Mạnh Kình Tùng sững sờ hồi lâu: "Nhưng anh chưa quan sát kĩ chuông vàng của em bao giờ, nhất là hoa văn các thứ, sao làm giả được."
Xưa nay chuông vàng phục thú chỉ để thờ để cất, thỉnh thoảng được vời ra anh cũng chỉ liếc qua gọi là.
Mạnh Thiên Tư mất kiên nhẫn: "Em cũng thế, mấy ai nhớ được hoa văn hoạ tiết trên trang sức của mình? Anh cứ làm phỏng theo na ná vậy là được."
Tân Từ định xung phong ôm việc. Bảo quản trang sức vốn là nhiệm vụ của cậu, vừa hay cậu lại rất tò mò về chuông vàng nọ nên thường lấy ra ngắm nghía. Hoa văn hoạ tiết cậu nhớ rõ hơn chính chủ Mạnh Thiên Tư là cái chắc, ít ra còn vẽ sơ sơ được mấy đường...
Nhưng nhìn thái độ dửng dưng của Mạnh Thiên Tư, thôi được rồi, tội gì phải cầm đèn chạy trước ô tô.
***
Mở cửa ra ngoài mà Mạnh Kình Tùng và Tân Từ gần như thở phào cùng lúc, ai nấy răm rắp tựa vào tường.
Mạnh Kình Tùng nhũn cả chân thật. Tối nay cứ lên lên xuống xuống, lúc nóng khi lạnh như ngồi tàu lượn siêu tốc, dù bây giờ đã tạm ngừng nhưng nghĩ lại mà hãi hùng dồn dập không thôi.
Còn Tân Từ thì hóng hớt góp vui xong đầu vẫn đầu chấm hỏi tôi là ai, đây là đâu. Có chuyện cậu cũng thấp thỏm lắm chứ bộ, đâu khác gì mọi người.
Nhìn đăm đăm vào khoảng không mấy giây, cậu mới bảo Mạnh Kình Tùng: "Thiên Tư nhà mình liều thật, tính một tay che trời, dối trên gạt dưới hay gì... À đâu, chỉ dối trên thôi, đã vậy còn kéo mình gạt cùng."
Mạnh Kình Tùng lại tỉnh táo hơn: "Thực ra Thiên Tư làm vậy cũng có lí do của em ấy, việc này làm ầm lên không có lợi."
Cô mới đến Tương Tây, người chưa thấy đâu mà uy danh đã lừng lẫy bốn bề. Đám dân núi dưới kia không biết đang háo hức mong đợi được gặp cô đến thế nào. Tự nhiên đùng cái ra nông nỗi này, mắt thì bị thương, chuông vàng thì mất, có khác gì làm quan mà mất con dấu đâu? Phải cậu, cậu cũng thấy sượng mặt, vả lại, người trộm chuông có thể sẽ đem bán rồi rao giá trên trời, hoặc giả đem nó ra để uy hiếp quỷ núi thì sao? Thế lại chẳng bị động quá, thà âm thầm điều tra có phải hơn không...
Tân Từ tiếp lời: "Em hiểu rồi, nếu ngấm ngầm giải quyết được thì tốt quá. Nhưng tìm kiểu gì bây giờ?"
Mạnh Kình Tùng day day ấn đường, bôn ba cả đêm thực sự mệt mỏi: "Đành dựa vào cái xác giả kia thôi, mong mai gặp người khoa chúc vưu sẽ có thêm manh mối."
Lại là khoa chúc vưu.
Tân Từ ủ ê: "Tất cả khách khứa được mời ngày mai đều là người của Khoa Chúc Vưu ạ?"
Gần như thế, Mạnh Kình Tùng gật đầu: "Hầu hết."
Tân Từ nhíu mày: "Họ Khoa này có địa vị khủng thế cơ á, là trùm của vùng này ạ? Ông ấy thì sao, không đến hả anh? Chẳng nể mặt nhà mình gì hết?"
Mạnh Kình Tùng vừa bực mình vừa buồn cười, đang làm mặt lạnh mà không nhịn nổi cười đau cả bụng. Anh không còn hơi để giải thích mà cũng lười giải thích nên đứng lên về phòng, để lại vài chữ: "Chịu khó tra từ điển núi đi."
Đù! Khoa Chúc Vưu có cả tên trong từ điển núi cơ á? Cậu còn tưởng chỉ là một ông chú trung niên mỡ màng họ Khoa, cầm đầu một phương hay gì đó đại loại thế.
Tân Từ vội vã mở APP.
Thật không ngờ,"Chúc vưu" (có nơi ghi "Chúc do"), còn được gọi là "Thiên y", xuất hiện lần đầu tiên trong sách thuốc "Tố Vấn", là một phương pháp chữa bệnh thời cổ đại, không cần thuốc thang, phẫu thuật, chỉ cần mời người lành nghề dùng phù chú, thuật pháp là có thể khỏi bệnh. Ví dụ, có người bị ngã từ trên cao xuống gãy tay chân, sắp chết đến nơi, thầy lang khoa chúc vưu bắt một con chó hoặc mèo, làm chú pháp. Ngay sau đó, người nọ có thể đứng lên đi lại bình thường còn chó mèo gãy hết tứ chi, tắt thở, nói cách khác là chết thay cho người.
Vương An Thạch thời Tống hình dung nó "dời đi", dời trong "dịch chuyển di dời", bệnh tật sao biến mất được? Chỉ có thể làm phép cho đuổi nó, dịch chuyển nó từ nơi này sang nơi khác mà thôi.
Đến đời nhà Nguyên, nhà Minh, thậm chí nó còn được chính thức xếp vào hàng mười ba khoa của viện Thái Y. Nói cách khác, khoa chúc vưu cũng là một khoa chữa bệnh của Trung y như bao khoa mắt, miệng, châm cứu, ... khác.
Về sau, đến đời Long Khánh nhà Minh, cụ thể là năm 1571. không rõ nguyên nhân vì sao nhưng hai khoa "Chúc vưu" và "Xoa bóp" bị loại bỏ, từ đó chỉ còn mười một khoa.
Tân Từ thổn thức: Đúng là cái gì cũng cần sự ủng hộ của nhà nước và cái tiếng cái danh đường hoàng. Sau khi bị loại bỏ, hẳn hai khoa chúc vưu và xoa bóp phải chật vật lắm. Nhắc đến xoa bóp, người ta chỉ nghĩ đến những quán mát xa đèn mờ tí hin ven đường. Còn chúc vưu, phù chú thuật pháp là mê tín dị đoan chứ còn gì.
Cậu cuộn xuống đọc tiếp.
Tuy chuyên phù, chú nhưng đã được xếp vào mười ba khoa của viện Thái Y thì tất phải dùng để trị bệnh cứu người. Tương truyền, thuật pháp ảo diệu vô cùng, thậm chí có thể khởi tử hoàn sinh. Xưa nay bao nghề nổi tiếng vùng Tương Tây được đồn đại thần bí đến độ cổ quái, kì dị như phù thần châu, cổ thuật hay đuổi thây ban đầu đều được xếp vào khoa Chúc vưu cả.
***
Trước khi giải phóng, sâu trong núi Tương Tây rải rác rất nhiều thôn bản của dân tộc thiểu số, đặc biệt là bản người Miêu và người Thổ Gia. Đa số những thôn bản này thường ở những nơi xa xôi, xây trên những hẻm núi cheo leo, hiểm trở. Vả lại, văn hoá khác biệt, người dân trong bản rất ít khi vãng lai, tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đóng cửa quây lại thành một quần thể tách biệt, riêng rẽ.
Sau khi thành lập Nhà nước, quốc gia tăng cường đầu tư xây dựng các thôn bản chủ chốt như đưa điện nước về bản, mở rộng hệ thống đường quốc lộ. Con người thường đến nơi cao,"cao" ở đây là nơi đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn, chính vì vậy, hầu hết người miền núi đã rời khỏi những nơi hoang vu, tập trung ở bản làng lớn hơn, thậm chí là lên thành phố.
Thế nên, trong núi sâu, các thôn bản dần dần thưa thớt, rất nhiều nơi bị bỏ hoang. Họa hoằn lắm có người thì cũng là người già chân tay lập cập, lười di chuyển, chính vì vậy nơi đây luôn vắng lặng, quạnh quẽ bất kể ngày đêm.
Bản Bát Kháng là một trong số đó.
Nói đúng ra, nó không thuộc huyện Ngọ Lăng mà nằm sát rìa núi Ngọ Lăng, vốn là một khu rừng trong thung lũng, sau bị dân bản phá rừng làm nương, xây nhà. Vì địa thế ven núi ven rừng, sợ bị thú dữ tấn công, nhà cửa chủ yếu là . Khung nhà dựng ba tầng bằng gỗ samu, gầm sàn đa phần là khoảng trống để nuôi gia súc gia cầm, hai tầng trên là nơi chủ nhà sinh hoạt, mái nhà lát lớp lớp ngói xanh.
Người miền núi thích sửa cũ, ghét thay mới, nhà có vấn đề thì đóng chỗ này lấp chỗ kia vá chằng vá đụp. Vậy nên ngôi nhà mới nhất trong bản ít ra cũng phải hơn bốn, năm mươi năm tuổi đời.
Đường quốc lộ gần nhất cách đây hơn mười cây số, những nơi không trải đường nhựa chỉ có thể cuốc bộ hoặc cưỡi la, dần dà bản ngày càng lụi tàn, hoang vắng. Đêm đến chỉ leo lét ánh đèn của bốn năm nhà, thửa ruộng trước cửa cỏ dại cao đến thắt lưng người cũng chẳng ai ỏ ê. ...
Khoảng hơn một giờ sáng, ngôi nhà sàn khang trang nhất bản vẫn sáng đèn.
Gọi là khang trang không phải vì nó mới mẻ hay bề thế gì, nó cũng xuống cấp như bao ngôi nhà cần tu sửa khác trong bản. Dùng từ "khang trang" chẳng qua vì cột nhà này cao nhất, trên mái còn lắp một tấm pin năng lượng mặt trời gia dụng sáng loáng và một chiếc chảo riêng để bắt tín hiệu vệ tinh cho TV.
Giang Luyện đang tắm ở tầng hai, vừa xoa đầu bồng bềnh bọt trắng thì tiếng nước ào ào bỗng ngừng bặt.
Giang Luyện bực dọc, đập thùm thụp vào bình nước nóng ngay trên đầu.
Tí ta tí tách chảy nhưng mớ bọt trên đầu anh vừa xẹp xuống chưa được bao lâu thì nước lại mất tiêu.
Mặt toàn xà phòng và nước, không mở mắt nổi, Giang Luyện cau mày, rờ rẫm đập tiếp. Không biết có phải do mạnh tay quá hay không mà cạch một cái, hình như tuột ốc vít, bình nước nóng chực rơi.
Giang Luyện giật bắn, cuống quít lùi lại, lau mắt, ngẩng lên nhìn: Hú hồn, may mà bình thước nóng chỉ long một bên ốc, lủng lẳng treo một góc ba mươi độ.
Giang Luyện cạn lời, chửi thầm: "Tổ sư."
Anh vớ khăn lau tóc, lau lau một lát vẫn ngửi thấy mùi dầu gội quá nồng, không sao qua quít được đành ra ngoài nhặt hai chai nước khoáng dốc lên đầu chóng vánh "tắm" quàng cho xong.
Mặc đồ ngủ ra ngoài, nghe thấy tiếng dao chặt phăm phăm dưới nhà, biết Lão Ca chưa ngủ nên anh đi thẳng ra ban công, vịn hàng lan can lung lay, nhìn xuống. Khoảng sân trống bên dưới đang bập bùng bếp lửa, bên trên bắc một nồi sắt, Lão Ca ngồi xổm, cặm cụi thái thịt khô trên thớt.
Thực ra người bản xứ thích đặt bếp trong nhà, ấm áp, cản gió tránh mưa, mùa đông còn có thể sấy thịt. Trong phòng Lão Ca cũng có bếp đấy chứ nhưng chỉ cần trời đẹp là lão lại bắc lò bên ngoài, chắc phải yêu thiên nhiên lắm.
Giang Luyện gọi lão: "Lão Ca!"
Lão Ca ngẩng lên.
Ấy là một ông cụ hơn sáu mươi tuổi, tóc tai vẫn đen nhánh những mảng ngắn ngủn khô cứng nhưng mặt thì chi chít nếp nhăn. Lão mặc áo dài nhuộm xanh như cán bộ nông thôn những năm bảy mươi tám mươi hay mặc, tay áo xắn đến tận khuỷu, khuy cài tăm tắp đến tận cổ mà không thấy vướng.
Giang Luyện trỏ vào bên trong: "Bình nước nóng bị tuột một bên vít rồi bác ơi."
Lão Ca ồ một tiếng: "Để mai tôi đóng cái đinh vào."
"Bác làm gì thế?"
"Nấu cơm."
"Nửa đêm rồi còn nấu cơm ạ?"
"Lúc nào đói thì ăn có gì đâu."
Đâu nhất thiết một ngày phải ăn ba bữa, lúc nào đói thì ăn. Giang Luyện thấy câu này rất triết lý, không biết nên đáp lại thế nào cho phải phép đành quay về phòng, đứng trước gương treo tường.
Chiếc gương này cũng cổ kính như ngôi nhà chứa nó, mặt kính hình chữ nhật, bán thân, khung gỗ sơn vàng đã phai màu theo năm tháng, dưới góc phải dán một bức tranh non nước xanh xanh đỏ đỏ đã quăn mép, đề tự "non xanh nước biếc thời đại oai hùng".
Trong non xanh nước biếc thời đại oai hùng là hình chiếu của Giang Luyện.
Anh còn trẻ, cùng lắm là hai bảy hai tám tuổi, tóc bù xù dựng đứng vì vừa vò lấy vò để bằng khăn. Mặt mũi trông cũng ra gì, thuộc kiểu dễ khiến người ta nhớ mặt và ngoái nhìn. Đuôi mắt hơi xếch lên, nghe nói người có dáng mắt này thường khá kiêu ngạo. Mắt thì khó tả hơn, người ta vẫn nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn nhưng qua cánh cửa sổ ấy, tất cả những gì bạn có thể nhìn thấy chỉ là một sự hời hợt, buông xuôi, ra chiều sao cũng được.
Giang Luyện chợt hít một hơi, cởi hai khuyu, vạch nửa vạt áo sang một bên. Cạnh cổ, nơi bị cần câu quất hồi nãy, vốn chỉ sưng như một con giun khổng lồ đỏ tấy bám trên ngực, không biết đã xước ra từ khi nào, máu túa ra chảy ròng ròng vệt dài vệt ngắn, thê thảm không nỡ nhìn.
Giang Luyện rút khăn tay thấm máu, tiện tay bôi ít thuốc mỡ, thử sờ vào miệng vết thương mà đau nhói vội rụt tay lại, lẩm bẩm: "Quá đáng đến vậy là cùng."
Có khác gì giặc cỏ không trời, người ta vừa thò lên cái là quất, à... chưa hẳn, trước khi quất còn hô "hồ ly","lưng lưng" gì đó không nghe rõ lắm, chắc là tiếng lóng.
Cụ Can nói chí phải, Tương Tây rừng sâu nước độc, đâu thiếu người gớm ghê. Bà chị kia không biết từ đâu chui ra mà chiêu nào chiêu nấy vừa nhanh vừa dữ, nhất là phát quất đầu tiên, không phải đùa chứ nếu thay cần câu bằng dao thì anh đã "bẻ gáo" tại chỗ rồi. Dẫu vậy, lực tác động thiếu chút nữa dồn lên đầu thành chấn động não, từ lúc ấy trở đi anh đánh nhau bằng cảm tính cả vì mắt đen sì, đầu hẵng còn quay quay.
Sơ cứu vết thương tạm thời, Giang Luyện vứt hũ thuốc mỡ sang một bên, ngồi xuống, nhặt sợi dây chuyền trên bàn, bắt đầu nghiên cứu.
Chất liệu không rõ, khá giống hợp kim, màu vàng đồng, các khoen xoắn dẹt lần lượt móc nối với nhau như dây xích, cách vài khoen lại treo một miếng kim loại hình tròn, đếm thử thì có tổng cộng chín miếng. Thời cổ đại, đây cũng được coi là một loại chuông, nhìn qua khá giống lắc chân, không hiểu sao người kia lại gài trên eo.
Tất nhiên anh cũng không hiểu sao lại mình lại cầm nó. Anh giật xuống cùng lúc với bình thuỷ tinh. Sau, bị cô ta quất một phát tê cứng tay, không duỗi ra nổi, anh đành cầm nguyên nắp bình và sợi dây này chạy qua vài ngọn núi, lúc thư thư lại định vứt đi mới nhận ra mình còn cầm một sợi dây chuyền.
Dưới ánh đèn vàng ảm đạm, anh tỉ mỉ quan sát họa tiết lạ lùng khắc trên những miếng kim loại nọ.
Giang Luyện lục vali lấy ra một chiếc kính lúp cầm tay Schweizer sản xuất tại Đức. Đây là thấu kính chuyên dụng cho tem thư, châu báu, đồng hồ, dùng để quan sát lắc chân có vẻ hơi quá. Anh vừa nhìn vừa lấy giấy bút, định bắt chước, vẽ lại hoa văn trên đó.
Vẽ được vài nét thì vọng lên tiếng nói chuyện rì rầm từ dưới lầu. Chút bất đắc dĩ mơ hồ xẹt qua đáy mắt, Giang Luyện gạt dây chuyền sang một bên, úp sấp giấy che lên, làm bộ như bàn bừa bộn giấy má. Đoạn, mở hũ thuốc mỡ, phết một ít rồi thong dong chờ.
Chẳng bao lâu sau, tiếng Vi Bưu vang lên ngoài cửa: "Giang Luyện ơi!"
Chưa gọi cho tròn chữ cửa đã cạch một tiếng mở toang.
Giang Luyện bụng nghĩ thầm "vô duyên" nhưng vẫn tươi cười, nghiêng đầu, phết thuốc mỡ thoa lên vết thương: "Anh Bưu đấy à."
Người nọ khoảng xấp xỉ ba mươi, cao to vậm vạp, gần như phải gọi là lưng hùm vai gấu. Mặt mũi nom cũng đường hoàng, nhưng mọi góc độ cứng cáp đều tô đậm hai chữ "mạnh bạo" khiến người ta vô thức lùi bước tránh xa.
"Lão Ca bảo, thấy cậu Luyện lúc về người sũng bùn là bùn, úi cha, bị thương cơ à?"
Giang Luyện thoải mái để anh ta soi mói vết thương của mình, thậm chí còn giơ hai ngón tay sưng vù như lạp xưởng cho anh xem: "Trời tối, trên núi còn mưa, bất cẩn trượt chân ngã xuống đồi là thành ra thế này đây."
Vừa nói vừa nhìn thoáng qua ngoài cửa: Huống Mỹ Doanh cũng sang đây, vẫn đang mặc đồ ngủ, chắc nghe tiếng ồn nên tỉnh. Cô đứng ngoài cửa không vào buồng, người gầy guộc, mảnh khảnh, tưởng chừng như chỉ cần một cơn gió thổi qua cũng đủ đề đẩy cô ngã nhào.
Vi Bưu cười giả lả, tay chống mép bàn, nhìn xuống: "Nhưng Giang Luyện này, đêm nào có mưa cậu cũng hớt hải chạy lên núi làm gì? Trên đó có tiền cho cậu nhặt không?"
Nói đến đây, mắt anh lạnh hẳn, miệng bất giác xếch lên như bị một sợi dây vô hình siết chặt.