"Trong mắt phải phượng hoàng có phượng hoàng biết bay."
Thần Côn nhắc đi nhắc lại câu này mấy lần rồi mới nhớ tới chuyện phàn nàn: "Chuyện quan trọng như thế mà sao sơn hộ bên này không nói gì cả?"
Mạnh Thiên Tư đã đoán trước được ông sẽ hỏi như vậy nên đáp rất bình thản: "Cái này không thể trách sơn hộ được. Bọn họ không cảm thấy câu này quan trọng, vì nó chỉ là ca dao lưu truyền ở núi Phượng Hoàng, chứ không phải do bà cố Đoạn sáng tác. Chú lên Baidu mà xem cả nước có bao nhiêu núi Phượng Hoàng? Không có một trăm cũng phải đến tám mươi, mà người nơi ấy đều thề thốt là trên núi từng có phượng hoàng rơi xuống, bay qua, đỗ lại."
Thần Côn bỗng nghẹn họng: Sau khi Đoạn Văn Hi đến núi Phượng Hoàng thì tiện tay ghi thêm câu ca dao cổ có sẵn ở địa phương ấy trên sơn phổ. Đúng là điều này chẳng phải việc gì lớn trong mắt sơn hộ lúc bấy giờ.
Nhưng nay nhìn lại mới cảm thấy dòng chữ này có hàm ý sâu xa.
Giang Luyện hỏi: "Thế trong phổ kí có ghi chuyện bà cố Đoạn mượn đọc sơn phổ núi Trấn Long không?"
Mạnh Thiên Tư gật đầu: "Có, cũng có câu viết thêm luôn. Bà ghi là 'Gió nổi rồng lên'. Nhưng câu nói này cũng rất bình thường."
Thần Côn lẩm bẩm: "Đúng là rất bình thường, nhưng rồi lại có phần không bình thường."
Trong "Dịch Kinh" nói "Mây theo rồng, gió theo hổ" nghĩa là hổ gầm làm nổi gió, cho nên gió thường đi kèm với hổ, còn long thì là cưỡi mây tạo mưa, thường làm bạn với mưa. Nhưng Đoạn Văn Hi lại viết là "Gió nổi rồng lên" vừa hay trái ngược với "Dịch Kinh" —— đương nhiên trong mắt người bình thường sương, mây, mưa, gió đều chẳng khác gì, nên "Gió nổi rồng lên" cũng không lạ lắm.
Giang Luyện không săm soi từng con chữ như Thần Côn mà tiếp tục đặt câu hỏi: "Núi phượng hoàng kia đã có mắt phải phượng hoàng, thế có mắt trái không?"
Mạnh Thiên Tư lắc đầu: "Tôi cũng cảm thấy phượng hoàng có một đôi mắt, đã có mắt phải rồi thì cũng nên có mắt trái cho cân đối. Nhưng lạ là xem sơn phổ mấy lượt mà vẫn chỉ có mắt phải thôi."
Nói đến đây cô nghiêng đầu nheo mắt nhìn Thần Côn: "Trước khi đến Côn Lôn, chú có muốn dạo quanh núi Phượng Hoàng một vòng không?"
Núi Côn Lôn xa ngàn dặm, so với núi Côn Lôn, núi Phượng Hoàng có thể nói là gần trong gang tấc. Thần Côn rất ngứa ngáy, ông cảm thấy mài dao không lỡ công đốn củi, đến núi Phượng Hoàng một chuyến cũng không phải điều không thể.
(*) Mài dao không lỡ công đốn củi: mài đao tốn thời gian, nhưng không làm lỡ việc đốn củi. Nghĩa là chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ trước có thể làm việc nhanh hơn.
***
Buổi chiều mưa vẫn không có dấu hiệu ngừng lại, tiếng mưa ào ào liên miên làm không khí dịu đi mấy độ. Thời tiết này rất hợp với việc ở nhà "nghiên cứu".
Phòng làm việc trên xe càng ngày càng có nhiều tư liệu sơn phổ và phổ kí được gửi tới. Máy in làm việc liên hồi. Trên bàn không đủ chỗ để, Mạnh Thiên Tư lấy luôn đất làm bàn. Cuối cùng cả ba người ngồi trên chiếu, xung quanh phủ kín giấy tờ, trong không khí toàn mùi mực giấy. Lộ Tam Minh mang điểm tâm sang cho ba người mà còn không có chỗ đặt chân, nên chỉ có thể đặt ở cạnh cửa.
Thỉnh thoảng Mạnh Thiên Tư ngẩng đầu lên nhìn thấy cảnh ấy thì vừa thấy mới mẻ vừa thấy bùi ngùi: Trước kia những việc này cô đều giao cho Mạnh Kính Tùng, khi nào có kết quả chắc chắn anh sẽ báo cho cô, chứ cô chưa bao giờ tự mình làm cả. Nhưng thực ra cái cảm giác tự mình làm lấy này cũng rất tốt.
Cô bò qua đám giấy tờ lộn xộn trên đất, kéo đám hoa quả kia vào: Quảng Tây nằm trên chí tuyến Bắc nên có rất nhiều chủng loại hoa quả so với nơi khác, ví dụ như quất vàng Dung An, kiwi Lạc Nghiệp, được chế biến thành hoa quả sấy thì có một hương vị rất đặc sắc.
Thần Côn đột nhiên kêu lên, ông chìa tờ giấy trong tay ra cho cô xem: "'Núi không thăm' là thế nào? Thời Tống Nguyên núi Phượng Hoàng này là núi không được đến thăm à?"
Hóa ra những phố kí này được sắp xếp theo trình tự thời gian, cũng được in ra theo trình tự đó. Đúng như đã nói từ trước, nó giống như nhật ký ghi chép việc mượn sách trong thư viện, mỗi hàng đều được ghi rõ các mục như sơn phổ bản thứ mấy, năm mượn là bao nhiêu cùng với người mượn là ai. Nhưng tờ giấy trên tay Thần Côn, khoảng thời gian hai ba trăm năm thời Tống Nguyên đều bị bôi đỏ và được ghi mấy từ đơn giản: Núi không thăm, nhà họ Thịnh.
Mạnh Thiên Tư giải thích cho ông: "Sơn quỷ bọn cháu có truyền thống đi thăm núi và tuần núi đó. Nhưng có một vài ngọn núi bọn cháu coi như nó không tồn tại, không thăm núi cũng không tuần núi, bỏ qua nó luôn. Cháu lấy một ví dụ làm cho chú dễ hình dung —— như nhà trọ nhé, chủ nhà cho khách thuê nhà rồi thì không thể chạy đến nhà người ta suốt được, phải tôn trọng sự riêng tư của người ta chứ."
Tim Thần Côn đập thình thịch: "Ý là nhà họ Thịnh này thuê ngọn núi đó, nên bọn cháu bỏ quá nó à?"
Cũng gần như vậy. Mạnh Thiên Tư gật đầu rồi nói thêm: "Chuyện "thuê nhà" chỉ là cách hình dung thôi, bọn cháu không phải chủ nhà, nhà họ Thịnh cũng chưa bao giờ trả tiền thuê."
Giang Luyện ngạc nhiên: "Thế vì sao các cô lại tốt với nhà họ Thịnh thế? Bọn họ ở là các cô tránh không thăm núi luôn."
Mạnh Thiên Tư nhún vai: "Chắc là tình hữu nghị á, từ trước đến nay đều vậy. Cũng như 'Sơn thủy không gặp nhau' ấy. Vì sao bọn tôi không chơi với Thủy quỷ? Vì thói quen thôi."
Lại là tình hữu nghị, Giang Luyện lại hỏi: "Mối quan hệ của các cô tốt lắm hả?"
Mạnh Thiên Tư lại cho anh một cách hình dung khác: "Giống như... họ hàng nghèo ít gặp ấy. Bỗng dưng họ đến xin gạo, xin tiền, mà mình giàu có thì cũng phải cho bọn họ một ít chứ."
Giang Luyện nhận lấy tờ giấy trong tay Thần Côn: "Thời Tống Nguyên không thăm núi, thế bây giờ có thể thăm rồi à?"
Câu trả lời của Mạnh Thiên Tư khiến anh không biết nên khóc hay nên cười: "Nhà họ Thịnh này như mọc đinh dưới mông ấy, chuyển nhà liên tục, chẳng ở lâu một chỗ bao giờ, cứ ở được mấy đời là lại chuyển. Có đôi khi họ chuyển từ núi này sang núi kia, có đôi khi thì chẳng biết chuyển đi đâu, chắc là vào thành phố, rồi một ngày lại về núi ở —— lần gần đây nhất bọn họ ở Bát Vạn Đại Sơn, mà một thời gian trước lại chuyển đi rồi. Để tôi xem nào..."
Cô cầm điện thoại lên bấm vào app nhà mình, một lát sau thì gật đầu như rất hài lòng, còn giơ màn hình điện thoại sang cho Giang Luyện xem: "Người của chúng tôi làm việc rất cẩn thận, anh xem đi, hồi đầu năm Bát Vạn Đại Sơn còn là núi không thăm, mà nay đã khôi phục thành trạng thái 'Bình thường' rồi."
Cô đang định cho Thần Côn xem, nhưng ngẩng đầu lên thì mới phát hiện Thần Côn vẫn đang duy trì cái tư thế ban đầu, còn liên tục nuốt nước miếng. Bộ dạng đó không phải kích động mà là lo âu.
Mạnh Thiên Tư ngạc nhiên: "Chú sao thế?"
Thần Côn hỏi: "Nhà họ Thịnh này... có phải là nhà họ Thịnh giữ chuông không?"
Mạnh Thiên Tư gật đầu: "Chú biết họ à?"
Đâu chỉ là biết. Tim Thần Côn đập thình thịch.
Giang Luyện cảm thấy cái tên này rất quen, dừng một lát anh mới nhớ ra lúc ăn sáng, Thần Côn có nhắc tới tên này, hình như cũng là một gia tộc huyền bí —— thật ra nghe tên cũng thấy huyền bí rồi.
Giữ chuông đó.
Anh nhắc nhở hai người này: "Ở đây còn có người không biết nhà họ Thịnh giữ chuông là gì. Hai người có thể... đồng bộ tin tức giúp không?"
***
Chuyện đồng bộ tin tức này có hơi khó, ngàn lời vạn chữ Mạnh Thiên Tư chẳng biết nói từ đâu. May mà ngay từ đầu Giang Luyện đã không mong đợi ở cô: Chuyện này vẫn nên để Thần Côn nói thì ổn hơn.
Câu nói đầu tiên của Thần Côn chính là: "Lão Thạch sống chung với chú ở trấn Hữu Vụ tên là Thạch Gia Tín, có quan hệ với nhà họ Thịnh giữ chuông. Hai nhà Thịnh – Thạch luôn cộng sinh với nhau, quấn quít như dây thừng, luôn luôn sống cạnh nhau."
Sự hiểu biết về nhà họ Thịnh giữ chuông của Thần Côn đều từ hai người: Một là người đàn ông nhà họ Thịnh ngã xuống dốc núi gần chết mà ông gặp được khi đi lạc xuống sườn núi trong dịp du lịch Tây Bộ. Hai là Thạch Gia Tín ở cùng ông.
Trên thực tế khi nhận Thạch Gia Tín làm bạn cùng phòng, ông mới biết được người bạn thân Quý Đường Đường của mình là người có tư cách giữ chuông của nhà họ Thịnh. Tiếc là Quý Đường Đường gả cho một người mà ông không dám trêu vào, đó là Nhạc Phong từng cắt ngang mũi Diêm Lão Thất —— Ngay khi ông nhảy nhót bày tỏ mình muốn phỏng vấn Quý Đường Đường một cách "chân thành", Nhạc Phong đã túm cổ áo ném ông ra cửa. Anh còn sa sầm mặt nói với ông, trong nhà anh không chào đón việc thảo luận những câu chuyện cũ không tốt đẹp gì này.
Thần Côn giận mà không dám nói gì. Để bày tỏ sự kháng nghị, suốt nửa năm trời ông không đến nhà họ, nhưng Nhạc Phong lại chẳng thèm để ý: Vốn dĩ Thần Côn đều hơn nửa năm đến thăm một lần, mà anh còn thấy phiền, không tới càng tốt.
May mà Thạch Gia Tín đã bù đắp nỗi tiếc nuối đó của ông: Mẹ Quý Đường Đường yêu người bên ngoài và bỏ trốn, vì vậy từ nhỏ cô đã lưu lạc ở bên ngoài. Nhưng Thạch Gia Tín thì luôn ở trong tộc. Nhìn là biết ngay giá của ai cao hơn rồi. . . .
Trong truyền thuyết, người sống và người chết cách biệt âm dương không thể "nói chuyện" với nhau được. Nếu muốn "nói chuyện" thì cần có người môi giới, mà chuông âm là âm thanh duy nhất có thể xuyên qua cả hai giới âm dương.
Nhà họ Thịnh giữ chuông có chín hệ khác nhau, mỗi một hệ đều có một loại chuông đặc biệt, tổng cộng là chín loại. Mỗi một loại chuông đều ứng với một cách chết riêng, ví dụ như chết ở xứ người, hoặc là đầu thân hai nơi —— mà trong chín loại chuông có Lộ Linh đứng đầu. Lời than của người chết có thể va vào một trong chín loại chuông này làm chuông reo vang. Tiếng chuông chính là ngôn ngữ chuông.
Ngôn ngữ chuông này người bình thường không thể hiểu được, chỉ có những người phụ nữ có năng lực giữ chuông mới nghe hiểu. Nói cách khác, chỉ có họ mới cảm nhận được nguyện vọng chưa hoàn thành của người chết. Thế là sinh ra một loại nghề huyền bí, xa xưa —— họ thường xuyên được mời đi hoàn thành nguyện vọng của người chết, nghe sự oán thán của họ và xoa dịu nó.
Nhưng lạ là loại truyền thừa năng lực này không có quy tắc, nhất định phải là con gái cả của người giữ chuông mới có được.
Chuyện xảy ra cách đây đã lâu mà khi Thần Côn nhắc lại vẫn không khỏi tặc lưỡi: "Nhất định phải là thai đầu, nếu thai đầu là con trai, thai thứ hai mới là con gái thì năng lực ấy thất truyền, nói cách khác là không có đời sau."
"Cháu có nhớ hồi sáng chú nói những gia tộc huyền bí này không bị ràng buộc bởi chuyện kết hôn cận huyết và không có đời sau không? Lúc đó chú định mang nhà họ Thịnh ra làm ví dụ đấy."
"Bọn họ không sợ chuyện đó đâu, thậm chí còn thành một thói quen mỗi khi có nhánh không có đời sau, họ sẽ kiếm bừa một cô gái, dù là bắt ở bên đường cũng được. Sau đó dùng máu của chín người giữ thay máu cho cô gái ấy, việc này được gọi là "hóa bướm", đại khái ý là muốn giúp cô gái đó phá kén thành bướm."
Phá kén thành bướm có thể dùng như vậy à? Giang Luyện lạnh cả sống lưng.
"Chín loại máu cho dù chỉ truyền một loại mà nhóm máu không hợp còn có thể làm chết người. Huống chi là chín loại máu xen lẫn vào nhau thay thế hết cho máu của cô gái ấy? Nhưng còn chưa hết đâu, cô gái hóa bướm rồi kết hôn với đàn ông nhà họ Thạch sẽ sinh ra được bé gái có năng lực giữ chuông."
"Còn nữa hai nhà Thịnh – Thạch sống cộng sinh với nhau vì con gái nhà họ Thịnh luôn gả cho con trai nhà họ Thạch —— cách làm này rất giống với ba họ Thủy quỷ. Nhưng ít ra ba họ Thủy quỷ còn đông người, chứ hai nhà Thịnh Thạch cùng lắm cũng chỉ bằng một cái trại thôi, cứ cưới đi gả lại như vậy thì sau này toàn là họ hàng gần."
"Nhưng mỗi khi chú tranh luận với lão Thạch là việc này không khoa học, đều nhận được câu trả lời là khoa học cái gì, vốn dĩ mọi chuyện đã chẳng thể giải thích được rồi."
Nói đến đây, ông dừng lại không biết phải nói gì nữa, nên quay sang nhìn Mạnh Thiên Tư: "Cháu Mạnh, cháu có bổ sung thêm gì không?"
Thật ra những gì Mạnh Thiên Tư biết về nhà họ Thịnh còn chẳng nhiều bằng Thần Côn. Hoặc phải nói là cô chưa từng có hứng thú nghe chuyện của họ, cũng không muốn biết cặn kẽ, nên chỉ biết sơ sơ thôi. Nghe được Thần Côn hỏi, cô chỉ gật đầu: "Những gì cháu biết cũng tương tự như vậy. Nhà họ Thịnh được xưng là có thể cảm nhận được nỗi oán thán của người chết và nói chuyện với họ —— lúc trước khi bà cố Đoạn mất tích ở Côn Lôn, Đại Nương Nương cháu rất lo lắng mang đủ mọi cách ra để tìm bà, còn tìm cả người nhà họ Thịnh nữa."
Chuyện của Đoạn Văn Hi đã từng... gọi cả người nhà họ Thịnh?
Thần Côn kinh ngạc: "Sau đó thì sao? Làm thế nào? Nhà họ Thịnh nói thế nào?"
Mấy ngày nay vì việc của bà cố Đoạn mà Mạnh Thiên Tư thường xuyên liên lạc với Cao Kinh Hồng. Cô cũng biết được thêm khá nhiều chuyện trước kia, thấy Thần Côn hào hứng như vậy thì cô nghĩ rằng lần này ông phải thất vọng rồi: "Không tốt lắm, tiếng sấm lớn hạt mưa nhỏ, phô trương lắm rồi chẳng có kết quả gì. Đại Nương Nương còn mắng bọn họ là dân bịp bợm.". . .
Ấn tượng của Mạnh Thiên Tư về người nhà họ Thịnh là "họ hàng nghèo ít qua lại", thỉnh thoảng đến thăm thì đều đòi núi, đòi đất. Nhưng mà Sơn quỷ cũng không để bụng, chỉ là núi thôi mà, thích ở thì ở, không thăm thì thôi.
Nhận sự giúp đỡ của người khác khó tránh khỏi yếu thế. Bởi vậy khi Sơn quỷ đến nhờ vả, nhà họ Thịnh rất chú trọng, huống chi Sơn quỷ còn giàu có nữa.
Mạnh Thiên Tư có vẻ khinh thường: "Trong chín loại chuông, Lộ Linh đứng đầu. Để tỏ vẻ trịnh trọng, họ cho hẳn người giữ Lộ Linh đi. Đó là hai mẹ con, mẹ tên Thịnh... Cẩm Như thì phải, con tên Thịnh Thanh Bình. Khi ấy cô con gái còn nhỏ mới mười mấy tuổi thôi, nhưng nghe bảo trò giỏi hơn thầy, nhận được năng lực giữ chuông, nên Đại Nương Nương đồng ý."
"Đại Nương Nương làm theo yêu cầu của họ, mang đồ bên người của bà cố Đoạn và tóc rụng tìm được trong nhà ra. Tóm lại là cái gì tìm được đều mang qua cả."
"Kết quả là Lộ Linh của họ chẳng thèm rung luôn. Hai mẹ con đó còn nói gì mà có hai khả năng, một là người còn sống, hai là có thể đã mất nhưng vì không có nỗi oán hận nên chuông không cảm ứng được. Nói vậy chẳng phải là nói điều thừa à."
Cô lẩm bẩm: "Cháu cũng thấy giống bọn bịp bợm."
Thần Côn xấu hổ, ông cảm thấy cần phải nói đỡ cho người nhà họ Thịnh mấy câu, dù sao ông có mấy người bạn liên quan đến nhà họ Thịnh mà: "Cháu Mạnh, cháu không thể nhìn vấn đề theo phướng phiến diện như vậy được. Cháu phải biết là nhà họ Thịnh gọi việc chuông reo là "oán khí va vào chuông". Oán khí, oán khí, nguyện vọng chưa thành va vào chuông thì sẽ sinh ra chuông ngữ, đó là lời than của người chết, âm thanh... không cam lòng. Đoạn tiểu thư không có oán khí va vào chuông nghĩa là bà ấy... đi rất thanh thản..."
Ông cảm thấy mình không bịa nổi nữa: Chết trong tay Diêm La mà còn "đi thanh thản" được à?
Đúng lúc này Giang Luyện vẫn luôn im lặng bỗng hỏi: "Chuông ngữ... là lời than của người chết?"
Thần Côn đáp: "Đúng vậy."
"Lời than không cam lòng?"
"Tất nhiên rồi." Thần Côn cảm thấy Giang Luyện hơi ngớ ngẩn, nói thế rồi còn cứ hỏi lại: "Nhà họ Thịnh gọi cái này là 'Oán khí va vào chuông', cháu nghĩ xem nếu cam lòng thì lấy đâu ra oán khí?"
Giang Luyện biết Thần Côn chưa nghĩ ra, mà không chỉ mình Thần Côn, Mạnh Thiên Tư cũng chẳng suy ra được. Hai người này hiểu quá rõ về nhà họ Thịnh, thành ra không thể nhìn thấu bằng một người ngoài như anh. Thế là anh nói thêm nữa: "Hai người có còn nhớ trong những lời pháp sư Ba Mai của trại Hoa Dao đọc được trên bức tranh nút thắt có một câu thế này: Có thể giúp ta nghe được, âm thanh không cam lòng... của người bồi hồi ở lỗi vào' không?"
Thần Côn bất ngờ: "Hả?"
Ông há hốc miệng, mãi sau mới lắp bắp: "Cái này... cái này sao là một được?"
"Không giống à?" Giang Luyện lại càng nghĩ càng thấy giống: "Bồi hồi ở lối vào, lối vào nào? Từ trần gian đến âm phủ có một cái lối vào hả?"
"Bởi vì không cam lòng, vẫn còn nguyện vọng chưa hoàn thành nên còn bồi hồi ở cửa, hy vọng lời than vãn, niềm oan uổng của mình được người ta nghe thấy và xoa dịu."
"Còn nữa, bà cố Đoạn đi tìm xương rồng, nói là đốt xương rồng có thể thấy được kiếp sau. Khi chúng ta hỏi Diêm La, ông ta nói ông ta cũng không rõ, chỉ biết là có cái lối vào —— Nếu chú kết hợp hai câu này lại, đốt xương rồng nhìn thấy cửa vào của kiếp sau."
"Nhưng là kiếp sau gì? Nếu thật sự có kiếp sau, thì trạng thái sau khi chết của con người chẳng phải chính là mở đầu của kiếp sau sao? Lòng thanh thản đi vào kiếp sau, người không cam lòng bồi hồi ở cửa."