Quyển 1: Ảo Ảnh Trên Núi - Chương 1

Xương Rồng

Vĩ Ngư 28-09-2023 16:22:05

Tương Tây, núi Ngọ Lăng. Canh ba sắp điểm, trời trút cơn mưa, hiên rền tiếng sấm. Cửa tầng một sát mặt đường khách sạn Đỉnh Vân Mộng khép hờ. Trong cảnh đèn đóm mịt mờ, trên chiếc bàn kê giữa sảnh là một thớt gỗ nặng trịch và hàng vốc ớt tươi. Liễu Quán Quốc, ông chủ khách sạn, đương vung một con dao thái sáng loáng, băm phập phập phập không ngừng. Dịch, hạt ớt li ti bắn khắp khẩu trang, hơi nước mịt mùng ngày mưa hoà cùng hơi nồng của ớt xộc thẳng vào mắt cay xè. Liễu Quan Quốc nheo mắt lại, vết chân chim hằn dấu cuối mày, nếp nếp vươn tận tóc mai. Chớp rạch ngang trời, rải ánh bạc óng ả phủ khắp nhân gian. Trong tích tắc ấy, Liễu Quan Quốc vô thức nhìn lên nhưng phương xa chỉ còn bóng lay núi ngàn bị màn đêm nuốt chửng. *** Núi Ngọ Lăng thuộc huyện Ngọ Lăng, là một khu du lịch mới đưa vào khai thác. Nhập gia tùy tục, người trong huyện nháo nhào đổ xô đi làm hai nghề: Cho thuê xe và nhà nghỉ khách sạn. Khách sạn Đỉnh Vân Mộng nằm trên một con đường sát chân núi, gần khu du lịch, uốn lượn như dải lụa mềm mại vắt hờ quanh núi. Nơi đây, từ cửa sổ, cửa chính có thể ngắm sơn thủy hữu tình, đến phòng bếp, phòng tắm thấy núi non trùng điệp. Để không uổng cảnh trời ban, người người nhà nhà thi nhau xây nhà nghỉ mở khách sạn, không cơi nới được chiều ngang thì ta lấn sang chiều dọc, cao cao thấp thấp, thụt thụt thò thò, cứ thế là thành đường thôi, mà nom cũng ra gì. Hệ quả của việc cung vượt quá cầu là cả làng cùng ế. Nhưng riêng tối nay, Đỉnh Vân Mộng chỉ có ba vị khách. Không phải vắng vẻ vì trái mùa mà từ tuần trước, Liễu Quán Quốc đã tạm ngừng nhận đặt chỗ trên các trang đặt phòng trực tuyến của Ctrip, Qunar, ... thuê người làm một cuộc tổng vệ sinh kì cọ từng ngóc ngách, phun thuốc diệt côn trùng, thay bóng đèn, tăng tốc độ đường truyền, tất cả chỉ vì một mục đích duy nhất. Đón tiếp đại lão. Nghĩ đến đây, Liễu Quán Quốc bất giác ngước lên nhìn trần nhà, theo đó, tiếng vằm nhỏ hẳn, chỉ sợ quấy rầy quý nhân. Dẫu vị khách nọ ở lầu ba, cách sảnh chính cả một tầng, bên ngoài còn mưa rào sấm nổ, hẳn không nghe thấy gì. Vằm một lát thì điện thoại trong túi vang lên, báo có tin nhắn mới. Tranh thủ giải lao, Liễu Quán Quốc gác dao, cởi khẩu trang, ớt dính phỏng tay chỉ chùi qua loa vào quần rồi nhón tay rút điện thoại. Spam kín màn hình là tin nhắn của nhóm "Dân núi Ngọ Lăng", Liễu Quán Quốc ung dung kéo lên xem từ đầu. *** Thẩm Vạn Cổ: @Liễu Quán Quốc, đại lão đến chưa ông eei? Khưu Đống: Chắc là rồi, chiều nay có người thấy một chiếc SUV đen đỗ trước cửa Đỉnh Vân Mộng mà. Lưu Thịnh: Có đẹp không nhỉ? Thẩm Bang: Lại chẳng. Lưu Thịnh: @Thẩm Bang chú gặp rồi à? Thẩm Bang: Chưa, nhưng đại lão là mặt tiền của quỷ núi cơ mà, xấu sao được? Xấu quá, bà tổ có chịu không? Câu nói này đã mở ra một cuộc chiến mới: đua nhau spam ảnh bà tổ, nào tranh thủy mặc, sơn dầu, nào vẽ tỉ mỉ, thậm chí có cả tượng điêu khắc bằng đất sét sáp gốc dầu, hẳn mới tra baidu xong. Liễu Quán Quốc híp mắt, lật từng tấm một. *** Bà tổ là quỷ núi. Bắt nguồn từ "Sở tử – Cửu Ca" của Tam Lư đại phu Khuất Nguyên, quỷ núi được phác hoạ bằng bút pháp lãng mạn dưới hình hài một nữ yêu quái yêu kiều dáng ngọc, diễm lệ thân ngà. Đồn rằng nàng uyển chuyển mình liễu như bông, vai hờ dây mây, cưỡi báo đen lấp ló nơi núi thẳm. Nàng đi đến đâu thú rừng rạp mình đến đó, thế nên đời sau phóng tác vẽ tranh về quỷ núi đa phần là người đẹp và thú dữ. Người đẹp tất nhiên lưng thắt dây tơ, hững hờ quyến rũ nói chung không kín đáo như con gái nhà lành; thú dữ không báo thì hổ, phải hung tàn dữ tợn mới tôn lên sự đối lập, hút mắt người xem. Liễu Quán Quốc châm chước thả thính. Liễu Quán Quốc: Mạnh Thiên Tư cung cách hùng hậu lắm, như ngôi sao nổi tiếng ấy, dẫn cả trợ lí, thợ trang điểm các kiểu nữa. Trong nhóm vốn đã xôn xao, nay càng như vỡ tổ. Thẩm Vạn Cổ: Đại lão giản dị quá, bây giờ người nổi tiếng đi đâu chẳng dẫn theo 5-6 trợ lí, nghe nói còn có cả gia sư và người tư vấn chế độ dinh dưỡng cơ mà. Thẩm Bang: Thật, đại lão thiếu gì tiền, nhà chẳng có gì ngoài 77 mỏ quặng. Nếu không phải Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phát động phong trào cần kiệm liêm chính thì có khi đại lãi đã tậu cái máy bay tư nhân bay vèo vèo cho oách rồi. Khưu Đống: @Thẩm Bang, đừng nhắc đến mỏ quặng, thấy bảo nói chuyện trên mạng bị theo dõi đấy. Lưu Thịnh: Không sao đâu, không phải từ cấm. ... Liễu Quán Quốc không trả lời ngay. Lần này được chỉ định đứng ra đón tiếp, hắn hãnh diện lắm, nói năng ít hẳn, tích chữ như vàng, đồng thời cũng hưởng thụ cảm giác được mọi người chú ý như vậy. Mạnh Thiên Tư đến từ chiều. Khi ấy còn chưa trở trời, không hề có bất kì dấu hiệu nào của cơn mưa rào sắp đổ. Mặt trời lặn nung chảy ánh vàng, tràn xuống từng đám mây, đỉnh núi, mái nhà, mặt đường, tô đậm bầu không khí cần có để nghênh đón một nhân vật tầm cỡ. Trước cửa Đỉnh Vân Mộng, Liễu Quán Quốc cầm điện thoại, nghển cổ ngóng trông, còn nhận nhầm xe mấy bận. Mãi đến khi tay mướt mồ hôi, hắn mới thấy một chiếc SUV màu đen đi đến. Xe đỗ xịch trước cửa, người đầu tiên bước xuống là trợ lí của Mạnh Thiên Tư – Mạnh Kình Tùng. Mạnh Kình Tùng khoảng ba mươi tuổi, làn da rám nắng, cao gầy, đuôi mắt chúc xuống, thoạt trông không mấy phấn chấn nhưng chỉ cần trực tiếp đối diện, không ít người phải nao núng, sợ sệt trước ánh mắt sắc lẻm, lạnh lùng ấy. Liễu Quán Quốc kích động đến không dám thở: Trợ lí mà đã ngầu như vậy thì một khi đại lão lên sàn chắc cả thế giới chỉ còn hai màu đen trắng mất. ... Liễu Quán Quốc mới bần thần giây lát mà nhóm chat đã spam rần rần. Thẩm Bang: Mai đại lão đãi khách à? Chúng mình có được ké mâm không? Thẩm Vạn Cổ: Mơ mộng, làm gì đến lượt chú? Mà á, nói là đãi khách thôi, chủ yếu là các anh em khắp Tương Tây đến chào hỏi đại lão, củng cố mối quan hệ hữu nghị. Lưu Thịnh: Phen này các anh em phải tiêu pha không ít nhỉ? Thẩm Bang: Lại chẳng, ai mặt dày đến nỗi tay không đi ăn cỗ? Lưu Thịnh: Mà quà cáp cũng khó cơ, đại lão có thiếu thốn gì đâu. Vàng bạc châu báu thì thôi thôi, quá tục tằn! Thẩm Vạn Cổ: Dung tục hết sức! Có gan tặng món quà tục như vậy, ta phải đáp trả gấp mười, cho chúng biết thế nào là lễ độ! Lưu Thịnh: Quào, tao cũng muốn biết thế nào là lễ độ! Khưu Đống: +1 Thẩm Bang: +10086... ... Liễu Quán Quốc lại từ tốn thả mồi. Liễu Quán Quốc: Mạnh Thiên Tư còn dẫn theo một chuyên viên trang điểm, nam nha, đẹp trai lắm, đứng cạnh nhau xứng đôi dã man. Thợ trang điểm tên Tân Từ, 26 tuổi, cao 1 mét 8, đuôi mắt dài dài, mũi thẳng tắp, nuôi tóc nhưng không hề uỷ mị mà phong độ, đậm chất lãng tử vô cùng, khá giống của Người Trong Giang Hồ đình đám những năm 90s ấy. Cậu ta mặc một bộ thường phục rộng rãi sáng màu, bảnh bao đến độ Liễu Quán Quốc chần chừ vài giây vì tưởng cậu là bạn trai của Mạnh Thiên Tư. Quả nhiên, thông tin này như ném một hòn đá vào mặt hồ đang yên ả. Thẩm Cổ Vãn: Sao không thuê phụ nữ? Thợ trang điểm hiếm nữ thế cơ à? Thẩm Bang: Liệu có nảy sinh tình cảm không, kiểu trang điểm cả ngày, sớm chiều chạm mặt, chấm chấm lau lau... Nói thật, anh không chấp nhận được chuyện đại lão cưới người thường, người xuất gia hay người nghèo hơn cô ấy. Khưu Đống: Chắc không đến mức ấy đâu, xa thơm gần thối, tiếp xúc nhiều là mất cảm giác hấp dẫn ngay. Thẩm Vãn Cổ: Mong đại lão tỉnh táo, sáng suốt, làm chủ được bản thân, đừng bị sắc đẹp của người không môn đăng hộ đối rù quến. Lưu Thịnh: Này nhá, thợ trang điểm thì sao? Nghề nghiệp không phân sang hèn quý tiện, thợ trang điểm cũng xứng với đại lão mà. Phía sau vị đại lão đẹp không góc chết là một người đàn ông âm thầm, lặng lẽ thổi hồn vào lớp make up. ... Cứ bảo phụ nữ thích buôn chuyện, thực ra đàn ông cũng tám lạng nửa cân, Liễu Quán Quốc đang hóng vui thì Khưu Đống lên tiếng. Câu nói này cũng làm cả nhóm chat đang xôn xao chợt im phăng phắc. Khưu Đống: @Liễu Quán Quốc, anh Liễu ơi, sao tự nhiên đại lão lại đến Tương Tây thế? Khu mình bị ra rìa chắc phải hai ba trăm năm rồi nhỉ? Đó là sự thật. *** Với Liễu Quán Quốc, quỷ núi có thể được cắt nghĩa bằng hai khái niệm rộng và hẹp. Theo nghĩa rộng, những người trong nhóm này đều là quỷ núi, hay còn được mệnh danh là "Dân núi","Tê tê". Đúng như tên, họ có thể đi vào rừng vào núi, đời đời khai thác tài nguyên núi rừng, có ít tài lẻ dắt túi, hoạt động trong phạm vi nhỏ, khiêm tốn, lặng lẽ kiếm tiền, không thích công khai. Còn nghĩa hẹp, chỉ những người thực sự được núi "lựa chọn", hoà cùng nhịp thở, mạch đập với núi rừng, được trời phú cho tài năng bẩm sinh, có thể vào sâu trong lòng núi nơi người thường không thể đến gần, khai thác những loại quặng hiếm không ai hay biết. Những người này cũng được phân chia theo cấp bậc và hạn chế số lượng. Nếu ví cơ thể con là núi thì có thể "điểm danh" dưới lên trên, theo thứ tự sau: Vai núi – hai vị, tai núi – hai vị, mày núi – hai vị, tóc núi – một vị... Tóc núi chưa phải vị trí cao nhất, thời cổ đại, trùm lên búi tóc là mũ – biểu trưng cho đức vua, tôn giả. Vì vậy, trên tóc núi còn có một quỷ núi bễ nghễ ngai vàng, đứng đầu quần thể nọ. Nhưng vị cổ nhân biên soạn ra cấp bậc quỷ núi hiển nhiên đã bỏ qua một vấn đề: vai núi tai núi, vân vân chỉ có hai chữ, ngắn gọn dễ thuộc nhưng vị trí tối cao thì... Gọi là "Người ngồi trên ngai vàng của quỷ núi" thì dài dòng phức tạp; vắn tắt thành "Ngai vàng quỷ núi" thì nghe như cái ghế thành tinh, nhức hết cả đầu. Vì vậy không ai đưa ra một đáp án tiêu chuẩn, mọi người có cơ hội tự do phát huy trí tưởng tượng, như đám Liễu Quan Quốc quen mồm gọi "đại lão". Vị đại lão đang cai trị thời nay tất nhiên là người vừa được nhắc đến nãy giờ – Mạnh Thiên Tư. Quỷ núi xuất hiện từ triều đại nào, không ai hay biết, nhưng người nhà thường tôn quỷ núi trong "Sở Từ Cửu Ca" của Khuất Nguyên làm bà tổ. Có lẽ nhờ tấm lòng yêu thương quan tâm của bà tổ nên xưa nay quỷ núi các đời âm thịnh dương suy, đa phần những vị trí quan trọng đều thuộc về phái nữ. Thời xưa, giao thông bất tiện, kinh tế trì trệ, không rõ đất rộng nhường nào, chỉ biết ngoài núi này vẫn còn núi nọ. Để thăm dò tình trạng núi non nước nhà, các vị đại lão thời ấy còn chịu thương chịu khó dò núi mở rừng. Nay dân trí phát triển, biên giới đã hoạch định rõ ràng, núi non Trung Hoa được liệt kê đầy đủ trong một bản "Núi phả hệ". Cha mẹ trồng cây, con cái hưởng bóng, người kế nhiệm tất biếng nhác phần nào, những vùng xa xôi núi thẳm như Tương Tây bị đẩy ra rìa cũng là lẽ dĩ ngẫu. Lại thêm triều Minh, vị lữ khách Từ Hà Khách có hành vi kỳ thị, trừ ba loại bảy, công khai cái gì gì "Đi ngũ Nhạc rồi không cần ngắm núi, đi Hoàng Sơn rồi không cần ngắm Nhạc*". Vừa đúng tâm tư các đại lão, thế là xong, họ chuyển hẳn hộ khẩu về chân núi Hoàng, đặt tên "Sơn Quế Trai" cho vần với hai chữ "Sơn Quỷ (quỷ núi)". *Nếu mà đã thăm quan Ngũ nhạc (5 ngọn núi Thái Sơn Đông nhạc, Hoa Sơn Tây nhạc, Côn Sơn Trung nhạc, Hằng Sơn Nam nhạc và Hành Sơn Bắc nhạc), thì chẳng cần phải đặt chân đến tất cả các núi khác của thiên hạ nữa, thế nhưng nếu đi du lịch Hoàng Sơn rồi, thì chẳng cần phải đi thăm năm ngọn núi nói trên nữa. Khưu Đống nói thế là còn nhẹ, Tương Tây ra rìa đâu chỉ mới hai ba trăm năm. Nhưng vấn đề là, tại sao Mạnh Thiên Tư lại đột nhiên giá đáo đến đây cơ chứ? *** Liễu Quán Quốc không trả lời được bèn tắt máy, cầm dao tiếp tục làm việc. Cái hay của WeChat là đây, thích đến thì đến muốn đi thì đi, không cần phải đánh tiếng, chào hỏi bất kì ai. Mới băm vài nhát thì phía trước tối om, một bóng người lách vào cửa. Người nọ mặc một chiếc áo mưa thùng thình đen ngòm, xỏ đôi ủng đi mưa cùng màu, cả người lõng bõng những nước là nước. Có đại lão ở đây, Liễu Quán Quốc cảnh giác hơn hẳn ngày thường, trợn mắt, vô thức giơ dao. Nhưng người nọ lại dừng trước cửa, vội vàng cởi áo mưa giũ lấy giũ để. À, ra là bạn nhậu của mình, Vương Khánh Lượng, bảo vệ của khu du lịch núi Ngọ Lăng. Liễu Quán Quốc lấy làm lạ: "Hôm nay tan tầm sớm hơn thường lệ mà, đêm hôm chú chạy sang đây làm gì?" Không đề cập còn đỡ, nhắc lại làm Vương Khánh Lượng tức anh ách, giọng sang sảng như chuông đồng: "Tại mấy thằng khách du lịch chứ sao, ăn gì mà ngu thế không biết!"