Hoàng Sơn, Sơn Quế trai.
Không giống với cửa hàng dưỡng sinh trang trí lộng lẫy trong thành phố, nơi đây mới là trụ sở thật sự của Sơn quỷ.
Đây là một khu kiến trúc rất cổ kính, vị trí héo lánh ở sâu trong núi, mới được xây từ giữa nhà Đường. Lúc bắt đầu xây dựng đã suy tính đến mối họa chiến tranh nên nơi đây không hề có những cây cột chạm trổ tinh xảo, vật liệu xây dựng chuyên chọn những tảng đá nặng nề. Mặt đất bên dưới thì được đào rộng rãi để khi thật sự cần bỏ trốn mọi người có thể nhẹ nhàng rời khỏi trai. Vật dụng, châu báu được giấu dưới đất, bên trên thì châm một mồi lửa. Đương nhiên mồi lửa đó chỉ thiêu rụi mỗi song cửa sổ thôi, còn kiến trúc được xây dựng kiên cố nên không có hư hao gì ―— kẻ ra tay trước sẽ có lợi thế mà. Làm vậy là để những gã binh lính hay trộm cướp kia biết nơi này hoang phế rồi, chẳng còn gì mà cướp cả, đi chỗ khác mà chơi.
Sau nạn chiến tranh, dọn dẹp xung quanh một lượt là lại có một căn nhà kiên cố.
Mà Sơn Quế trai rất hiểu đạo lý "Dùng núi giấu nhà, dùng nhà giấu nhà". Người ngoài chưa bao giờ nhìn thấy cửa chính của Sơn Quế trai, mà đến tận ngày nay cũng vậy: Mới vào cửa chỉ như đến một khu thắng cảnh bình thường thôi, xe phải vòng vèo bảy tám lần mới đến được nơi quan trọng thật sự, đồng thời cũng đến gần nơi năm tháng cổ xưa, truyền thừa còn mãi.
Sắp nửa đêm, Tiển Quỳnh Hoa đi trên con đường đá cuội quanh co khúc khuỷu ở Sơn Quế trai. Trong trai tuy đã pha trộn với phong cách hiện đại, nhưng vẫn còn giữ lại cái nét cổ xưa ở mức độ cao nhất. Không nói đến những điều khác, chỉ riêng việc chiếu sáng cho vườn hoa họ đã thích dùng ánh nến. Trong những hòn non bộ cao thấp hỗn loạn này đều có những ánh nến le lói trong chiếc lồng chắn gió trong suốt, thỉnh thoảng còn nghe được tiếng lốp bốp của ánh lửa.
Tiển Quỳnh Hoa thích cảm giác này: thế giới bên ngoài giành giật từng giây nhưng bước vào Sơn Quế trai rồi người ta sẽ có cảm giác năm tháng dài lâu, phong cảnh tuyệt đẹp.
Bà đi đến trước cửa một căn phòng lớn, giơ tay gõ cửa. Liễu tỷ nhi nhanh chóng ra mở cửa, không màng chào hỏi bà mà quay lại báo với người trong phòng: "Cô Bảy đến."
Ngay sát cửa là phòng khách, Cao Kinh Hồng và Cừu Bích Ảnh đang ngồi quanh chiếc bàn.
Cao Kinh Hồng mặc bộ đồ ngủ tơ tằm màu xanh lục có đai lưng, đang dùng chiếc thìa nhỏ có chuôi bằng vỏ sò được mạ vàng khẽ khuấy bát chatang trước mặt. Cừu Bích Ảnh thì mặc phông rộng rãi màu đen, trên bàn có bia rượu, lạc luộc muối và mấy đĩa cánh gà, cổ vịt kho.
(*) Chatang là món ăn nhẹ truyền thống của Thiên Tân. Nó được làm bằng hạt kê nướng và bột kê nếp. Súp được làm bằng cách đổ nước sôi vào hỗn hợp bột và sau đó thêm đường hoặc đường nâu.
Tiển Quỳnh Hoa chào Cừu Bích Ảnh: "Chị Năm còn chưa đi à?"
Cừu Bích Ảnh nói: "Đi chưa từng nhớ về nơi này, về rồi lại chẳng muốn đi."
Rồi lại bảo bà: "Qua đây nếm thử món kho của cửa hàng chị này, hôm nay mới gửi tới đấy."
Tiển Quỳnh Hoa không có hứng thú với món kho. Bà móc điếu thuốc lá ra, nhìn Cao Kinh Hồng: "Chị cả không ngại chứ?"
Cao Kinh Hồng bảo bà: "Em hút ít thôi."
Vừa nói vừa giơ tay phe phẩy trước mũi như thể mùi khói kia đã bay tới rồi, tiếp đó bà còn bảo Liễu tỷ nhi: "Mở điều hòa đất ra cho phòng thoáng khí."
Liễu tỷ nhi lên tiếng trả lời, mang gạt tàn qua cho Tiển Quỳnh Hoa trước sau đó mới cúi người xách một nắp hòm lớn ở dưới mặt đất lên.
Có khí lạnh bay từ dưới lên.
Đây là điều hòa đất rất thịnh hành trong chốn quan lại và người làm ăn ở Huy Châu. Nguyên lý của nó là đào một hầm đất hơn hai mét vuông ở dưới đất, lợi dụng nhiệt độ ổn định của đất để dẫn nước suối tới thông gió chéo và thay đổi độ ấm của căn phòng. Tuy nói hiệu quả không bằng được điều hòa của hiện đại nhưng được cái là không khí tự nhiên.
(*) Thông gió chéo: thông gió chéo là chỉ hiện tượng nhiệt độ không khí không đều, không khí nóng bị bay lên, còn không khí lạnh thì chìm xuống tạo thành hiện tượng không khí thay đổi, để không khí lạnh thay thế không khí nóng.
Trí tuệ của các cụ ngày xưa đúng là không thể coi thường.
Làm xong những việc này Liễu tỷ nhi đi sang một căn phòng khác ngồi xuống chiếc ghế trong góc, bật đèn bàn lên rồi đeo kính lão bắt đầu bày biện khung thêu, kim thêu ―— Kỹ thuật thêu của bà tốt, con gái đưa hàng thêu của bà lên cửa hàng taobao, có rất nhiều người xếp hàng chờ mua.
Bà không thiếu số tiền này nhưng được những người chưa từng gặp mặt nhớ mong cũng khá là vui.
Tiển Quỳnh Hoa dời ánh mắt đang nhìn theo Liễu tỷ nhi đi, hít một hơi thuốc rồi lại nhả khói ra. Bà cúi đầu nhìn làn sương trắng nơi cửa điều hòa đất, nghe tiếng thìa gõ vào bát.
Cao Kinh Hồng hỏi bà: "Tư Bảo nhi ngủ rồi à? Vết thương đó không sao chứ?"
Tiển Quỳnh Hoa đáp: "Từ nhỏ ăn sơn hào hải vị đâu phải ăn cho vui, còn suýt nữa thành người thử thuốc, vết thương này vẫn chịu được."
Cừu Bích Ảnh hỏi bà: "Thằng bé Giang Luyện kia lại cứu Tiểu Thiên nhi à?"
Tiển Quỳnh Hoa gật đầu: "Nếu lần này không có nó thì phải báo tang mọi người thật."
Cừu Bích Ảnh thì thào: "Đây là lần thứ hai rồi."
Tiển Quỳnh Hoa gõ điếu thuốc vào gạt tàn: "Sau này nếu Tư tỷ nhi mà có gì với nó em cũng khó có thể nói gì. Em đã nói rồi có một số việc hoặc là không để nó xảy ra, chứ một khi đã xảy ra các chị có bắt nó dừng lại được không? Phòng bệnh khác chữa bệnh mà."
Cao Kinh Hồng dừng tay, đặt chiếc thìa lên thanh gác: "Cát Đại... vẫn không tìm thấy à?"
Cừu Bích Ảnh khịt mũi: "Chị cả, chị đừng mong chờ vào ông ấy nữa. Một người vô gia cư nay đây mai đó, chạy khắp Trung Quốc, không nơi nương tựa thì tìm ở đâu được? Có thêm hai ba Vạn Phong Hỏa tìm giúp cũng không tìm được."
Cao Kinh Hồng sửa lại: "Không phải chạy khắp Trung Quốc, Cát Đại tiên sinh chỉ ở quanh phía Bắc Trường Giang thôi."
Cừu Bích Ảnh tự rót rượu cho mình: "Phía Bắc Trường Giang... còn nhỏ à? Cát Đại mà còn sống, chị tính xem ông ấy bao nhiêu tuổi rồi? Không tám mươi thì cũng bảy mấy. Nói không chừng đã qua đời rồi, với cả lúc mắt lành lặn ông ấy còn không nhìn ra thì khi mắt mù sẽ nhìn được chắc?"
Cao Kinh Hồng thở dài: "Chị chỉ muốn hỏi xem những lời này rốt cuộc có nghĩa gì thôi. Chuyện năm đó mình có lỗi với Tư tỷ nhi, giờ tính nết nó như vậy chẳng lẽ em không thấy được ư?"
Tiển Quỳnh Hoa cười khổ: "Sao mà không thấy được? Làm chuyện đuối lý phải cúi đầu ―— Tư tỷ nhi nói em mấy câu mà em còn chẳng dám đáp lại."
Cừu Bích Ảnh cũng đồng cảm: "Ai mà không vậy chứ."
Cao Kinh Hồng trầm ngâm một hồi bỗng hỏi: "Các em nói... cái người tên Thần Côn kia có ổn không? Em Bảy, lúc trước em đi tìm hiểu gốc gác của ông ta, em cảm thấy ông ta thế nào?"
Tiển Quỳnh Hoa suy tư: "Nhâm phẩm không có vấn đề, quan hệ bạn bè cũng đều là thật..."
Cao Kinh Hồng cắt lời bà: "Mấu chốt là phải xem năng lực."
"Nếu nói về năng lực thì ông ấy cũng là người từng trải. Cũng dành nửa đời người cho những việc lạ này như Đoạn Nương Nương, tuy rằng không biết xem quẻ đoán mệnh nhưng chắc chắn có nhiều mưu mẹo hơn chúng ta. Tư tỷ nhi cũng nói rồi mà, mật núi của chúng ta tự rơi vào tay ông ấy ―— con người không thể đánh giá bằng vẻ bề ngoài được. Em thấy cũng là người có lai lịch."
Cao Kinh Hồng gật đầu, sau một hồi bà lại hỏi dò: "Hay là để ông ấy điều tra thêm xem sao?"
***
Chuyến bay hôm qua trễ giờ nên khi Giang Luyện đến khách sạn đã là nửa đêm. Sau khi vội vàng chào hỏi Huống Mỹ Doanh và làm thủ tục thuê phòng xong thì đặt lưng ngủ luôn. Đến lúc tỉnh dậy mặt trời đã lên cao.
May mà chưa vượt qua thời gian cung cấp bữa sáng của khách sạn. Giang Luyện rửa mặt đi xuống dưới, lúc đi ngang qua cửa phòng Thần Côn có giơ tay gõ cửa: Nếu có người thì gọi ông đi cùng, không có thì chắc là ông xuống ăn sáng trước rồi.
Gõ hai lần, cửa mở.
Giang Luyện giật mình với bộ dạng của Thần Côn: Mái tóc rối bù, ánh mắt đờ đẫn, cặp kính xiêu vẹo, hai vành mắt đen sì thể hiện ra rằng ông thức trắng đêm.
Giang Luyện vội hỏi: "Có phải đêm qua chú mơ thấy gì không?"
Thần Côn nổi giận: "Tiểu Luyện Luyện, ngoài chuyện hỏi chú có nằm mơ không ra cháu không còn gì để nói à? Chú còn phải làm nghiên cứu nữa chứ."
Giang Luyện nhòm vào trong: Hiện trường nghiên cứu thật là bừa bãi, trong phòng đầy giấy lộn.
Nhưng có một bức tường đã thu hút sự chú ý của anh: Bên trên có bốn tờ giấy A2 dán thành một tờ giấy lớn, mặt trên toàn chữ viết và những đường cong. Chữ viết và đường cong còn được chia ra bằng những màu sắc khác nhau nữa.
Giang Luyện hất hàm về bên đó: "Đó là cái gì thế?"
Thần Côn kiêu ngạo: "Thành quả sau một đêm hăng hái chiến đấu của chú. Tập hợp tất cả những tiến triển lớn nhỏ đang có lại và suy luận ra được mấy điều mới."
Vậy à, vậy thì phải quan sát kỹ mới được. Giang Luyện vừa đến gần đã trông thấy ở giữa tờ giấy có vẽ một ngọn núi lớn.
Còn chưa kịp hỏi, Thần Côn đã cầm cái dụng cụ xỏ giày mà khách sạn cung cấp ra, gõ đầu dụng cụ vào ngọn núi lớn: "Núi Côn Lôn, đây là ngọn nguồn của tất cả, là nơi xảy ra chuyện sớm nhất, cũng chắc chắn là nơi kết thúc của tất cả."
Giang Luyện khoanh tay trước ngực, nheo mắt nhìn ông với vẻ không tin tưởng lắm: "Sao chú lại nói như vậy?"
Thần Côn đáp: "Tiểu Luyện Luyện, chú đã nói cháu phải có ý thức toàn cục rồi mà. Chuyện bắt đầu từ núi Côn Lôn vì nơi đây đã phát sinh mấy chuyện mấu chốt rồi."
"Thứ nhất, đám người tộc thần tụ tập ở nơi này như để chuẩn bị cho việc rời khỏi, một buổi chia ly quy mô lớn. Bọn họ tính toán số lượng rương, những món đồ quan trọng được bỏ vào, nhưng thứ đó bao gồm cả mật núi, xương thú,"Sơn Hải kinh" bản chính và đám con rối đất cảu Nữ Oa. Hiển nhiên bọn họ không mong muốn mấy thứ này bị mang ra ngoài. Họ cất chúng đi hoặc là niêm phong lại vĩnh viễn."
"Thứ hai, phượng hoàng cánh vàng đã chết, con rồng lớn cũng ngã xuống, trước đó con kỳ lân cuối cùng cũng chết rồi."
"Thứ ba, có một chiếc rương bị trộm đi, điều này nói lên rằng tộc thần có kẻ địch. Cháu còn nhớ trong giấc mơ của chú có hai kẻ thập thò nói chuyện trong hang núi không? Bọn họ nói rằng có bốn mươi chiếc rương hoa văn phượng hoàng loan, còn cả chuyện hỏi thăm thợ làm rương..."
Giang Luyện tiếp lời: "Người thợ làm rương họ Huống. Vậy là chú nghi ngờ tổ tiên của Huống Mỹ Doanh từng làm rương?"
Thần Côn gật đầu: "Người bình thường chuyển nhà sẽ đi thuê người làm rương. Đám người tộc thần này bỏ đi chắc chắn cũng cần rất nhiều rương, mà những chiếc rương này còn phải chắc chắn để người bình thường không mở ra được."
"Bọn họ thuê thợ chế tạo rương, những người thợ đó không chỉ riêng một nhà mà đều là người có tay nghề. Nhà họ Huống phụ trách bốn mươi chiếc rương trong số đó. Mà chiếc rương bị trộm đi vừa hay chính là do người nhà họ Huống chế tạo. Chú đoán máu của người nhà họ Huống là một loại mật mã đặc biệt, mật mã để mở rương. Chiếc rương nhà họ Huống làm ra cần phải dùng máu của chính người nhà họ để mở rương, cho nên sau khi trộm được chiếc rương mà không mở ra được, bọn trộm mới phải đến hỏi thăm người thợ làm rương."
Giang Luyện giật mình: "Cho nên cảnh tượng nói chuyện trong hang núi là xảy ra sau khi rương bị mất?"
Thần Côn gật đầu: "Kẻ địch này chắc chắn đã tìm đến người nhà họ Huống, cho họ thứ gì đó để kéo họ vào cuộc và mở được rương. Bởi vì hiện tại chúng ta đều biết bốn món đồ trong rương đều đã mất, trong tay người nhà họ Huống chỉ còn mỗi chiếc rương không ―— đây là chuyện xảy ra ở núi Côn Lôn năm đó."
Giang Luyện thì thào: "Nghe vậy thì tổ tiên nhà họ Huống giống với kẻ phản bội."
Anh nhìn lên tờ giấy. Lấy núi Côn Lôn làm trung tâm, bốn phương tám hướng có bốn con đường lớn.
Thần Côn chỉ dụng cụ xỏ giày vào một con đường: "Đường này là đường Tương Tây. Đường Tương Tây chia làm hai cái, một là nhà họ Huống ở Lâu Để. Người nhà họ Huống quanh năm trú ngụ ở Lâu Để như một gia đình bình thường. Điều không bình thường duy nhất là họ phải bảo vệ một chiếc rương rỗng, một khi làm mất họ sẽ mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, xem như là bị buộc chung một chỗ với rương."
Đáy lòng Giang Luyện dâng lên một nỗi xót xa: Suốt một thời gian dài, người nhà họ Huống đều hoàn thành nhiệm vụ, mãi đến lần chạy nạn năm bảy mươi mấy...
Nói đi cũng phải nói lại, nếu người nhà họ Huống không xảy ra chuyện ngoài ý muốn thì giờ phút này anh đã không đứng ở đây.
Thần Côn nói tiếp: "Hai là rừng treo mật, có liên quan tới giá đỡ bằng đồng thau, mật núi, chuyện ghi chép bằng nút thắt và động thần."
Giang Luyện nhìn kỹ dòng chữ trên tờ giấy, khi Thần Côn nhắc tới những thứ này đều có ghi chú rõ ràng bên cạnh.
Giá đỡ đồng thau ―— người tộc Xi Vưu.
Mật núi ―— Sơn quỷ.
Chuyện ghi chép bằng nút thắt ―— tộc Hoa Dao
Động thần ―— thủy tinh, Bạch Thủy Tiêu.
Con đường Tương Tây đến đây là hết, Thần Côn chỉ sang đường thứ hai: "Đây là đường Quảng Tây."
Đường Quảng Tây thì xảy ra ngay mấy hôm trước, ký ức vẫn còn mới mẻ không cần phải nói nhiều.
Trên tờ giấy đường Quảng Tây cũng có hai nhánh, một nhánh là núi Trấn Long có mảnh vụn xương rồng, một nhánh là núi Phượng Hoàng với lông phượng hoàng.
Mà núi Phượng Hoàng cũng được ghi chú không ít: Uyên cố định nước tương ứng với Thủy quỷ. Quan tài và xương cốt tương ứng với nhà họ Thịnh chín chuông, nắp đồng thau tương ứng với người của tộc Xi Vưu.
Thần Côn nói: "Cháu còn nhớ con rồng ngã xuống ở núi Côn Lôn không? Chú cho rằng bộ xương của con rồng ấy bị hỏa thiêu, không thì đã không có cách nói tro xương rồng và mảnh vụn xương rồng rồi. Mà chỉ có lửa đốt từ lông phượng hoàng mới nhen nhóm được xương rồng. Hiển nhiên xương rồng là củi còn lông phượng hoàng là nhiên liệu."
Giang Luyện nảy ra một suy nghĩ: "Trong Mắt Phượng Hoàng bà cố Đoạn mang đi một cọng, trong hang động dưới nước lại có năm sáu chục cọng nữa. Nhưng lông của một con phượng hoàng chắc chắn không chỉ có ngần đó!"
Thần Côn khen anh: "Không sai, Tiểu Luyện Luyện, chú ở chung với Giải Phóng nhà chú bao nhiêu ngày, cháu đừng xem thường nó là con gà rừng, lông trên người nó chắc chắn phải có một ngàn cọng. Một con phượng hoàng cánh vàng sao lại chỉ có năm mươi, sáu mươi cọng lông được? Lời giải thích duy nhất là năm mươi, sáu mươi cọng này là cố ý để lại. Vậy câu hỏi lại xuất hiện, để thì phải để cả bộ, lông phượng hoàng dùng để đốt xương rồng, nếu để lại một số lông phượng hoàng thì chắc chắn cũng để lại một bộ phận xương rồng."
Đúng vậy, Giang Luyện lại nghĩ tới đoạn trò chuyện trong mơ của Thần Côn.
Một kẻ hỏi: "Xương rồng cơ mà, sao lại một bọc tro thế này?"
Kẻ kia đáp: "Đây là đốt rồi, tôi mang cả đến đây. Những cái khác thì không tìm được, không biết bị bọn nó giấu ở đâu rồi."
Đoạn đối thoại này đã cho thấy: Ở một nơi nào đó trên đời còn cất giấu một phần xương rồng.
Xương rồng, lông phượng hoàng, rương...
Tim Giang Luyện bỗng nhảy dựng lên. Một suy nghĩ nhanh chóng thành hình trong đầu anh: "Những chiếc rương này có phải bị đốt cả rồi không?"
Thần Côn không phản ứng kịp: "Hả?"
Tim Giang Luyện đập rộn ràng: "Không phải có rất nhiều rương sao? Nhưng đến bây giờ chúng ta chỉ tìm một chiếc trong số đó. Thế những chiếc rương khác đi đâu cả rồi?"
"Xương rồng là củi, lông phượng hoàng là nhiên liệu thế đốt xương rồng là để đốt cái gì? Có khi nào bọn họ mang những chiếc rương có chứa những gì mình nghiên cứu được đốt quách đi rồi không? Mà sở dĩ để lại một phần lông phượng hoàng và xương rồng là vì có một chiếc rương bị trộm đi!"
Lông phượng hoàng và xương rồng để lại là chuẩn bị cho chiếc rương bị trộm đi.
Anh nghĩ tiếp theo chiều hướng này: "Chú còn nhớ chúng ta từng nói chuyện không? Có người cố ý để đồ trong chiếc rương chia năm xẻ bảy, thậm chí đến cả chiếc rương không cũng có người bảo quản. Còn bảo những người này không qua lại với nhau, là vì cái gì?"
Thần Côn hít hà.
Lúc ấy không nghĩ ra nhưng giờ thì đã hiểu đại khái.
Là vì nếu mấy thứ này gom lại cùng nhau bỏ vào trong rương, lại thêm xương rồng và lông phượng hoàng nữa thì khi ngọn lửa dấy lên tất cả đều bị thiêu đốt, tan thành mây khói.
Cho nên đồ trong rương bị chia tách khắp nơi. Những thứ không quá quan trọng như xương thú và chuông thì mặc nó lang thang khắp nơi. Thứ quan trọng như mật núi và lông phượng hoàng thì giấu rất kỹ...
Thần Côn bỗng nghĩ tới điều gì: "Thế xương rồng thì sao?"
Giang Luyện trầm ngâm: "Xương rồng có thể là đám người này không lấy được. Bởi vì trong giấc mơ của chú có một đoạn mổ bụng moi ruột trông rất giống cảnh hỏi tội. Có lẽ người đó là gian tế, giúp đỡ kẻ địch trộm lấy chiếc rương, lấy được lông phượng hoàng, nhưng còn chưa kịp nghe ngóng chỗ giấu xương rồng thì mọi chuyện đã bị lộ ―— chẳng thế thì chú nghĩ xem một đám rương lớn, nhìn từ vẻ ngoài thì có bốn mươi chiếc giống hệt nhau. Bọn trộm kia làm sao mà trộm chính xác được chiếc rương mình muốn lấy như vậy chứ? Không có gian tế chỉ dẫn thì chắc chắn không làm được."
Thần Côn ngớ ra một lúc lâu. Sau đó ông mới nhớ ra mình còn chưa nói hết thế là cầm dụng cụ xỏ giày chỉ vào con đường thứ ba: "Con đường này là đường của bảy mảnh xương thú, là nỗi lòng riêng của chú, viết ra những thứ này là vì nó có liên quan đến mấy người bạn của chú. Nhưng nhánh này cũng là nhánh có ít manh mối nhất hiện giờ."
"Chú nghi ngờ lúc trước khi bảy mảnh xương thú được thả ra khỏi rương đã thả luôn bảy luồng oán khí ra và nó không còn trở về nữa. Bảy mảnh xương thú kia cũng bị ném đi. Tung tích của chúng nó thế nào thì chỉ có cái câu mà pháp sư Ba Mai đọc được."
―— Ánh mắt sẽ bị che kín, nhưng tay sẽ giúp ta nhận ra chúng.
Thần Côn gần như rầu rĩ nhìn nhánh đường này. Chuyện này ông vẫn chưa nói với mấy người bạn kia, bởi vì Tào Nghiêm Hoa – đồ tôn của Mai Hoa Cửu Nương có câu danh ngôn thế này: Nguyện trên cõi đời này, những điều lo sợ không tránh được chỉ là sợ bóng sợ gió, niềm vui mừng nhận được không phải là nỗi mừng hụt.
Chuyện còn chưa chắc chắn ông không muốn làm nháo nhào lên để bạn mình mừng hụt.
Ông thở dài, ánh mắt nhìn vào con đường thứ tư: "Đường này là đường Thủy quỷ, cũng chia làm hai nhánh: một là huyệt Kim Thang, hai là hố đất di động."
"Đây là toàn bộ khung sườn của những việc trước mắt. Chuyện này có thể nói là xuất phát từ chỗ thủy quỷ. Bởi vì lời dặn dò của tổ tiên mà họ ngoan ngoãn làm con rối, kết quả một chuyến đi tới hố đất di động hai mươi mấy năm trước lại tạo thành thảm kịch."
Giang Luyện tiếp lời: "Họ bắt đầu nghi ngờ tổ tiên, tìm đến Sơn quỷ. Thiên Tư vì giúp đỡ họ mà đến Tương Tây xem mật núi. Mà cháu lại vừa hay câu ảo ảnh ở nơi đó giúp Mỹ Doanh."
Cảm ơn trời đất, những thứ này như những nhánh sông đổ vào sông lớn làm anh tìm được đúng con đường ở nơi đó. Nếu không sợ là đến tận bây giờ vẫn còn đang khổ sở câu ảo ảnh ở núi Ngọ Lăng, ôm những hình ảnh mờ ảo đó nghĩ cách giải quyết.
Thần Côn thở dài: "Chú còn chưa nói xong đâu. Trong đó còn liên quan đến cả những điều bí ẩn giúp đỡ khác nữa, ví dụ như động thần. Trước khi nó chết còn không tiếc hy sinh Bạch Thủy Tiêu để gửi tin tức ra ngoài. Chắc hẳn là thông báo cho "chúng nó" trong cái hố đất di động kia là chuyện không ổn. Tất cả các hố đất di động hiện giờ đều đã ẩn đi rồi, thủy quỷ tìm thế nào cũng không thấy được nữa."
"Cả việc này còn liên quan đến ba người vô cùng quan trọng."
"Một là Diêm La. Thật ra trong cả cái ván cờ này chưa từng có ông ta. Ông ta là một điều ngoài ý muốn, lỡ xông vào nhánh nhà họ Huống. Diêm La lấy được rương, lấy được manh mối của lông phượng hoàng và mảnh vụn xương rồng. Thậm chí ông ta còn đến cả núi Côn Lôn, ăn được tinh thể kỳ lân. Nhưng những gì ông ta trải qua đã thành thứ dẫn đường cho chúng ta ―— nếu những chuỗi tương tự chùm nho trong hố đất di động là tinh thể kỳ lân, thì Diêm La làm sao mà vào trong hố đất di động được. Thủy quỷ vào đó còn chết bao nhiêu người, huống chi là Diêm La?"
"Diêm La vào núi Côn Lôn, có thể thấy được trong núi Côn Lôn phải có con đường nào đó thông tới hố đất di động."
"Hai là Đoạn tiểu thư. Chắc chắn bà ấy phải có tác dụng đặc biệt nên Diêm La mới có thể tìm mọi cách, dâng cả bí mật lớn trong tay lên để dụ bà đi cùng. Chẳng qua tác dụng của bà ấy là gì chúng ta còn không rõ."
"Người thứ ba chính là chú."
Nói đến đây hai mắt ông mờ mịt: "Chú rốt cuộc là ai? Ở trong tất cả chuỗi sự việc này chú có vai trò là nhân vật gì?"