Luân Hồi quan trầm ngâm nói: "Thiên Địa nhãn không phải thứ là người tầm thường có thể nhìn thấy được. Chỉ là ngươi có được thần nhãn này, chỉ sợ tương lai ngày sau phải chịu khổ rồi."
"Ta đương nhiên tự biết tương lai của mình. Đại nhân, đến gần đây, ta bày mưu đưa Ứng long thần quy vị."
Luân Hồi quan ghé tai vào, U Tịch nói với ông ta điều gì đó, sau đó cô quay trở về. Trên đường về ở núi Linh Sơn, U Tịch luôn cảm thấy khó chịu trong người. Quả thật vừa đi được một lát thì thấy được một cảnh tượng, là một cảnh tượng đảo ngược.
Bụi cỏ đỏ đã từng chui vào đồng hồ Sinh Tử để trở thành Xích Nghiệp tơ mà U Tịch dùng để trói linh hồn, hoá ra nó chính là bộ râu của Ứng long thần. Từ bụi cỏ đỏ ngược về Ứng long rơi xuống, Xích Nghiệp tơ trở về râu của Ứng long.
Cảnh tượng đã ngừng lại, U Tịch cố moi thêm chút cảnh tượng nhưng không được. Nếu như Ứng long thần đã có bộ râu màu đỏ, vậy tại sao cảnh tượng cô nhìn thâý ở trên sân thượng khi đó, nó không hề có râu màu đỏ. Như thế, cảnh tượng kia mà U Tịch nhìn thấy rất có thể là tương lai chứ không phải là quá khứ.
"Yêu nữ về rồi à, đến đây ăn chút gì đi!"
Thầy Đỗ thấy U Tịch xỏ giày vào đứng bên cạnh cửa liền gọi cô. Đêm qua Đại Ngâu thật sự đã đưa được hồn của Thiên Chí nhập xác, bây giờ anh đang ngồi trên bàn ăn cơm. U Tịch lại ngồi bên cạnh, cầm đũa liên tục gấp đồ ăn nhét vào miệng.
Thầy Đỗ nhìn Thiên Chí ăn không ngừng nghỉ, ông nói: "Lê Thiên Chí, cậu ăn như con ma đói vậy."
U Tịch nghe thế cũng vừa gấp đồ ăn bỏ vào miệng vừa hóng hớt, nhìn sang Thiên Chí nói: "Anh ta thật sự là ma đói mấy ngày mà!"
Thầy Đỗ nghe giọng U Tịch hơi lạ, ông lại quay sang nhìn cô. Thấy U Tịch ăn còn hơn cả Thiên Chí thì cau mày nhăn mặt nói: "Sao cô cũng ăn như ma đói thế? Nghe nói cô không cần ăn cũng có thể sống mà."
U Tịch uất ức ăn thêm mấy miếng nữa, vừa nhai vừa nói: "Ông thì biết cái gì chứ. Cái này người ta gọi là "thú vui tao nhã" đó."
Đại Ngâu chỉ ước lúc này có một cái lỗ để chui xuống, xúi quẩy tám đời nó lại gặp phải chủ nhân dung tục như U Tịch. Biểu cảm trên mặt thầy Đỗ biến hoá hết sức vi diệu, từ chối trả lời. Qua một lát sau, U Tịch mới hỏi: "Hai người có từng nghe qua trên đời có cái gọi là mắt Thiên Địa không?"
Thầy Đỗ vắt óc trầm tư suy nghĩ, không lâu sau ông mới cẩn thận nói: "Đúng là đã có nghe qua."
U Tịch hoài nghi nhìn thầy Đỗ, thầy Đỗ nói tiếp: "Từng nghe nói, cô nhỏ của tôi năm xưa có một đôi mắt có thể nhìn thấu trời đất."
U Tịch bị thu hút, cô gác đũa quay sang nghiêm túc hỏi: "Rồi sau đó?"
"Từ khi sinh ra đã có khả năng đó, năm lên mười tuổi đã trở thành nữ pháp sư được người đời kính trọng và ca tụng. Cô nhỏ vốn dĩ rất nghèo nhưng lại giữ mình thanh khiết, chưa từng dùng khả năng đó làm giàu cho mình. Nhưng mà..."
Thầy Đỗ nói đến đây thì ngập ngừng, U Tịch sốt ruột hỏi: "Nhưng sao, ông mau nói đi chứ?"
Thầy Đỗ buồn buồn nói: "Cô nhỏ chết trẻ, chỉ vừa mới hai mươi tuổi thôi!"
"Tại sao lại chết sớm như vậy, chẳng phải là có mắt Thiên Địa sao?"
Quả nhiên, người có Thiên Địa nhãn đều không có mệnh tốt. U Tịch hoài nghi chính bản thân cô cũng không biết có thể ngồi đây được thêm mấy ngày nữa. Thầy Đỗ nói tiếp: "Nguyên nhân cái chết của cô nhỏ không được nhắc đến. Sau đó cả dòng họ đều xem cô nhỏ như một vết nhơ, một nỗi nhục của gia đình. Tôi lớn như vậy rồi cũng chưa từng thấy người nhà cúng giỗ cho cô nhỏ, cả bài vị và mồ mả cũng chẳng thấy đâu."
U Tịch đột nhiên khó chịu nhắm nghiền hai mắt lại, sau đó chảy ra hai giọt nước mắt. Thầy Đỗ ngạc nhiên hỏi: "Yêu nữ, cô khóc đấy à?"
U Tịch giật mình mở mắt, lấy tay lau nước mắt nói: "Đồ ăn cay!"
Đồ ăn cay gì chứ, cô vốn dĩ đâu có cảm nhận được vị của thức ăn. Chẳng hiểu sao nghe thầy Đỗ nói về cô gái kia cô lại cảm thấy chạnh lòng. Từ khi mở mắt Thiên Địa đến nay đã khóc mấy lần rồi. Khốn nạn, nó có gì tốt chứ, chỉ gây ra bất hạnh cho cô mà thôi.
U Tịch giả lã quay sang hỏi Thiên Chí có vẻ không có hứng thú gì với Thiên Địa nhãn mà hai người nói, cô hỏi: "Lê Thiên Chí, rất lâu trước đây chúng ta đã từng gặp nhau chưa?"
Thiên Chí vẫn còn đang ăn, anh nói: "Cô muốn nói mười lăm năm trước à?"
"Không phải, là lâu hơn nữa."
"Tôi mới có hai mươi lăm tuổi thôi, cô cho rằng tôi gặp cô trong mơ chắc?"
U Tịch hùng hổ vỗ bàn cái rầm: "Cho dù trong mơ thì anh cũng nên mơ thấy tôi chứ. Tôi đẹp như vậy mà."
Thẫy Đỗ giành phần nói: "Yêu nữ, cô cho rằng bản thân mình xinh đẹp sao. Không phải tôi già quá mắt kém rồi đấy chứ?"
U Tịch cũng nhận thức được bản thân không đẹp, nhưng Thiên Chí đột nhiên nói: "Cô ấy rất xinh đẹp mà!"
Cả U Tịch lẫn thầy Đỗ, Đại Ngâu đều hoang mang nhìn Thiên Chí. Thiên Chí nói tiếp luôn: "Tôi cảm thấy không khoẻ lắm, có lẽ tôi nên đi bệnh viện."
Nói tới đây Thiên Chí buông đũa rồi đi thẳng vào phòng. U Tịch và thầy Đỗ vừa cầm đũa chuẩn bị ăn đã thấy anh xách theo balo đi trở ra, vừa nói: "Để trả tiền ở nhờ, mỗi ngày tôi sẽ vẽ tặng cô một bức tranh."
U Tịch cảm thấy Thiên Chí này hành động không đúng, nhưng con quỷ hám tiền là cô đã bỏ phăng nghi vấn kia mà nói: "Này, sao anh không trả tiền cho tôi. Trả tranh làm gì hả, làm ảnh thờ sao?"
Thiên Chí đi bệnh viện đến tận hơn 5 giờ chiều. Trên đường về đến cổng, anh nhìn thấy bên kia có một cậu bé bị một con chó đuổi cẳn. Vừa mới chớp mắt, cậu bé đã bị con chó đẩy vào bụi cây. Thiên Chí vội vã chạy tới, còn cầm theo nhánh cây để cứu cậu bé. Ai ngờ vừa tới chỗ bụi cây thì con chó không cắn cậu bé nữa, nó quay ra nhìn anh, hai mắt nó xanh lè. Sau đó Thiên Chí đánh rơi nhánh cây trên tay xuống đất, quay đầu đi vào nhà.
U Tịch bây giờ rất bận rộn, mới giờ này mà phòng khách của cô đã chứa tận mấy âm hồn rồi. Bây giờ cô mới nhớ ra vụ Thiên Chí hành động lạ, vừa đi ra cửa xem anh về chưa thì thấy Thiên Chí đẩy cửa rào đi vào. Dưới ánh nến của đèn lồng treo trên cửa, U Tịch chớp mắt một cái rồi đột nhiên quay vào nhà hét lên: "Đại Ngâu!"