Chương 144

Kiều Nương Xuân Khuê

Tiếu Giai Nhân 25-10-2023 13:03:50

Người trong cung đều đã gặp sóng to gió lớn, Liễu thị nhát gan, bị Huệ phi hù dọa, ngày mùng một Tết, Liễu thị bị bệnh. Triệu Yến Bình thỉnh lang trung tới, lang trung kê toa thuốc an thần cho Liễu thị. Điều này cho thấy bệnh của Liễu thị đơn thuần là tâm bệnh. Triệu Yến Bình là người ít nói, chỉ có A Kiều và bọn nhỏ nghĩ cách dỗ bà mẫu vui vẻ. Qua bảy tám ngày sau, trong cung và ngoài cung cũng chẳng có tin tức gì, không tin tức chính là tin tốt, cuối cùng Liễu thị từ từ thông suốt, hơn nữa trong nhà phải lập tức chuẩn bị tiệc cưới cho Thúy Nương, Liễu thị chấn chỉnh tinh thần, để lộ gương mặt tươi cười. Hôn sự của Thúy Nương được dự định vào ngày 10 tháng giêng. Diệp gia cố ý tổ chức tiệc mừng năm mới chung với tiệc cưới lần này, mời họ hàng và láng giềng có quan hệ tốt, nhờ đủ kiểu hỗ trợ đã thu xếp mười mấy bàn, trong phòng, trong viện và trước cổng lớn đều bày bàn. Triệu gia đãi tiệc vào buổi trưa, tới chiều, Diệp Thường Thắng dẫn đội ngũ đón dâu tới ngõ Sư Tử đón tức phụ. A Kiều cho Thúy Nương nghỉ ba ngày. Ba ngày này Thúy Nương đều ở Diệp gia, tới lúc tân nương tử trở về nhà, Thúy Nương sẽ quay về, sau đó không trở về Diệp gia nữa, đến khi nào tới kỳ nghỉ tiếp mới qua lại. Diệp Thường Thắng thì dễ nói chuyện, ban ngày đi ra ngoài làm việc, buổi tối hắn muốn ở cùng Thúy Nương thì tới Triệu gia ở, khi nào cha mẹ bị bệnh hoặc là vào ngày mùa, hắn ở trong thôn, cách nào tiện thì cứ như thế làm. Tân nương tử bước lên kiệu hoa, Quách Hưng là ca ca nên tự mình đi đưa. Đội ngũ đón dâu dần đi xa, tiếng sáo và tiếng trống cũng giảm xuống. Tiểu Sơ Cẩm rất thích trang phục tân nương tử của Thúy Nương. Xuân Trúc và Đông Trúc đang quét giấy pháo đỏ rơi xuống đầy đình viện, tiểu Sơ Cẩm đứng giữa cha và mẫu thân, nói với mẫu thân đầy hâm mộ "Nương, con cũng muốn gả." Con nít nói lời ngây thơ, A Kiều bế nữ nhi, cười hỏi "Gả chồng phải đến ở trong nhà của tân lang, mỗi năm chỉ có thể về nhà hai ba lần, ngày thường không gặp được cha và nương, con muốn gả không?" Tiểu Sơ Cẩm nghe vậy, lập tức ôm lấy cổ mẫu thân, không bao giờ muốn gả nữa. Triệu Yến Bình ở bên cạnh quan sát, thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn không thoải mái lắm. Thời gian trôi rất nhanh, hắn chỉ có thể giữ nữ nhi thêm mười mấy năm, sớm muộn gì phải lập gia đình, muốn giữ cũng không được. Thật buồn cười, khi bản thân mình cưới vợ thì ước gì nhanh lên để A Kiều gả đến đây, đến phiên gả nữ nhi thì hy vọng nữ nhi lớn chậm một chút, đừng bị tiểu tử tuấn tú nhà ai làm cho mê mẩn nhanh như vậy. Khi Thúy Nương không ở đây, Đông Trúc và Bách Linh thay phiên nấu cơm. Hai nha hoàn rất ít khi xuống bếp, nấu đồ có thể ăn được nhưng hương vị kém xa tay nghề Thúy Nương. Người lớn chưa nói gì, tiểu Sơ Cẩm nghĩ sao nói vậy, đồ ăn không ngon, bé ăn một miếng rồi không ăn nữa, khiến Đông Trúc và Bách Linh đều rất xấu hổ. Triệu Yến Bình bàn bạc với A Kiều mua một tiểu nha hoàn giúp việc trong nhà bếp, ngày thường hỗ trợ Thúy Nương, sẵn tiện học nấu ăn với Thúy Nương luôn, mỗi khi Thúy Nương về Diệp gia ở, hoặc tương lai có thai không tiện xuống bếp thì để tiểu nha hoàn nấu cơm, không cần các nha hoàn khác nấu đồ không ngon khiến cả nhà ngán ngẩm. A Kiều cảm thấy rất khả thi. Thúy Nương ở trong đảo tọa phòng, phòng nha hoàn còn trống một gian, Triệu gia hiện tại có đủ tài chính để thêm một nha hoàn nhưng cần giao tiểu nha hoàn cho Thúy Nương quản. Việc này phải chờ Thúy Nương trở lại mới được, khi người môi giới dẫn mọi người đến thì sẽ để Thúy Nương tư vấn, chọn người ngoan ngoãn lanh lợi và vừa mắt mọi người. Ba ngày nhanh chóng trôi qua, ngày hồi môn, Diệp Thường Thắng đi về cùng với Thúy Nương. A Kiều bảo Quách Hưng tiếp đãi Diệp Thường Thắng, sẵn tiện nhắc nhở Diệp Thường Thắng về các gia quy của Triệu gia, nàng gọi Thúy Nương vào phòng hỏi chuyện. "Cha mẹ và tổ mẫu của hắn đối với em thế nào?" A Kiều hỏi điều mà nàng quan tâm nhất. Khuôn mặt nhỏ của Thúy Nương hồng hào, cười nói "Khá tốt, ta muốn hỗ trợ nấu cơm, rửa nồi, quét sân, cả nhà họ không cần ta làm gì, cũng không nhắc chuyện chúng ta muốn ở bên này, nhưng hàng xóm láng giềng thì hơi phiền, cứ hay đến nhà chơi, thật ra là muốn nhìn xem ta trông như thế nào." A Kiều cười nói "Tân tức phụ mới cưới đều như vậy, lúc trước ta và quan gia mới ở bên nhau cũng thế mà." Thúy Nương còn nhớ rõ, một số lão thái thái phụ nhân giả vờ đến tìm Triệu lão thái thái, thật ra là tới xem phu nhân. Biết được trưởng bối của Diệp gia đối xử tốt với Thúy Nương, A Kiều yên tâm, sau đó mới hỏi Diệp Thường Thắng đối với Thúy Nương có được không. Thúy Nương đỏ mặt, cúi đầu vặn ngón tay, vô cùng thẹn thùng. Nam nhân đối với nàng cũng tốt, nhưng buổi tối quá dính nàng, mạnh mẽ như một con trâu, một đêm muốn cày hai ba lần khiến nàng đau lưng, may mắn mấy ngày ở Diệp gia không cần làm gì, nếu không nàng làm sao có sức để dậy sớm nấu cơm. A Kiều là người từng trải, vừa thấy sắc mặt của Thúy Nương đã đoán được vợ chồng son rất hợp nhau về phương diện đó. Nàng không hỏi nhiều, chỉ vỗ tay Thúy Nương, nhắc tới chuyện trong nhà muốn mua một tiểu nha hoàn. Thúy Nương ban đầu không vui, cho rằng một mình nàng hoàn toàn có thể quản lý nhà bếp, không cần quan gia và phu nhân tốn thêm tiền thuê người, mãi đến khi A Kiều đề cập ngày nào đó nàng sẽ có thai, cho dù có thể bận rộn cho đến lúc sinh hài tử, nhưng ở cữ cần phải nghỉ ngơi, Thúy Nương lúc này mới đồng ý không mấy vui vẻ. Ngày thứ hai A Kiều kêu người môi giới đem đến vài tiểu nha hoàn, tất cả khoảng mười tuổi. Những tiểu nha đầu này đều là trẻ mồ côi, hoặc là bị cha mẹ bán, dáng dấp như cây giá nhỏ, nhìn rất đáng thương. Tuy A Kiều thông cảm nhưng nhà mình không nuôi nổi nhiều người rảnh rỗi, bảo Thúy Nương đem các tiểu nha đầu vào nhà bếp kiểm tra, xem ai tương đối có năng khiếu nấu cơm. Thúy Nương là người đánh giá, đơn giản là kiểm tra kỹ thuật xắt rau, làm việc nhanh nhẹn hay không, khi đưa mọi người ra ngoài, Thúy Nương chỉ vào tiểu nha đầu có gương mặt vàng vọt, lùn nhất và nói "Phu nhân, đừng thấy nàng nhỏ nhất nhưng tay chân nhanh nhẹn nhất, trước kia ở nhà đã từng nấu cơm." A Kiều gọi tiểu nha đầu tới, hỏi nàng tên gì, quê quán ở đâu, tình huống trong nhà trước đây ra sao. Tiểu nha đầu nho nhỏ gầy gò, sắc mặt vàng vọt vì đói, nàng nhìn A Kiều, lo lắng trả lời "Ta tên là Chiêu Đệ, năm nay chín tuổi, người Ký Châu, trong nhà nghèo nên cha mẹ bán ta. Phu nhân, ta rất nghe lời, ngài bảo ta học gì thì ta sẽ làm theo, ngài mua ta đi!" Nói xong tiểu nha đầu quỳ xuống. Nếu nàng đã vượt qua sự kiểm tra của Thúy Nương, nhìn cũng hiểu chuyện, A Kiều dùng bốn lượng bạc để mua nàng. Tên Chiêu Đệ không tốt, A Kiều đặt cho nàng tên Xảo Nương, hy vọng tiểu nha đầu lanh lợi và khéo tay, có thể học được tay nghề nấu ăn ngon của Thúy Nương. Xảo Nương dập đầu cảm tạ chủ tử, đi theo người môi giới trở về thu dọn chút đồ, sau đó ôm một tay nải cũ nát quay lại, dựa theo quy củ, nàng mở tay nải cho chủ nhân kiểm tra, bên trong chỉ có hai bộ đồ vá, và một con ve sầu bằng gỗ, nhìn có vẻ đã vài năm cũ. A Kiều hỏi nàng con ve gỗ là từ đâu. Xảo Nương cúi đầu, vành mắt đỏ hoe nói là khi cha mẹ bán nàng, đệ đệ đưa cho nàng, đệ đệ thích con ve gỗ này nhất, ngày thường không cho nàng chơi, lần đó đột nhiên cho nàng. A Kiều đoán được tình huống trong nhà Xảo Nương, thở dài, bảo Đông Trúc sắp xếp chỗ cho Xảo Nương. Tiểu Sơ Cẩm cứ đeo bên cạnh mẫu thân, khi Xảo Nương rời đi, bé tò mò hỏi mẫu thân "Nương, vì sao cha mẹ Xảo Nương muốn bán nàng?" A Kiều thở dài "Bởi vì nhà nghèo, không sống nổi nữa, cần bán người để lấy tiền." Tiểu Sơ Cẩm chớp đôi mắt to trong veo "Vì sao không bán đệ đệ của Xảo Nương?" A Kiều không biết nên giải thích thế nào với nữ nhi. Mẫu thân không nói lời nào, tiểu Sơ Cẩm đột nhiên hơi lo lắng, ôm chân mẫu thân hỏi "Nương, nhà chúng ta có tiền không? Nếu nhà chúng ta không sống nổi nữa, nương và cha cũng bán con mà không bán ca ca phải không?" Tiểu hài tử chưa hiểu nhiều, vành mắt A Kiều nóng ran, nàng bế nữ nhi, thầm khóc và nói "Không bán, không bán con hay ca ca, nhà chúng ta có tiền, cho dù không có tiền, cha có thể ra bến tàu khiêng gạo, nương có thể giúp người ta thêu thùa may vá, cho dù thế nào cũng không bán con và ca ca." Tiểu Sơ Cẩm yên tâm, còn vỗ vai mẫu thân "Nương không có tiền, con có tiền lì xì, con cho nương xài." A Kiều nín khóc mỉm cười, nữ nhi còn nhỏ đã biết hiếu thảo với nương. Tiểu Sơ Cẩm đâu chỉ hiếu thảo với mẫu thân, bé còn hiểu Xảo Nương rất đáng thương, sau khi tách khỏi mẫu thân, tiểu Sơ Cẩm chọn hai món đồ chơi bé thích nhất để tặng cho Xảo Nương. Liễu thị ngầm đồng ý, A Kiều cũng không ngăn cản, quay lại kể chuyện này cho Triệu Yến Bình. Triệu Yến Bình khen nữ nhi hiểu chuyện, trong lòng lại nghĩ, dù hắn nghèo chết cũng sẽ không bán con.