Triệu Yến Bình về nhà lúc chạng vạng tối.
A Kiều thận trọng nhìn Triệu lão thái thái.
Triệu lão thái thái nào dám giằng co với tôn tử, lỡ như tôn tử thẹn quá hóa giận thật sự đuổi A Kiều, A Kiều ra ngoài nói lung tung, hai bà cháu sẽ mất hết thể diện.
Vì bạc, vì mặt mũi, Triệu lão thái thái lựa chọn làm ngơ! Tôn tử giả bộ với bà, bà cũng giả bộ với hắn, dù sao bà và A Kiều hợp tác đối phó tôn tử, không tin đấu không lại con lừa ngoan cố này!
Tuy nhẫn nhịn nhưng Triệu lão thái thái vẫn tức giận. Trước kia mỗi khi Triệu Yến Bình trở về, bà vây quanh tôn tử quan sát đánh giá, hỏi han ân cần, hôm nay Triệu lão thái thái không nhìn tôn tử nhiều, ngược lại đối với A Kiều tốt gấp đôi, tựa như A Kiều mới là cô nương Triệu gia, còn Triệu Yến Bình chỉ là người ở rể.
Triệu Yến Bình nhận ra sự khác thường, buổi sáng lão thái thái rõ ràng bất mãn A Kiều, tới chạng vạng sao hoàn toàn trái ngược?
Triệu lão thái thái không đề cập tới nguyên nhân, Triệu Yến Bình chỉ cần gia đình yên ổn là được, buổi tối lúc ngủ, hắn hỏi A Kiều từ bên kia rèm ngăn: "Hôm nay trong nhà xảy ra chuyện gì? Nhìn lão thái thái có vẻ hận ta."
A Kiều cảm giác bị lật tẩy, quan gia xử án như thần, sao nàng lừa gạt thành công được?
Tim A Kiều đập nhanh hơn, nàng nhỏ giọng nói: "Quan gia, vì ta muốn lấy lòng lão thái thái, lúc lão thái thái trách ta, ta cố ý đổ thừa lỗi lầm cho ngài, quan gia có giận không?"
Triệu Yến Bình đột nhiên hiểu ra.
Buổi sáng lão thái thái tới cửa nghe ngóng, cho rằng A Kiều ôm hắn cù cưa nên lão thái thái răn đe A Kiều, A Kiều nhìn hắn ai oán. Với tính tình của lão thái thái, chờ hắn đi rồi, lão thái thái nhất định lại dạy dỗ A Kiều, A Kiều sốt ruột, đổ lỗi lên đầu hắn, nói hắn bắt nàng nói dối.
Triệu Yến Bình không giận, nàng bị kẹt ở giữa hắn và lão thái thái cũng chẳng dễ dàng gì, ở chung hòa thuận với lão thái thái mới quan trọng nhất.
"Sẽ không, nàng cứ tùy cơ ứng biến, không cần lo lắng cho ta." Triệu Yến Bình động viên nàng.
A Kiều mừng thầm, cắn môi nói: "Đây là do quan gia nói nha. Ngày nào đó lão thái thái mắng ngài, quan gia đừng quỵt nợ đó."
Triệu Yến Bình ừ một tiếng.
Yên lặng một lúc, Triệu Yến Bình lại nói: "Ban ngày trên đường đi Khánh hà, ta thấy có ba cửa tiệm muốn sang lại. Giá của hai căn lớn quá cao, không cần suy xét. Căn nhỏ còn lại vốn dĩ bán đồ thêu thùa, kỳ thật không tính là cửa hàng, chỉ là một căn lều dựng lên sát tường phía ngoài của nhà chủ tiệm, vừa vặn đối diện ngay đường phố. Chủ tiệm lớn tuổi, không may vá được nữa mới muốn bán căn lều, hy vọng tìm người mua bán sạch sẽ, không phải loại làm thức ăn nhiều khói dầu."
A Kiều vui vẻ nói: "Vậy hợp với chúng ta, quan gia hỏi thăm giá chưa?"
Triệu Yến Bình nói: "Căn lều này không dễ bán, nhà bà ấy có điều kiện, tiền thuê là một lượng bạc một năm."
A Kiều vừa nghe, muốn ngồi dậy ngay lập tức đi tìm người ta ký hợp đồng thuê.
"Quan gia, cuối tháng ngài mới đón Thẩm Anh cô nương lại đây, lỡ như căn lều này trong chín ngày tới bị người khác thuê thì sao?"
A Kiều sốt ruột hỏi.
Triệu Yến Bình nói: "Yên tâm, ta có chút quen biết với nhà bọn họ, bọn họ đồng ý để dành cho ta đến tháng mười, trước đó sẽ không bán cho người khác. Nàng đừng nóng vội, sáng mai đi nhìn thử, ngay tại giao lộ phía bắc cầu Bình An, xem trước mới quyết định muốn hay không."
A Kiều nóng lòng, suy nghĩ một lúc, rầu rĩ nói: "Nếu ta muốn ra ngoài, nên dùng cớ gì nói với lão thái thái?"
Triệu Yến Bình đã nghĩ thay nàng, đưa một khối bạc vụn qua: "Sáng mai nàng đem tơ lụa đại nhân tặng ra phơi nắng, lão thái thái thấy chắc chắn sẽ thèm. Lúc đó nàng đề nghị dẫn lão thái thái đến cửa hàng tơ lụa ngay bờ sông nhìn xem, mua xấp vải sa tanh để lão thái thái may bộ đồ mới đón Tết, các ngươi đi trên đường cũng có thể nhìn thấy cái lều kia."
A Kiều khâm phục: "Quan gia thật lợi hại, chuyện gì ngài cũng tính được."
Triệu Yến Bình chỉ dặn nàng một việc: "Tính luôn lượng bạc này, nàng đã lấy danh nghĩa của mình xài hết bốn lượng bạc cho lão thái thái. Khi lão thái thái hỏi của hồi môn của nàng còn thừa nhiều ít, nàng nói còn thừa sáu lượng, đừng để lão thái thái biết Cậu và thái thái mỗi người cho nàng thêm mười lượng. Thái thái bên kia thì không sao, nếu lão thái thái biết Cậu nàng lén cho nàng tiền sẽ khó tránh khỏi chuyện bà đi khiêu khích Mợ nàng gây chuyện."
A Kiều nghe xong, lấy tay ôm ngực, nghĩ mà sợ, may mắn quan gia thận trọng, nếu không chuyện này truyền tới tai Mợ sẽ có một màn gà bay chó sủa(*).
"Ta sẽ nhớ kỹ, quan gia cũng phải thường xuyên nhắc nhở ta, đầu óc ta không tốt như ngài, sợ hay quên." A Kiều nghiêm túc nói.
Triệu Yến Bình sẽ không quên, hắn không thích nhiều chuyện, cũng không muốn lão thái thái gây chuyện khắp nơi.
—
Hôm sau trời quang mây tạnh, A Kiều theo lời gợi ý của quan gia, lấy chăn đệm ở đông phòng và tây phòng ra phơi nắng, sách của quan gia cũng lấy ra phơi, cuối cùng dọn hòm tơ lụa đến trong viện, đem từng xấp tơ lụa ngăn nắp kia phơi dưới ánh mặt trời.
Triệu lão thái thái đang ngồi trong phòng, nghe Thúy Nương trầm trồ "đẹp quá","thật trơn", Triệu lão thái thái nghi ngờ bước ra.
Nhìn từng tấm tơ lụa nhẹ lay động theo cơn gió, đều là màu sắc tươi sáng mà thiếu nữ và cô dâu yêu thích, đôi mắt Triệu lão thái thái tràn đầy hâm mộ và ham muốn.
Tuy hiện tại bà là lão bà tử mặt vàng vọt, nhưng khi còn trẻ Triệu lão thái thái từng mơ được mặc váy tơ lụa, trang điểm xinh đẹp làm hán tử trong thôn đều mê đắm bà. Hiện tại bà không mặc loại vải tươi đẹp được, nhưng mấy xấp tơ lụa này có thể bán nhiều tiền, đổi thành bạc, ít nhất cũng mấy chục lượng.
"Tiểu nương tử mau may mấy bộ xiêm y cho mình đi, ngài mặc nhất định đẹp lắm." Thúy Nương xúi giục A Kiều. Trong nhà có mỹ nhân như tiên nữ, Thúy Nương càng có động lực làm việc, làm tốt thì tiểu nương tử sẽ khen nàng, không giống lão thái thái, chỉ biết kiếm lỗi của nàng khắp nơi.
A Kiều nhìn Triệu lão thái thái đang đứng ở cửa nhà chính.
Triệu lão thái thái hừ: "Muốn làm gì thì làm, nhìn ta làm chi, ta có giục ngươi chuyện gì đâu."
A Kiều vuốt xấp sa tanh màu hồng cánh sen, nhẹ giọng nói: "Lão thái thái không mặc xiêm y tơ lụa, ta thấy nếu mình mặc thì không hợp quy củ."
Triệu lão thái thái vừa định mở miệng, A Kiều đột nhiên nghĩ đến điều gì đó, bước nhanh đến cạnh Triệu lão thái thái, cười nói: "Hay là ta đưa ngài đến cửa hàng tơ lụa nhìn thử, chọn một xấp vải tốt để ngài may bộ đồ mới, mua một xấp cho quan gia luôn, đến lúc đó người một nhà chúng ta đều mặc đồ đẹp đón Tết, niềm vui nhân lên nhiều."
Triệu lão thái thái tằng hắng, nuốt nước miếng, bà đoán được ý A Kiều, nhưng vẫn cố ý than thở: "Ngươi thích đẹp, nhưng quan gia kiếm tiền nuôi gia đình chẳng dễ dàng gì, nạp ngươi vào nhà đã tiêu hết bạc tiết kiệm, còn đâu để mua tơ lụa?"
A Kiều ngượng ngùng nói: "Quan gia tiêu tiền vì ta, số bạc kia ta để dành cũng không biết xài vào chuyện gì, vậy để ta mua vải hiếu kính ngài."
Triệu lão thái thái mừng rỡ trong lòng.
Lấy lại sính lễ là chuyện Triệu lão thái thái muốn làm nhưng sợ mất mặt. Sính lễ ở trong tay A Kiều, không liên quan đến bà, hiện tại A Kiều chủ động lấy ra, tuy rằng mua tơ lụa có chút lãng phí, nhưng dù sao cũng tiêu tiền cho bà và tôn tử.
"Được rồi, coi như ngươi có lòng hiếu thảo, chúng ta đi ra ngoài một chuyến." Triệu lão thái thái thấy thích A Kiều nhiều chút tuy không nói ra, đứa nhỏ này biết tỏ lòng cám ơn, lại hiếu thảo.
"Ta cũng muốn đi." Thúy Nương nhìn Triệu lão thái thái lấy lòng.
Triệu lão thái thái đang vui nên cho phép, trước khi ra cửa, Triệu lão thái thái chỉ tơ lụa trong viện dặn dò Quách Hưng: "Nhớ nhìn kỹ cho ta, nếu mất xem ta làm cách nào trị ngươi!"
Quách Hưng vội vàng đảm bảo sẽ không làm mất đồ.
Triệu lão thái thái nghĩ hắn sẽ không dám, bà để A Kiều đỡ tay mình, xuất phát như lão thái thái gia đình giàu có.
Bà ra ngoài một cách hãnh diện. Hàng xóm đều là gia đình bá tánh bình thường, chỉ vài hộ mua nha hoàn, dưỡng tiểu thiếp càng hiếm, chỉ có mình Triệu lão thái thái là có tôn tử có tiền đồ được huyện nha coi trọng, trong nhà có nha hoàn, gã sai vặt, hiện giờ lại thêm tiểu thiếp biết lấy lòng bà, ai không hâm mộ?
Khánh hà là nơi A Kiều từng giặt đồ. Phong cảnh ở đây tốt, thuận lợi đường thủy. Tuy không phải là đường chính của huyện thành, nhưng hai bên bờ sông cũng mở vài cửa hàng. Đây là con đường đáng giá đi dạo nhất huyện, đặc biệt tới ngày lễ tết, do phong cảnh tốt, hai bờ sông Khánh hà nhộn nhịp hơn con đường chính của huyện thành.
Trên bờ sông có bảy cây cầu, trên mỗi vòm cầu đều viết tên của cây cầu đó. A Kiều vừa đỡ Triệu lão thái thái, vừa lưu ý cây cầu đá và cửa hàng hai bên bờ sông. Sau khi qua cây cầu thứ ba, cuối cùng A Kiều thấy căn lều như lời quan gia nói.
Căn lều kia tốt hơn tưởng tượng của A Kiều, mặt hướng đường phố, phía trên được che lại, mặt sau sát tường, bên trái sát cửa hông nhà người ta, bên phải làm thành cửa có gắn rèm bằng rơm để che mưa chắn gió. Mặt đối diện đường phố là quầy hàng làm bằng ván gỗ, đủ chỗ bày phấn mặt, thậm chí A Kiều cũng có thể may vá chút đỉnh để bán.
"Lão thái thái, cái lều kia là gì vậy?" A Kiều giả vờ tò mò hỏi Triệu lão thái thái.
Triệu lão thái thái thấy, giải thích: "Lão thái thái kia khi trẻ rất khéo tay, sau khi nam nhân của bà qua đời, bà dựng cái lều này bán đồ may vá nuôi gia đình. Mấy hôm trước ta có gặp bà, đôi mắt không nhìn rõ nữa, không làm gì được, con dâu lại ngốc, nói là muốn sang lại căn lều."
A Kiều: "Hóa ra là thế, số ngài tốt hơn, một tay nuôi quan gia có tiền đồ như vậy, già rồi chỉ cần hưởng phúc."
Triệu lão thái thái nhẹ nhàng hừ: "Tốt chỗ nào, người cùng tuổi ta đều có tiểu tôn tử biết bắt cá, ta đây còn chưa có cháu dâu."
Đang nói, cửa nhà kia mở ra, ba đứa bé nối đuôi chạy ra, ca ca khoảng mười tuổi, muội muội bảy tám tuổi, đệ đệ nhỏ nhất nhìn có vẻ năm tuổi, hai anh em có vóc dáng khỏe mạnh, muội muội xinh xắn đáng yêu, vui vẻ chạy chơi cùng nhau.
Ánh mắt Triệu lão thái thái nhìn ba đứa bé kia còn thèm thuồng hơn lúc bà nhìn tơ lụa của A Kiều.
A Kiều cũng rất ghen tị, nếu được, nàng cũng muốn sinh con cho quan gia.
Nhưng A Kiều còn nhớ rõ mùi vị của chén canh tuyệt tử kia, nàng nhớ sau khi uống chén canh đó, bụng như dao cắt, cảm giác đau đớn khổ sở sống không bằng chết.
Nàng đảo mắt, lại nhìn phía trước căn lều kia.
Lòng A Kiều dấy lên ngọn lửa.
Số mạng nàng không có hài tử, nàng nhất định phải mở cửa hàng này, kiếm tiền cho mình dưỡng lão!
—
Tính Triệu lão thái thái tiết kiệm, muốn mua tơ lụa nhưng mắc quá lại tiếc, chỉ chọn cho mình một xấp sa tanh hai đồng bạc. Vì A Kiều chủ động muốn mua cho tôn tử, Triệu lão thái thái hăng hái moi tiền A Kiều, chọn cho tôn tử nguyên một xấp sa tanh màu sậm, tôn tử mặt lạnh, mặc màu sậm càng có khí thế.
Triệu lão thái thái thương tôn tử, A Kiều cũng thích quan gia, không phải vì quan gia cho nàng một lượng bạc, dù quan gia không cho, nàng cũng tự mình bỏ tiền sắm sửa cho quan gia.
—-
(*) gà bay chó sủa: ý nói cảnh tượng vô cùng hỗn loạn