Vào thời điểm này, cô vừa phải đi làm vừa phải ra đồng làm việc nên hiển nhiên không thể chăm lo việc gia đình được rồi, cái nhà cũng bừa bộn vô cùng, rửa bát xong, Khương Lệ Vân lại cầm chổi quét đất.
Cô đang làm việc thì chị cô – Khương Lệ Bình về nhà.
Năm nay Khương Lệ Vân hai mươi tuổi, mà chị cô lớn hơn cô hai tuổi nên năm nay là hai mươi hai tuổi.
Tuy rằng sức khỏe của cha mẹ bọn họ không tốt nhưng tướng mạo cũng không tính là tệ, vì vậy mà bốn anh chị em trông đều không tồi.
Khương Lệ Bình hai mươi hai tuổi có đôi mắt rất to, làn da trắng nõn, cô ta uốn tóc xoăn, tô môi đỏ, vẽ một cặp chân mày vừa mảnh vừa cong, một gương mặt hiện ra vô cùng tinh tế.
Cách ăn vận của cô ta cũng hoàn toàn khác hẳn với người nông thôn, cái áo sơ mi đẹp màu xanh đậm bó eo thêm cái quần đen được là đến phẳng phiu, còn có một đôi giàu da đế tầm trung... chỉ nguyên bộ cánh này, đừng nói là ở nông thôn mà cho dù là ở trên thị trấn cũng đã vô cùng thời thượng rồi.
Khương Lệ Bình ăn diện tỉ mỉ, cả người từ trên xuống dưới tràn đầy khí thế kiêu ngạo, lúc nhìn căn phòng tồi tàn trong nhà mà ánh mắt cô ta còn lộ ra vẻ chán ghét.
Tâm trạng của Khương Lệ Vân thật sự có hơi phức tạp.
Lúc còn trẻ, cô cũng oán trách chị cả bởi vì cảm thấy mình ở nhà bận trong bận ngoài, luôn phải chịu thiệt.
Nhưng sau khi vào xưởng sô pha và bắt đầu tự mình kiếm được tiền rồi, phần oán hận này cũng dần nhạt đi.
Cô nhanh chóng ý thức được rằng mình phải tự sống cuộc đời của mình thôi, oán trách chị cô cũng không thể khiến mình có được một chút lợi ích gì cả, mà chỉ tổ lãng phí thời gian của cô.
Bây giờ trọng sinh trở về rồi, lại nhìn thấy chị cả sáng ngời và đẹp mắt, cô cũng chỉ còn lại mỗi thổn thức mà thôi.
Phải biết rằng ở kiếp trước, giai đoạn về sau chị cô vô cùng suy sụp, sống rất hồ đồ, nhưng mà vẫn sống qua ngày được.
Lúc này, Khương Lệ Bình lại tràn đầy khí thế nói: "Lệ Vân, em đã hai mươi tuổi rồi mà sao không biết ăn diện một tí đi? Xưởng sản xuất sô pha có nhiều công nhân nữ như thế, em chắc chắn chính là đứa quê mùa nhất."
"Em không có tiền." Khương Lệ Vân đáp.
Ở trong xưởng, đúng là cô cũng quê mùa thật, những công nhân nữ khác chưa chắc đã thời thượng bằng chị gái cô nhưng ít nhất vẫn có mấy bộ quần áo để thay đổi mà mặc, không giống cô, chỉ có vài bộ đồ, mà phần lớn đều là đồ mà chị cô không cần nữa, đem cho cô.
"Tháng nào em cũng được nhận lương, không có tiền ở đâu ra?" Khương Lệ Bình hỏi.
Khương Lệ Vân chẳng nói gì cả.
Đúng là tháng nào cô cũng được nhận lượng đấy nhưng tiền lương ở xưởng sản xuất sô pha cũng không cao.
Cho dù là xưởng sản xuất sô pha hay là lò gạch của công xã thì mấy năm đầu đều không phát tiền lương, khi ấy người đến nhà xưởng làm việc đều là nông dân bản địa, tháng nào cũng nhận công điểm.
Đương nhiên, cũng không phải không cầm được một xu nào, nhà xưởng cũng sẽ phát cho một ít trợ cấp.
Năm 1978. anh trai cô vào lò gạch của công xã làm việc cũng phải nhận công điểm, ngoài ra, mỗi ngày còn có hai hào tiền trợ cấp ăn uống, nếu tăng ca hoặc là làm một vài công việc nguy hiểm thì sẽ được thêm trợ cấp ngoài, một tháng tính ra, cùng lắm cũng chỉ lấy được mười đồng.
Thẳng đến tháng một năm 1981. lò gạch cải cách thì công nhân mới không cần phải cầm công điểm nữa, mà đổi thành nhận tiền lương. Khi ấy anh cô là công nhân cấp một, mỗi ngày được một đồng mốt tiền lương. Một tháng được khoảng ba mươi ba đồng, cộng thêm trợ cấp các kiểu nữa, về đến tay cũng được khoảng bốn mươi đồng.