Quyển 3: Lạc Động - Chương 33

Xương Rồng

Vĩ Ngư 28-09-2023 16:35:11

[Trong chương này nhắc lại quá khứ của Huống Đồng Thắng, nên tớ sẽ sử dụng cách xưng hô cố định là "ông" chứ không thay đổi theo thời gian] Kiền gia Huống Đồng Thắng, hoặc có lẽ bây giờ phải gọi ông ấy là Hoàng Đồng Thắng. Ông ấy chưa từng nói thẳng với Giang Luyện rằng mình là Cản Thi Tượng. Nhưng ông ấy từng nói rất chuyện liên quan đến Cản Thi nhưng đều chỉ nói bóng nói gió. Ví dụ như có môn phái rất cung kính với thi thể, gọi thi thể là "Hỉ Thần"; nhưng lại có môn phái ngược lại, gọi thi thể là "Súc sinh", coi người chết như súc vật. Chuyện nhà họ Huống phải ngược dòng về tám mươi năm trước. Trong lịch sử kháng chiến của Trung Quốc, Hồ Nam là một nơi rất thần kỳ: Sau khi Nhật Bản chiếm được ba tỉnh Đông Bắc, đã tiến quân thần tốc với dự định chiếm hết cả Trung Quốc. Năm 1939. Nhật Bản kéo quân vào Hồ Nam, nhưng từ đó đến tận năm 1945. quân Nhật vẫn cứ ra ra vào vào, như thể dẫm phải bùn lầy, không rút chân ra được, mà cũng chẳng đi tiếp vào được. (*) Ba tỉnh Đông Bắc: gồm tỉnh Liêu Ninh, tỉnh Cát Lâm, tỉnh Hắc Long Giang Chiến tranh rất tàn khốc. Vùng Tương Tây có núi cao che chở, nên lúc đó còn không bị ảnh hưởng, chứ các thành phố bên Tương Đông đã bị giày xéo hết cả. Ngay cả tỉnh Trường Sa cũng bị đốt thành một mảnh đất trống. Khi đó, rất nhiều gia đình dìu dắt nhau đến Trùng Khánh để lánh nạn —— Nhưng vì cứ hai ba ngày, quân Nhật lại diễu máy bay oanh tạc trên đường cái, nên con đường núi có danh là ổ cướp của Tương Tây trở thành sự lựa chọn hàng đầu. Nhà họ Huống cũng là một trong số các gia đình chạy nạn đó. Toàn bộ nam nữ, già trẻ nhà họ có gần hai mươi miệng ăn. Người trong nhà mang theo gia sản, đi theo người dẫn đường, xuyên qua núi Tuyết Phong, tiến vào địa phận tỉnh Vũ Lăng. Khi ấy, Hoàng Đồng Thắng có nghe thấy tình hình bên ngoài, nhưng ông không để bụng, vì ông chưa gặp phải quân Nhật bao giờ. Trong suy nghĩ của ông, trận chiến đó chắc cũng chỉ giống như Thái Bình Thiên Quốc của đám giặc tóc dài thôi —— giặc tóc dài tới, người dẫn kéo nhau lên núi trốn, thì quân Nhật tới, mình cũng lên núi trốn. (*) Thái Bình Thiên Quốc là một nhà nước được hình thành từ cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Thanh do Hồng Tú Toàn cầm đầu vào giữa thế kỷ 19. Trong sử nhà Thanh dùng từ "giặc tóc dài" để nói về quân khởi nghĩa của Hồng Tú Toàn. Vì vậy Hoàng Đồng Thắng vẫn vừa đi vừa lắc lư chiếc chuông gọi hồn như những ngày trước, chân bước trên con đường đá xanh, đầu đội cả bầu trời. Ông đưa Hỉ Thần ở vùng núi Ngọ Lăng đã lâu nên cũng quen được một hai người bạn —— ví dụ như lão Mã gia ở trại Bá Kháng. Mã gia là người làm mặt nạ trừ tà. Lúc uống rượu với Hoàng Đồng Thắng, ông ấy rất thích móc mấy chuyện tào lao, lông gà vỏ tỏi trong nhà ra kể. Lần đó, cũng rất trùng hợp, Hoàng Đồng Thắng và người nhà họ Huống ở cùng một khách sạn. Bình thường, Cản Thi Tượng sẽ ở trong khách sạn người chết. Ở Tương Tây có rất nhiều khách sạn như vậy. Chúng thường được mở ở những nơi hoang vắng, bậc cửa cao, cửa ra vào được sơn đen, ban đêm cũng vẫn mở cửa để Cản Thi Tượng có thể ra vào. Trong khách sạn không có người quản lý, ai đến ở thì phải tự phục vụ —— khi nào Cản Thi Tượng đi, chỉ cần bỏ tiền thuê nhà ở trong phòng là được. Nhưng nếu chủ khách sạn không kiêng kỵ, thì Cản Thi Tượng vẫn có thể đến ở trong khách sạn bình thường, vì họ rất hào phóng. Mà Tương Tây lại còn có một cách nói "Hỉ Thần" từng ở trong cửa hàng nào, sẽ mang vận may đến cho cửa hàng đó, nó được gọi là "Hỉ Thần đá cửa hàng". Thế nên mấy khách sạn lớn kiểu gì cũng chừa lại một hai căn phòng vắng vẻ, không có cửa sổ, chuyên dùng để phục vụ những vị khách đặc biệt. Ngày ấy, trước khi trời sáng, Hoàng Đồng Thắng dẫn Hỉ Thần vào khách sạn, rồi nằm ngủ luôn. Khi đang ngủ say bỗng nghe thấy tiếng gõ cửa. Hoàng Đồng Thắng sợ đến mức cả người toàn mồ hôi lạnh, cứ tưởng xảy ra chuyện gì, ai dè đến khi mở cửa thì lại chẳng nhìn thấy ai. Đến khi ông cúi đầu xuống thì mới nhìn thấy một cô bé khoảng hai ba tuổi đội mũ đầu hổ, trắng trẻo, mũm mĩm, đang nằm sấp ở trước cửa, vừa chảy nước miếng, vừa cười khanh khách với ông. Dù trên người cô bé đó dính đầy bụi đất, nhưng vẫn cười rất vui vẻ vì đã chọc ghẹo được ông. Cách ăn mặc này không giống dân bản xứ. Hoàng Đồng Thắng nhìn qua là biết đây là con của một vị khách trọ. Cô bé kia thấy ông mở cửa ra thì phấn khởi bò vào trong phòng. Trong phòng toàn là thi thể đang đứng úp mặt vào tường, nếu để cô nhóc này đụng vào thì hậu quả rất khó lường. Hoàng Đồng Thắng vội vàng đóng cửa lại, ôm cô nhóc đó đi tìm người nhà. May mà mới đi qua hành lang đã gặp được ngay mẹ cô bé này. Đó là một cô gái trẻ, chỉ khoảng hai mươi thôi. Cô ấy mặc một bộ váy sườn xám màu trắng dài tay, dáng vẻ thanh tú, dịu dàng. Hoàng Đồng Thắng biết mình xấu, không muốn làm cô ấy sợ nên vẫn luôn cúi đầu xuống. Khi ánh mắt ông chạm vào bắp chân đeo tất da lộ ra bên dưới sườn xám của cô ấy, thì mặt mũi đỏ bừng, giọng nói cũng chẳng còn lưu loát. Cô gái ấy rất dịu dàng, khách sáo cảm ơn ông. Khi nói chuyện, cô ấy phát âm rất rõ ràng, giọng nói cũng rất hay, khiến ông cảm thấy giọng của mình vừa quê vừa thô bỉ. Lúc chia tay, ông vẫn còn cúi đầu, cũng vẫn là bộ dạng lúng ta lúng túng, chẳng nói nổi một câu nguyên lành đó. Mãi đến khi cô gái ấy đi xa rồi, ông mới dám ngẩng đầu lên nhìn theo: Cô bé con kia đang ôm cổ mẹ, vẫy tay chào ông, mà ánh mắt ông lại chỉ dõi theo bắp chân tinh tế dưới vạt váy và vòng eo mềm mại của mẹ cô bé. Đó đúng là một tiên nữ! Những cô gái trong trại có hát hay đến đâu, thiêu hoa đẹp thế nào, thì cũng chẳng sánh bằng cô ấy được. Huống chi những cô gái trong trại luôn chê ông xấu, còn cô gái này lại rất dịu dàng, còn bảo con gái mình gọi ông là "chú" nữa. Hoàng Đồng Thắng mang theo một trái tim đập loạn quay về phòng, mà ngực vẫn còn nóng hổi. Suốt buổi chiều, ông đều không thể yên giấc, vì cứ mãi nghĩ đến cô gái ấy. Mấy năm trước, ông không dám nghĩ tới chuyện yêu đương, vì sư phụ ông bảo, trên người trai tân có ba ngọn lửa, nên mới có thể Cản Thi được. Mà cơ thể phụ nữ lại rất độc, nó có thể hủy hoại ngọn lửa thuần dương đó. Sư phụ dặn ông phải rời xa phụ nữ, nghĩ cũng không được nghĩ. Nhưng khi tuổi tác thay đổi, có một số thứ cũng càng lúc càng ngứa ngáy. Hai năm gần đây, tần suất nghĩ đến chuyện lên bờ và cưới vợ của ông đã tăng cao. Ông tính sơ số tiền tích cóp được của mình: Đời này, mình có thể lấy được một người vợ như vậy sao? Rồi ông sờ lên mặt mình, có lẽ là không cưới được đâu, vì ông không xứng với họ. Trừ phi, ông nghĩ, trừ phi cô gái đó gặp phải tai nạn, ví dụ như què một chân, mù một con mắt, hoặc là gương mặt bị hủy hoại, thì mới có thể đến lượt ông. Mà ông thì không chê cô ấy, coi cô ấy như trân như bảo, nâng niu trong lòng. Dù ông phải nhịn đói, cũng muốn cho cô ấy ăn thịt, dù ông phải ở truồng, cũng muốn cho cô ấy mặc những bộ đồ xinh đẹp nhất. Đúng vậy, nếu cô ấy gặp nạn thì tốt, chỉ có như vậy, ông mới có thể xứng đôi với cô ấy. Hoàng Đồng Thắng càng nghĩ càng xa xôi, rồi đột nhiên ông tỉnh táo lại, tát cho mình mấy cái: Đồ vô liêm sỉ, sao mày có thể mong người ta gặp nạn chứ? Tên khốn! Ông cứ tự giày vò mình như vậy cho đến tận đêm. Đối với Cản Thi Tượng, đêm mới là lúc bắt đầu công việc. Ông trả tiền trọ, vẫy lá cờ màu vàng hạnh, dẫn mấy Hỉ Thần lên đường. Đi được nửa đường, trên trời bỗng đổ mưa. Hoàng Đồng Thắng quen cửa quen nẻo dẫn Hỉ Thần vào một hang động tránh mưa, còn mình thì dựa vào cửa hang, quơ bó đuốc trong tay, ngán ngẩm đợi mưa tạnh. Khi đang nhìn đông, nhìn tây, ông bỗng nhìn thấy trên gốc sam lớn ở sườn núi phía trước, hình như có treo một người. Hoàng Đồng Thắng giật mình, nhưng không phải là do ông sợ chết, những người làm nghề này, đều rất to gan. Mà là ông nhận ra cái người để bím tóc, đi giày cỏ treo trên cây kia, chính là người ông mới chôn cất tháng trước. Đúng vậy, người đó treo trên cây có một hai tháng rồi. Mỗi lần Hoàng Đồng Thắng đi qua đều trông thấy, nên cũng thành người quen —— người nghèo thương người nghèo, ông động lòng trắc ẩn, nói với người đó, nếu lần này Tẩu Cước được hai mươi đồng bạc thì sẽ mua cho người đó một bộ áo liệm, rồi chôn cất tử tế. Kết quả lần đó, khách hàng của ông rất hào phóng, cho ông tận ba mươi đồng lận. Hoàng Đồng Thắng cảm thấy làm người phải biết giữ lời, thế vào lần Tẩu Cước sau, ông mang theo một bộ áo liệm thay cho người đó và đào hố chôn cất cẩn thận. Mà sao mới một tháng lại có người treo cổ ở đây nữa rồi? Lạ nhỉ, cái nơi hoang vắng thế này, sao lắm người tìm được thế? Hoàng Đồng Thắng thấy lạ, lại do không vội lên đường, nên ông chạy qua đó xem rõ ngọn ngành. Ông bò lên trên sườn núi, mượn ánh lửa đang lay động liên hồi để nhìn rõ mặt mũi người kia. Sau đó lông tơ trên người ông dựng đứng hết cả. Đây không phải... là người ông mới chôn cất sao? Sao lại bị treo lên nữa rồi? Chẳng lẽ là bò ra khỏi mộ? Nhưng bò ra thì cũng phải mặc áo liệm chứ? Cái bộ đồ rách nát này đã bị ông đốt đi rồi mà. Hoàng Đồng Thắng nuốt nước bọt, giơ tay lên định kéo người kia xuống, để quan sát thật kỹ, ai ngờ lại chẳng túm được gì. Ông sững sờ một hồi, bỗng nhớ ra: Ôi trời! Đây chính là đốt đèn vẽ tranh mà sư phụ ông vẫn nói. Lần này ông đã được chứng kiến rồi! Hoàng Đồng Thắng vô cùng hưng phấn, ông lượn một vòng quanh thi thể để nhìn thật kỹ, rồi ca ngợi: Giống y như thật, thật sự rất giống. Nếu không sờ tận nơi thì không ai biết nó là giả cả. Đang ngắm nghía thi thể, Hoàng Đồng Thắng bỗng nghe thấy tiếng người la hét, tiếng ngựa chở hàng chạy loạn cách đó không xa. Ông nhìn về phía sau, ánh lửa càng lúc càng gần, kèm với nó còn có cả tiếng quát tháo và tiếng còi kêu vang trời. Hoàng Đồng Thắng thường đi đường đêm, tất nhiên là biết chuyện gì đang xảy ra: Đây là đám thổ phỉ trên núi vây cướp người qua đường! *** Thật ra Cản Thi Tượng cũng một vài kỹ năng, nhưng nó chỉ dùng được với người chết thôi. Giống như tú tài học rộng tài cao, nhưng gặp phải binh khí thì cũng phải bó tay. Tình hình này nếu chạy thì cũng không kịp, lại còn dễ khiến người ta chú ý tới mình hơn. Hoàng Đồng Thắng nghĩ ra một kế, ông nằm sấp trong bụi cỏ gần đó để trốn. Trong lòng thì hi vọng đám người bị cướp có thể chạy nhanh hơn, nhân tiện dẫn luôn đám cướp đi khỏi đây. Ai ngờ mọi chuyện lại không như ông mong muốn. Tiếng la hét, kêu rên và tiếng dao chém, tiếng xe ngựa đổ, tiếng ngựa hí ầm ầm bên tai ông như một trận chiến. Từng ánh đuốc sáng trưng chiếu xuống gương mặt đầy bùn và mồ hôi của ông. Ông nương theo bụi cỏ, run rẩy ngẩng đầu lên nhìn tình hình. Đám người này vẫn còn cố chống cự, có lẽ là sống chết ngay trước mặt, không liều cũng chẳng được, nên không chỉ cánh đàn ông trong đội đều đứng dậy, cầm gậy đánh nhau với đám cướp, mà cả phụ nữ cũng xông lên giúp đỡ. Nhưng vì lực lượng cách biệt quá lớn, nên cuối cùng họ cũng không chống cự được. Trong lúc hỗn loạn, Hoàng Đồng Thắng chợt thấy một cô gái ôm theo một đứa bé, chạy về phía ông. Ông sợ cô gái đó sẽ dẫn thổ phỉ tới, liên lụy đến mình, nên rất hoảng hốt. Cho đến khi nhìn rõ mặt cô gái ấy, ông lại càng sợ hơn. Lại là cô gái ông gặp trong khách sạn sáng nay. Mà đứa bé trong lòng cô ấy, chính là cô bé con đã gõ cửa phòng ông. Hoàng Đồng Thắng không biết vì sao nhà họ lại lên đường vào ban đêm. Sau này nghe ngóng khắp nơi, ông mới biết họ đã bị người coi là "nhân bánh kẹp": Người dẫn đường bị đám cướp mua chuộc, nên dẫn bọn họ đi lòng vòng cả ngày, đến đêm mới dẫn đến chỗ vắng để làm thịt. Lúc đó, Hoàng Đồng Thắng nhận ra cô ấy, trong lòng rất hi vọng cô ấy có thể trốn thoát được. Nhưng tiếc là đã có một tên cướp nhìn thấy cô ấy đang chạy trốn, nên xách dao đuổi theo. Cô ấy nghe thấy tiếng quát thì rất hoảng sợ, hai chân nhũn cả ra, nên đã bị vấp ngã. Không biết có phải là may mắn không, mà sau khi ngã xuống, cô ấy lại nhìn thấy gương mặt của Hoàng Đồng Thắng ẩn trong bụi cỏ. Hoàng Đồng Thắng luôn muốn biết vẻ mặt của mình lúc ấy là thế nào? Có lẽ là hoảng sợ, từ chối, nên mới khiến cô ấy tuyệt vọng đến vậy —— bởi vì cô ấy chỉ mỉm cười, rồi nói với ông: "Anh đừng sợ." Sau đó cô ấy nhanh tay đẩy con gái về phía ông, rồi quả quyết quay lại, chạy về phía tên cướp kia, dùng hết sức lực để quấn lấy tên cướp, như đã chẳng thiết sống nữa. Trong đầu Hoàng Đồng Thắng ong ong như có trống đánh. Ông ôm lấy cô bé con, trườn dần xuống dưới sườn núi. Trên đỉnh đầu có quá nhiều âm thanh hỗn tạp vào nhau, khiến ông không thể biết cô gái ấy có còn sống nữa không. Nước mưa chảy vào trong cổ ông, ông cúi đầu xuống nhìn cô bé trong lòng mình. Lúc này cô nhóc đang bĩu môi, có vẻ rất muốn khóc, rồi lại không khóc, giống như đã biết rõ tình hình lúc này. Trên cần cổ nhỏ bé, có một chiếc vòng bạc nho nhỏ đang lóe sáng. Hoàng Đồng Thắng kéo chiếc vòng ra xem, thì ra trên chiếc vòng có treo một chiếc khóa trường mệnh, trên khóa có khắc ngày tháng năm sinh và tên của cô bé. Huống Vân Ương. Sau đó, những âm thanh bên trên nhỏ dần, tiếng người im bặt, ngựa thồ hàng bị kéo đi. Đám thổ phỉ thì xúm lại xem xét chiến lợi phẩm của mình, thỉnh thoảng còn gào rú để ăn mừng. Trong khi đó phía bên này chỉ còn lại tiếng xe ngựa bị lửa đốt cháy rụi. Mưa cũng ngớt dần, từng hạt từng hạt dừng lại trên đốm lửa sắp tàn, biến đốm lửa thành những sợi khói lững lờ. Hoàng Đồng Thắng làm một hành động dũng cảm nhất đêm đó: Ông ôm Tiểu Vân Ương, lén lút bò lên trên sườn núi. Ông nhìn thấy thi thể ngổn ngang trên mặt đất, có thể đoán được, chẳng bao lâu nữa, đám thú dữ trong rừng sẽ kéo đến theo mùi máu tươi, và kéo họ vào trong rừng. Ông tìm được cô gái nọ, cô ấy đang nằm sấp trên mặt đất, trên cổ là một vết dao nhìn cũng thấy sợ, chiếc áo trắng trên người bị máu nhuộm thành một màu đỏ thẫm. Cô ấy chết rồi, Hoàng Đồng Thắng run rẩy cả người, còn Tiểu Vân Ương thì khóc òa lên. Hoàng Đồng Thắng sợ đám thổ phỉ kia nghe được, nên vội vàng che miệng Vân Ương lại. Nhưng không ngờ, người nghe thấy tiếng khóc lại là mẹ cô bé. Cô ấy còn chưa chết, đang cố gắng dùng nốt chỗ sức lực cuối cùng để ngẩng mặt lên, bờ môi dính đầy máu và bùn khẽ mấp máy, như muốn nói gì đó. Hoàng Đồng Thắng vội vàng quỳ xuống, ghé tai lại gần. Hình như cô ấy đang nói: "Cái rương, căn phòng." Giọng nói nhỏ bé, vụn vặt, nói lần một bị mất mấy từ, nói lại lần nữa cũng vẫn mất mấy từ, sau lần thứ ba thì không còn nói được nữa. *** Những chuyện sau khi Hoàng Đồng Thắng nhận nuôi Huống Vân Ương, thì cũng na ná như những gì Mạnh Thiên Tư đoán lúc trước: Trong một lần nhận Cản Thi, ông gặp phải quân Nhật ở gần Trường Sa. Lúc ấy ông mới biết đám quỷ Nhật đó hung ác hơn "giặc tóc dài" nhiều. Sau khi trúng đạn, bị thương, ông mượn cơ hội đó để lên bờ, cũng đổi tên thành Huống Đồng Thắng. Ông không quên những lời cô gái kia nói lúc sắp chết, nên vẫn luôn tìm hiểu xem có phải nhà họ Huống có cái rương gì quan trọng không. May mà nhà họ dắt cả nhà đi lánh nạn, người đông, đồ đạc cũng nhiều, nên dọc đường đi cũng có nhiều người chú ý tới —— Nhà họ Huống trước là ở Lâu Để, cố hương của Xi Vưu trong truyền thuyết. (*) Lâu Để: một thành phố thuộc tỉnh Hồ Nam. Xi Vưu: thủ lĩnh bộ lạc Cửu Lê thời Thượng Cổ. Ông họ Khương, tên Xi Vưu, là một vị thủ lĩnh dũng mãnh, thiện chiến. Ông có 81 người anh em (tương ứng với 81 chi nhánh của bộ lạc), mỗi người đều có bản lĩnh phi phàm. Nhưng khi bọn họ chạy nạn, đã bán nhà cho một nhà giàu trong thôn rồi, thì sao có thể chôn một cái rương rất quan trọng ở trong nhà chứ? Lại nói, người cũng đã chết rồi, dù trong cái rương để lại đó có vàng bạc châu báu gì, thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì cả. Huống Đồng Thắng thở dài một hơi, sau đó cũng chẳng bận tâm tới cái rương, cái nhà gì đó nữa, mà chỉ dắt Tiểu Vân Ương rời khỏi Tương Tây, ra ngoài kiếm ăn. Sau một thời gian trằn trọc, cuối cùng dừng chân ở Nam Dương. Được cái ông khá may mắn, ở nơi đất khách quê người, ông bắt đầu từ nghề buôn bán hàng da, sau đó là làm giày, bán lẻ, dần dần đã tích lũy được một gia tài bạc triệu. Cũng được người nơi đó gọi là ông vua bán lẻ. Nhưng cuộc sống của Huống Đồng Thắng cũng không vui vẻ gì. Một phát súng của quân Nhật đã làm hỏng chỗ đó của ông, cả đời ông đều không thể hưởng thụ được sự vui sướng của việc hoan ái, cũng chẳng có con để nối dõi tông đường. Không thể thì không thể, ông chấp nhận, dù sao tình yêu cả đời ông đã dâng hết cho hai người con gái rồi. Một là mẹ của Huống Vân Ương, cô gái đã chết dưới lưỡi dao của bọn cướp mà ông còn chẳng biết tên. Có đôi khi ông còn cảm thấy là do mình hại cô ấy: Chiều hôm đó, ông luôn mong cô ấy "gặp nạn" để mình có thể xứng với cô ấy. Đến tối cô ấy đã xảy ra chuyện luôn, có phải là tại ông không? Cô gái đó chỉ nói với ông có mấy câu. Nhưng riêng câu nói "Anh đừng sợ", cùng với bóng lưng mảnh mai liều mạng chạy về phía tên cướp, cũng đủ để ông nhớ cả một đời. Cũng đủ để kết thúc tình cảm âm thầm của ông. Một người khác chính là Huống Vân Ương. Cô bé con năm đó sau khi lớn lên có gương mặt rất giống mẹ mình. Có đôi khi Huống Đồng Thắng nhìn cô ấy mà cứ ngỡ là cô gái mặc váy trắng, đi tất da năm xưa. Ông nhìn Huống Vân Ương lớn lên, không muốn cô phải chịu khổ, dù ông và Vân Ương không khác gì cha con, nhưng ông biết tình cảm của ông dành cho cô rất phức tạp, rất khó nói rõ ràng. Nhưng vậy thì sao? Ông là kiểu người truyền thống. Đàn ông Tương Tây chỉ cần có những suy nghĩ bẩn thỉu trong đầu, là ông đã cảm thấy tội của mình nên bị đày xuống mười tám tầng địa ngục rồi. Cứ là cha con thì tốt hơn. Ông vui vẻ chấp nhận người yêu của cô, cũng tận tay đưa cô về nhà chồng. Khi đó, ông đã định cư ở Nam Dương hai mươi năm. Phong cảnh Tương Tây, bầu trời đêm lúc đi Cản Thi, đốt đèn vẽ tranh trong đêm gặp cướp, còn cả tiếng còi vang trời đêm đó, đều đã cách quá xa. Tâm nguyện duy nhất của ông chính là mong Huống Vân Ương có thể bình an, vui vẻ cả đời. *** Năm Huống Vân Ương ba mươi hai tuổi, đột nhiên mắc căn bệnh lạ. Làn da của cô nứt nẻ, từ một vết thương nhỏ như móng tay trở thành một đường nứt rất to. Máu ở bên miệng vết thương thì cứ sôi lên, như là lớp dung nham ở bên miệng núi lửa, dù đã được băng lại, thì chúng cũng vẫn nhảy nhót liên hồi. Huống Đồng Thắng mời vô số danh y đến bắt bệnh, nhưng đều bó tay cáo lui. Sau khi cô mắc bệnh một thời gian, anh chồng từng thề hẹn trên lễ đường là dù khỏe mạnh, hay bệnh tật cũng sẽ luôn ở bên cô, bắt đầu lẩn tránh cô. Còn luôn miệng nói anh ta cũng không muốn làm vậy, nhưng trông cô rất đáng sợ, anh ta đã gặp ác mộng mấy lần rồi. Huống Vân Ương không chịu nổi nỗi đau đó, nên đã nhảy lầu tự tử. Trước khi chết, cô có để lại di thư cho Huống Đồng Thắng, mong ông chăm sóc cho cô con gái Phượng Cảnh của mình. Huống Đồng Thắng ôm một trái tim vỡ vụn, nước mắt chảy đầy mặt, nhưng vẫn phải cố sống vì cô cháu gái đời thứ ba nhà họ Huống. Ông cảm thấy chồng Huống Vân Ương không đáng mặt đàn ông, không xứng để cháu gái ông mang họ của anh ta, nên đã đổi tên cho cháu gái thành Huống Phượng Cảnh. Khi ấy, ông còn tưởng rằng bệnh của Huống Vân Ương chỉ là một căn bệnh hiếm mà thôi. *** Lại trải qua một bao nhiêu vòng xuân hạ, khi Huống Phượng Cảnh kết hôn, Huống Đồng Thắng đã gần tám mươi tuổi. Đối với những ký ức bi thảm kia, ông thường xuyên nói đùa rằng, kiếp trước có lẽ ông đã nợ con gái nhà họ Huống quá nhiều tiền, nên kiếp này mới bị phạt phải phục vụ người nhà họ hết đời này đến đời kia. May mà đời ông cũng sắp tàn rồi, ông có muốn phục vụ, Diêm Vương cũng chẳng cho. Ai ngờ lời nói đùa lại thành thật. Năm Huống Phượng Cảnh hai mươi chín tuổi, cũng mắc bệnh y như mẹ mình. Thậm chí còn kinh khủng hơn: Da đầu của cô ấy sẽ tróc xuống theo đám tóc rụng. Những vết nứt nẻ trên da bò lên trên mặt, vượt qua mí mắt, trèo cả lên đầu. Chồng cô ấy cố chịu đựng hai tháng, cuối cùng cũng bỏ cuộc. Huống Đồng Thắng quát ầm lên "Đàn ông mẹ nó chẳng có thằng nào ra gì", mà quên mất rằng, trong đó có cả chính ông. Ông sợ Phượng Cảnh cũng học theo Vân Ương, nên nhịn đau còng tay cô ấy trên giường bệnh. Tiểu Mỹ Doanh năm ấy mới bốn tuổi do đã lâu không được gặp mẹ, nên đã trộm chạy vào trong căn phòng nhỏ bị cấm kia. Và trông thấy một quái vật máu me đầy người, lớp da trên người nứt hết ra, ngay cả xương quai hàm cũng lộ ra ngoài, đang lăn lộn, giãy giụa trên giường. Huống Mỹ Doanh ngất đi tại chỗ. Từ đó về sau lại có thêm một căn bệnh "không chịu được kích thích". Phượng Cảnh không tự sát, nhưng cuối cùng cô ấy cũng chết vì căn bệnh lạ này tra tấn. Có vẻ cô ấy đã nhận ra điều gì, nên câu nói cuối cùng trước khi chết, là xin Huống Đồng Thắng "cứu Mỹ Doanh". . . . Người của công ty tổ chức đám tang mang thi thể Phượng Cảnh đi, điều dưỡng thì bận chăm sóc Huống Mỹ Doanh. Huống Đồng Thắng ngồi dưới đất, dựa lưng vào chiếc giường bệnh loang lổ vết máu, lặng lẽ lau nước mắt. Sau đó ông ngủ thiếp đi. Trong lúc ngủ say, ông quay về cái đêm gặp cướp ấy, nhìn thấy cô gái đã bị chặt đứt nửa cái cổ, mà vẫn ra sức bò về chỗ ông giấu mình. Trong miệng cô ấy cứ mãi thì thào, lặp đi lặp lại một câu nói "Cái rương, căn phòng". Ngày hôm đó, khi đã cách đêm gặp nạn gần nửa thế kỷ, Huống Đồng Thắng mới nghe rõ câu nói kia. Thứ cô ấy nói không phải là căn phòng (phòng tử), mà là phương thuốc (phương tử). Phương thuốc.