Quyển 1: Ảo Ảnh Trên Núi - Chương 2

Xương Rồng

Vĩ Ngư 28-09-2023 16:22:32

Ra đầu đuôi câu chuyện là, chiều nay trời trở gió, dự sắp có mưa dông. Hai tiếng trước khi đóng cửa, khu du lịch đã bắc loa thông báo khắp nơi, nhắc đi nhắc lại rằng khách du lịch phải chú ý an toàn, tốt nhất là nên ra về sớm hơn thường lệ. Mọi người đa phần vẫn sợ chết, ào ào đổ ra cổng chính. Vương Khánh Lượng cứ đinh ninh thế là tương đối ổn rồi, ai ngờ lúc chuẩn bị đóng cửa, có hai cô gái trẻ hốt hoảng chạy vào phòng an ninh, mếu máo rằng không thể liên hệ với ba đồng nghiệp của mình. Hỏi ra mới biết, ba cậu kia thích chơi trội, cố tình đi vào đường chưa khai thác dù đã treo biển "Cấm vào". Chắc càng đi càng lạc, sâu trong núi không bắt được sóng, cũng không nghe thấy loa thông báo. Khu vực đã được đưa vào khai thác chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ phạm vi rộng lớn của núi Ngọ Lăng. Đồng thời, có quá nhiều lối rẽ nhưng khu du lịch không đủ năng lực tài chính để quây rào nên buộc phải quét sơn đỏ chót trên đá với nội dung cảnh báo như "Cấm đi lối này" hoặc "Nguy hiểm! Đường cụt!", mong khách du lịch biết quý trọng mạng sống mà tránh xa. Nhưng thực tế, cứ dăm bữa nửa tháng lại được chứng kiến vài cậu chàng "liều mình như chẳng có". Đã vậy còn không thể "sống chết mặc bay", chẳng may xảy ra chuyện gì, báo chí truyền thông vào cuộc, cộng thêm sức mạnh của nút share trên weibo là khu du lịch "xác định" ngay. Vương Khánh Lượng đành hô thêm vài người xách đèn pin lên núi. Lúc đi qua biển "Cấm vào" còn tự nhủ, công việc này rẻ mạt quá đi mất: Lương tháng có chục triệu mà phải bán mạng thế này đây. Nhưng kể ra chuyến này vẫn còn may chán, họ đi vòng vòng chừng hai tiếng cuối cùng cũng tìm thấy ba chú sơn dương lạc đường nọ. Vương Khánh Lượng chống tay vào mép bàn, mặt đỏ phừng phừng không khác quả ớt trên thớt là mấy: "Như người khác trong trường hợp này, kể cả đéo cảm ơn được một câu thì cũng khôn hồn mà ngậm miệng phải không bác." Tiếng vằm ớt cản trở quá trình hóng hớt, Liễu Quán Quốc nhẹ nhàng đổi thành thái chỉ, nghe vậy bèn gật gù: "Chuẩn chuẩn." Vương Khánh Lượng tưởng chừng như sắp phun ra lửa: "Nhưng bác biết lũ oắt con ấy bảo gì không?" Hắn eo éo bắt chước: "Chúng tôi mua vé đàng hoàng, đóng thuế đầy đủ, khu du lịch này được xây dựng từ tiền thuế mà chúng tôi nộp. Trời mưa thì sao, có mưa acid các ông cũng phải đi tìm chúng tôi, đây là nghĩa vụ, là trách nhiệm của các ông!" Nghe sôi máu thật, đúng là người có dăm bảy loại, Liễu Quán Quốc phụ họa đôi câu nhưng vẫn không khỏi thắc mắc: "Sao chú không về nhà? Chạy sang đây làm gì?" Muốn than thở thì về nhà tìm vợ mà than chứ. Câu này chặn họng Vương Khánh Lượng: Tức quá, quên béng mất mình định sang đây làm gì. Nhìn mặt là biết "tắt nắng", già rồi đâm thế đấy, thỉnh thoảng lại lú lẫn. Liễu Quán Quốc không hỏi tiếp, vẫn thái ớt đều tay. Mãi sau Vương Khánh Lượng mới nhớ ra, hắn dán sát lại, hỏi Liễu Quán Quốc: "Bác này, hồi xưa bác kể về cái núi ảo hay còn gọi là lều âm gì gì ấy, có tồn tại thật không?" Hả? Liễu Quán Quốc giật mình, trượt tay, nếu không phản ứng nhanh thì có khi một ngón tay đã nằm trên thớt. Hắn cố ra vẻ bình tĩnh nhưng không khỏi lắp bắp: "Ảo... Ảo gì cơ? Tôi nói lúc nào?" Đùa nhau à! Điều 1 Luật quỷ núi qui định phải giữ bí mật tuyệt đối, không được đề cập đến "chuyện nhà" với bất kì ai. Chưa kể đại lão còn đang ngự trên đỉnh đầu, có phạm tội cũng không nên vào đúng lúc này chứ. "Hôm nhắm rượu với thịt khô ấy", Vương Khánh Lượng nhắc nhở,"Bác say khướt, bá cổ tôi làu bàu cái gì mà bác là quỷ núi, còn kể rằng những hôm mưa to gió lớn, trong núi sẽ xuất hiện núi ảo giống như các ..." Vãi vãi vãi nồi, Liễu Quán Quốc dựng tóc gáy: Các cụ nói quả không sai, rượu vào lời ra, dính tí cồn là nát bét, phải bỏ ngay, bỏ ngay. Vương Khánh Lượng vẫn đang ba hoa chích choè, trình bày như thật: "Lúc núi ảo xuất hiện, nhiệt độ giảm mạnh nên mới gọi là lều âm. Sinh vật không muốn ở trong nên thi nhau chạy ra ngoài... Đấy, có phải thật không?" Liễu Quán Quốc định thần lại, vội vã ngắt lời: "Tao còn nói gì nữa? Trừ cái núi ảo ra? Ngoài núi ảo á? Không nói gì nữa, Vương Khánh Lượng lắc đầu. Hú hồn chim én, Liễu Quán Quốc bình tĩnh lại, bắt đầu "diễn sâu": "Nói thế mà chú cũng tin?" "Em có tin đâu..." "Hôm ấy tao say, bịa ra thôi. Quen nhau sắp sửa hai chục năm rồi, nhìn tao có giống như ma ma quỷ quỷ trên núi không? Có làm quỷ thì ít ra cũng là quỷ huyện chứ, hộ khẩu tao ở thành phố luôn cơ mà." Vương Khánh Lượng kể cũng ngu, bị người ta nắm mũi dẫn đi như con trâu già mà không biết, nghe Liễu Quán Quốc nói thế cũng tin sái cổ: "Em cũng nghĩ thế nhưng hôm ấy bác nói như bật máy hát, lí lẽ đâu ra đấy như thật, suýt nữa em tin." May mà còn có cơ hội sửa sai, Liễu Quán Quốc hỏi tiếp: "Từ lúc ấy đến giờ hơn nửa tháng rồi sao không thấy chú nhắc đến chuyện này?" "Em cũng say khướt, ngủ dậy là quên béng mất." Thế sao tự nhiên hôm nay nhớ lại, tim Liễu Quán Quốc bắt đầu nổi trống. May sao Vương Khanh Lượng thật thà, không giấu diếm gì bao giờ: "Nãy vào sâu trong núi tìm người, đang đi thì nghe có tiếng sột soạt, soi đèn pin vào chỗ ấy thì thấy một đống rắn, ếch với con côn trùng gì đó em không biết tên đang nhảy, bò, trườn thoăn thoắt. Mà kể cũng kì, chúng nó chạy về cùng một hướng mà còn nhanh như bị ma đuổi ấy. Em thấy lạ lắm, rõ là rắn ăn ếch mà, đang yên đang lành sao chạy cùng nhau thân mật thế, chợt nghĩ ra chuyện bác kể hôm ấy, bác còn kêu đó là rắn sâu chạy... chạy... cái gì ấy nhỉ?" Vương Khánh Lượng càng nghĩ càng ngột ngạt, đằng nào trên đường về cũng đi qua Đỉnh Vân Mộng nên tiện đường ghé qua hỏi một câu. Nhưng thôi, đã là chuyện bịa đặt thì không cần nghĩ nhiều, Vương Khánh Lượng ba xàm ba láp mấy câu rồi hậm hực mặc áo mưa ra về. Liễu Quán Quốc tiễn bạn ra ngoài: "Động vật trong núi khôn lắm, TV hay bảo cái gì mà trước khi động đất chúng nó hay chạy theo bầy mà. Chắc mưa to, có chỗ nào sạt lở nên chúng nó mới chạy loạn như vậy..." Nghe rất hợp lí, Vương Khánh Lượng đâm xấu hổ, bao nhiêu năm học tập và làm việc dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lê-nin mà mới động tí đã mình giật đùng đùng lên vậy. *** Đến tận khi Vương Khánh Lượng đã đi xa, Liễu Quán Quốc mới thở phào nhẹ nhõm, chống tay vào khung cửa, nhìn non xa ngút ngàn. Trong màn mưa bạc mịt mùng, tuy cảnh vật nhập nhoà trước mắt nhưng vẫn có thể thấy thấp thoáng bóng núi phía xa như treo ngược nơi chân trời. Nói thật, núi ảo là truyền thuyết ngàn đời, bậc cha ông còn chưa có cơ hội chứng kiến nữa là mình. Liễu Quán Quốc khịt mũi, quay vào nhà, nhưng đi được hai bước, ma xui quỷ khiến thế nào lại quay lại. Cứ cảm thấy có gì đó... không ổn. Hắn nghển cổ bắt đầu đếm đỉnh núi trong màn mưa, từ phải sang, đếm xong, ngẩn ra vài giây, lại đếm từ trái sang. Đếm đi đếm lại, càng đếm càng hãi. Khách sạn mở bao nhiêu năm nay, ngày nào cũng đi qua đi lại cánh cửa này. Dãy núi xa xa kia mỗi ngày nhìn ít nhất hai mươi lần, có bao nhiêu đỉnh chẳng lẽ không biết, thậm chí hắn còn học đòi văn vẻ đặt cho nó một cái tên "18 đỉnh liền". Thế nhưng dãy núi loà nhoà một màu đen kia bây giờ lại có tận... 19 đỉnh. *** Khách sạn Đỉnh Vân Mộng, tầng ba. Phòng của Mạnh Thiên Tư có tầm nhìn ra núi đẹp nhất tầng này, chỉ cần mở toang cánh cửa ban công hướng núi là có ngay một màn ảnh rộng trời ban. Nhưng đêm hôm khuya khoắt, dông tố bão bùng, tối nay cửa sổ đóng chặt, ngay cả rèm cũng kéo kín bưng. Bên trong bài trí phỏng theo "Sơn Quế Trai", mang đậm phong vị cổ điển: Đập vào mắt là chiếc bằng gỗ sưa, giữa giường bày một chiếc kỉ, bên dưới kê kệ gác chân bo tròn, phía sau treo một bức tranh thuỷ mặc quỷ núi cực đại. Một bên là giá cổ sát tường đặt vài quyển sách gáy chỉ và bình lọ trang trí, một bên là bằng gỗ lim tơ vàng, chạm trổ hoa văn rồng quỳ. Trên mặt bàn bày một hòn núi giả cao bằng vài nắm tay người, sống động như thật, lại thêm vài phần huyền ảo mông lung nhờ thác khói bồng bềnh màu trắng ngà của từ đỉnh núi. Mạnh Kính Tùng ngồi trên kiểu nhà Minh, cau mày đọc đống giấy tờ trên tay. Ngày mai, nói Mạnh Thiên Tư mời bạn bè bốn phương phương đến ăn bữa cơm thân mật, chứ thực ra ăn uống là phụ, quan trọng là củng cố quan hệ, để hai bên chung sống thuận hoà. Tương Tây xưa nay người tài không thiếu, đếm sơ sơ riêng các phe phái đã có cổ thuật, bùa thần châu, người đuổi xác, lạc hoa động nữ, dân hổ, ... Nhà quỷ núi đâu dám xưng bá một mình. Vì vậy, bày tiệc chiêu đãi cần đặc biệt chú ý đến vị trí chỗ ngồi. Liễu Quán Quốc tuy đã cố gắng nhưng không am hiểu việc giấy tờ, từ danh sách nộp lên có thể thấy sơ đồ chỗ ngồi sắp xếp loạn tùng phèo. Đọc cái này đã mệt, Mạnh Kình Tùng còn không sao tập trung nổi, bởi trên giường La Hán, Tân Từ đang làm móng cho Mạnh Thiên Tư. Tiếng mưa lộp độp ngoài hiên hoàn toàn đối lập với không gian tĩnh lặng trong phòng nên dù hai người chỉ rì rầm nói chuyện, Mạnh Kình Tùng vẫn có thể nghe rõ từng câu từng chữ. Anh liếc sang bên kia. Mạnh Thiên Tư vừa tắm xong, tóc búi hờ, áo choàng lụa trượt sang một bên, lộ ra sợi dây mảnh trên bờ vãi nõn nà. Mạnh Kình Tùng vội đảo mắt sang chỗ khác. Về vấn đề ăn mặc, Mạnh Thiên Tư khá vô tư trước mặt bọn họ. Mạnh Kình Tùng là người truyền thống, luôn giữ quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân, từng bóng gió không ít lần nhưng Mạnh Thiên Tư cho rằng: "Ở địa bàn của em, em thấy thế nào thoải mái thì mặc thôi, chẳng lẽ gặp các anh còn phải sơ mi đóng thùng? Nếu anh thấy không ổn thì tự điều chỉnh lại quan niệm của bản thân đi, chỉnh vài lần là ổn." Về sau nghe mãi đâm phiền, thậm chí còn mua bịt mắt và gậy dò đường cho anh, bảo: "Một là anh tập làm quen, hai là đeo bịt mắt dò gậy đi vào. Như thế mắt không thấy lòng không phiền, mà em cũng không phải nghe anh lải nhải, hai bên cùng vui." Bị mỉa mai đến thế, Mạnh Kình Tùng cũng không biết nói gì hơn: Dù sao Mạnh Thiên Tư là người ngồi trên ngai vàng của quỷ núi, hai sáu hai bảy tuổi, chưa đủ kiên nhẫn và trưởng thành nên có cá tính mạnh là điều dễ hiểu. Chỉ có người khác tập làm quen với thói quen của cô chứ làm gì có chuyện cô phải thay đổi bản thân vì người khác. Hơn nữa, trước đó ngai vàng đã ba mươi hai năm liền không có người kế vị, mãi sau mới tìm được mầm non hiếm hoi này, mọi người lại chẳng nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa? Năm mười bốn tuổi, cô từng có phen làm mọi người hết hồn vì rủ bạn trai cùng lớp bỏ nhà đi tàu hoả đến Đại Lí ở ẩn. Sau bị chặn lại ở bến xe, khi về nhà, con bé huỳnh huỵch chạy một mạch lên ban công tầng bảy, kêu gào rằng mọi người can thiệp vào quyền tự do yêu đương của con, con muốn nhảy lầu tự sát. Cực chẳng đã, mọi người phải dẫn cậu bạn trai nọ đến hiện trường. Khổ thân thằng bé bị đám người tàn nhẫn răn đe doạ nạt, nước mắt nước mũi như mưa, nghẹn ngào bộc bạch: "Cháu cũng đâu có muốn, cháu từng khuyên bạn ấy, chúng mình còn là học sinh, phải tập trung học hành, làm con ngoan trò giỏi cháu ngoan bác Hồ, phải đỗ trường ĐH tốt để đền đáp công ơn của Tổ quốc... Nhưng bạn ấy cứ ép cháu... Cháu định chờ bạn ấy bình tĩnh lại rồi gọi cho các bác..." Nghe nói lúc ấy Mạnh Thiên Tư tức điên, nhảy vèo xuống đất, vác ghế toan choảng nhau với cậu nhóc kia, may mà mọi người cuống quít nhào lên đè cô lại. Trẻ tuổi đã "bạo dạn" thế, Mạnh Kình Tùng cũng đâm sốt ruột, sợ tương lai lên "ngôi" con bé lại quậy tung nóc nhà. Chẳng ai ngờ, có những cây nhú chồi thẳng tắp từ thuở còn non nhưng càng lớn càng lệch lạc, riêng cô, độ thiếu thời cong cong vẹo vẹo hết hồn, khi lớn lên lại tự vươn vai đứng thẳng. Nghĩ mãi chỉ có thể quy công nhờ bà tổ trên trời linh thiêng phù hộ. ... Tiếng rì rầm vẫn không dứt bên tai. Tân Từ: "Mai đãi khách, em chọn phong cách lạnh lùng là ổn đấy." Mạnh Thiên Tư: "Ở nhà lạnh lùng thì thôi, Tương Tây người đông thế mạnh, không cần mình nuôi không xin mình gạo, lại chẳng nhìn em bằng nửa con mắt." Tân Từ: "Tất nhiên lễ phép là điều kiện cần, mình không kênh kiệu nhưng cũng không nên thân mật thái quá, kiểu thể hiện mình có vẻ bí hiểm, cao thâm một chút. Dù sao địa vị của em rất đặc biệt, nên căn cứ vào đó mà điều chỉnh phong cách make up cho phù hợp." Mạnh Kình Tùng trừng mắt, thấy Tân Từ đang phe phẩy một chiếc quạt tròn màu xanh da trời gắn tua rua yểu điệu. Anh không biết đó là quạt để hong khô móng tay nên nhíu mày, lầm bầm: "Tân đại thái giám." Tân Từ không phải 'dân núi', cậu ký hợp đồng giữ bí mật, làm thợ trang điểm riêng cho Mạnh Thiên Tư. Mạnh Kình Tùng không nói nhưng thực ra cũng không thích cậu, cảm thấy cậu hay nịnh nọt Mạnh Thiên Tư, không khác nào đại thái giám nhắm mắt theo đuôi Hoàng thượng. Chẳng ngờ Tân Từ cũng chẳng ưa gì anh cho cam, còn càu nhàu: "Nhận lương làm việc cho người ta thì lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Vô duyên vô dạng vô dáng vô hình, kĩ năng mềm quá yếu kém." Tất nhiên, ngoài mặt thì vẫn hoà hợp, gió êm sóng lặng. Chợt có tiếng gõ cửa, thoạt đầu còn nhút nhát dè dặt, sau càng ngày càng vội vã. Biết Mạnh Thiên Tư không thích bị quấy rầy lúc đang nghỉ ngơi, Mạnh Kình Tùng lập tức đứng lên, nói: "Để anh ra xem thế nào."