện khí hậu như thế đâu. Cho dù có thì theo tốc độ sinh trưởng của cây mây, muốn dài được một trăm mét, cần một nghìn năm. Trong thời gian đó còn có thiên tai, hạn hán, lũ lụt, làm sao có thể chắc chắn rằng nó sẽ mọc thành "cái nắp" được?
Bên cạnh là tiếng đối đáp của Mạnh Kính Tùng và Liễu Quan Quốc.
Mạnh Kính Tùng: "Máy bay không người lái không bay được à?"
Liễu Quan Quốc: "Không bay được. Từ trường nơi này khá đặc thù, thiết bị điện tử đều bị ảnh hưởng."
Mạnh Kính Tùng: "SRT thì sao?"
SRT là thiết bị cố định dây thừng ở trên vách đá, hay còn được gọi là "kỹ thuật một thừng". Nói dễ hiểu hơn thì nó chính là thứ cố định một sợi dây thừng, để con người có thể trèo lên, trèo xuống thám hiểm hang động và xâm nhập vào trong lòng đất.
Liễu Quan Quốc: "Cũng không có tác dụng, anh biết đấy, có sóc bay."
Mạnh Kính Tùng: "Dù, cánh giả đều không dùng được à?"
Liễu Quan Quốc: "Tầm nhìn bên dưới quá thấp, địa hình lại phức tạp, trong khi các kỹ thuật lại khó. Vả lại, cũng sợ sóc bay nữa."
Thần Côn cảm thấy cái từ "sóc bay" này rất quen, hình như đã nghe ở đâu rồi.
Mạnh Kính Tùng thở dài: "Nhìn xem, đã trôi qua bao nhiêu năm, khoa học kỹ thuật cũng phát triển nhanh thế rồi, mà chúng ta vẫn phải dùng biện pháp cũ của bà cố Đoạn."
Liễu Quan Quốc phụ họa theo: "Đúng vậy."
Có quá nhiều mối nghi ngờ, Thần Côn không kìm nén được: "Trợ lý Mạnh, cái này..."
Ông không biết phải hình dung những sợi dây leo liên kết với nhau này thế nào: "Đều là thành quả của Sơn quỷ à?"
Mạnh Kính Tùng lắc đầu: "Cháu cũng không biết. Trong Sơn quỷ chí chưa nhắc tới bao giờ."
"Thế... Sơn quỷ có đến thăm nom, bảo trì nó không?"
Mạnh Kính Tùng tiếp tục lắc đầu.
Không có ai đến bảo trì cả. Đối với Sơn quỷ, vùng để mật núi là một "vùng cấm", nó cũng giống như những ngọn núi "không được đến thăm". Vả lại đường đi hiểm trở, chỉ riêng việc đến được vách núi này thôi, cũng đã bao nhiêu khó nhọc rồi, ngay cả các Sơn hộ Tương Tây còn chẳng mấy khi tới xem, chứ chẳng nói đến chuyện "bảo trì".
Có lẽ là mấy ngàn năm trước, sau khi tổ tiên bà bà đầu tiên giấu mật núi đi, đã cho người đến tạo nên tấm bình phong tuyệt diệu để che mắt chúng sinh này?
Mạnh Kính Tùng tiến lên phía trước vài bước, gần như là đứng sát vào vách đá. Anh gọi Thần Côn: "Chú qua đây xem này."
Độ cao của nơi này so với mặt biển không có một ngàn cũng phải đến tám trăm. Dù là thời tiết nắng ấm, thì cũng vẫn có gió. Nơi Mạnh Kính Tùng đứng, quá khiến người ta run rẩy, choáng váng. Cho dù là Thần Côn đã từng trải qua không ít trận chiến lớn, thì cũng vẫn hơi hốt.
Ông bước từng bước một qua đó.
Mạnh Kính Tùng chỉ xuống bên dưới: "Chú nhìn thử xem, có thể hơi tối đấy. Thay đổi mấy cái góc độ hẳn là có thể trông thấy đỉnh núi."
Đỉnh núi? Trong động còn có đỉnh núi?
Thần Côn gần như đã quên mất sự sợ hãi. Ông dụi mắt liên tục, để có thể nhìn rõ hơn, thỉnh thoảng lại thay đổi góc độ cơ thể. Cho đến khi nhìn thấy rõ ràng, ông bật thốt lên một câu: "Rừng núi?"
(*) Rừng núi ở đây nghĩa là khu rừng toàn núi. Ảnh minh họa bên dưới
Mạnh Kính Tùng gật đầu, giơ tay lên chỉ vào một chỗ: "Nếu chú đi qua Vũ Lăng Nguyên, hẳn là đã nhìn thấy khu du lịch nổi tiếng nhất nơi ấy, rừng núi sa nham. Nơi này cũng khá giống như vậy, bên dưới vốn là một khe núi thấp lõm, cũng có một mảnh rừng núi nhỏ. Nhưng sau này, khoảng mấy vạn năm trước, mặt đất sụp đổ..."
Bàn tay anh ta cũng rơi xuống theo lời nói: "Cả rừng núi đều sụp theo, rơi xuống dưới."
Sau đó anh ta thổn thức: "Rất đáng tiếc, bởi vì địa hình của mảnh rừng núi này rất đặc biệt, nhìn từ một số góc độ, thì rất giống một cái đầu mỹ nhân."
Thần Côn không nghe rõ những lời phía sau, ông vẫn còn đang đắm chìm trong sự rung động của "rơi xuống": Cái hố trời này chắc chắn phải sâu hơn hố trời Tiểu Trại. Tính từ trên sườn núi xuống dưới, phải hơn một ngàn mét.
Mạnh Kính Tùng lại chỉ vào cái nắp khổng lồ xanh biếc: "Từ trường nơi này có vấn đề, máy bay không người lái không thể sử dụng được. Nếu không cháy có thể chụp một tấm, để chú có khái niệm trực quan hơn: Nghe nói cái nắp dây leo này không phải leo bừa đâu, mà đều được tạo hình hết đấy. Có chỗ dày, có chỗ mỏng, nếu chú đứng ở dưới nhìn lên trên, thì sẽ thấy nó giống một con mắt khổng lồ lơ lửng trên không trung.
Cảnh tượng này quá kỳ dị. Thần Côn cảm thấy cả người đều lạnh run.
Mạnh Kính Tùng vẫn tiếp tục nói thêm: "Phần dây leo tạo thành con ngươi của con mắt này rất thú vị. Nó có vẻ sợ ánh sáng, chứ không như những chỗ khác. Khi anh sáng chiếu vào, chúng nó sẽ cuộn mình lại, làm con mắt mở ra, đưa ánh sáng xuống bên dưới. Chú phải biết rằng bên dưới rất thiếu ánh sáng. Mà đến đêm, chúng sẽ giãn ra, bao lấy cả con ngươi. Có giống với mắt người, ban ngày thì mở, ban đêm thì đóng không? Mà khi con mắt này đóng lại, do nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá cao, nên những hạt sương cùng với nước của dây leo già sẽ kết hợp với nhau, tạo thành một chất lỏng sền sệt, và nhỏ xuống bên dưới. Bọn cháu gọi nó là 'con mắt nhỏ dầu'."
Thần Côn không biết phải đáp lại thế nào. Ông ngập ngừng một hồi, cuối cùng cũng không nói gì cả.
Trong đầu ông xuất hiện cảnh tượng, vào ban ngày, những sợi dây leo cuộn sang bốn phía: Những tia nắng chiếu vào bên trong hố trời giống như một ánh mắt sâu xa.
"Khi ánh nắng chiếu vào, do góc độ, nên chỉ có thể bao trùm lên một ngọn núi. Ngọn núi đó chính là ngọn núi cất mật núi. Cho nên chỉ có mình ngọn núi đó là có hoa nở. Còn cây cối trên những ngọn núi khác thì đều bị héo rũ do thiếu ánh sáng lâu dài. Câu kệ 'Cái đầu mỹ nhân, trăm hoa xấu hổ' của bọn cháu chính là lời miêu tả lại cảnh tượng này."
Mạnh Kính Tùng như đang nói chuyện một mình: "Nơi đây quá vắng vẻ, hầu như không có ai tìm được cả. Cho dù có tìm được, cũng không thể đi xuống. Dây thừng mà người lên núi hái thuốc thường mang theo chỉ dài khoảng mấy chục mét. Mà bên dưới còn có từng bầy sóc bay."
"Khoảng hơn tám mươi năm trước, bà cố Đoạn Văn Hi, một trong số những người đứng đầu Sơn quỷ thuở bấy giờ từng trèo xuống đó. Nghe nói lớp cành lá héo úa bên dưới dày gần hai thước. Mà do ánh sáng mặt trời, độ ẩm, độ sâu, nhiệt độ bên dưới khác hẳn với trên mặt đất, nên nơi đó tự xuất hiện một hệ thống sinh thái mới. Trong nhật ký của bà cố Đoạn có nói, ở dưới đó gặp được con chuột bạch nặng hơn hai mươi cân..."
Cái này thì Thần Côn biết: Các giống loài sống trong hố trời, vì hoàn cảnh khép kín, sự cạnh tranh về nơi sống dù đơn giản những vẫn rất kịch liệt. Các giống loài phải tiến hóa để thích nghi được với hoàn cảnh. Lấy cây trúc mây thường gặp ở phương Nam làm ví dụ đi. Bình thường nó chỉ cao được đến hai mét, nhưng ở trong hố trời, vì để tranh giành chút ánh nắng nhỏ nhoi, nó phải cố gắng mọc thật cao, thông thường có thể cao lên đến bảy tám mét —— bởi vì nếu nó không chịu cao lên, thì nó sẽ chết.
Muốn tồn tại được rất khó, không chỉ riêng con người, mà thực vật cũng vậy.
Mạnh Kính Tùng dừng lại tại đây. Anh ta dịch lại gần chỗ Thần Côn, nói thầm: "Mổ núi lấy mật chính là ở nơi này. Thẩm tiên sinh, đây không phải sân khấu hát kịch để khán giả đến xem. Mỗi một bước chân đều có thể chết được. Chỗ cháu đã chỉ cho chú rồi, nếu chú dám xuống, thì chú cứ xuống, cháu sẽ chỉ thuyết phục vậy thôi, chứ chắc chắn sẽ không ngăn cản."