Là quan viên triều đình, sau khi mẫu thân qua đời, Triệu Yến Bình viết một sổ con từ quan để chịu tang.
Võ tướng của triều đại có thể được miễn để tang, chỉ nghỉ chịu tang một trăm ngày, quan văn không có quy củ này, Tuyên Hoà đế chuẩn sổ con xin chịu tang của Triệu Yến Bình, cũng ban cho năm trăm lượng để lo việc tang lễ.
Triệu Yến Bình khấu tạ hoàng ân.
Triệu Yến Bình đã lên kế hoạch một số việc trong thời gian mẫu thân bệnh nặng. Gốc gác của Triệu gia là ở huyện Võ An, Giang Nam. Mẫu thân chắc chắn muốn được chôn cùng phụ thân nhưng mùa hè nóng bức, đưa quan tài xuôi nam thì không tiện, cho nên Triệu Yến Bình đã sắp xếp hỏa táng cho mẫu thân.
Con người sống cả đời, vài thập niên vui vẻ và đau khổ, cuối cùng đều biến thành tro tàn trong lửa lớn.
Kết thúc tang lễ, Triệu Yến Bình đưa tro cốt của mẫu thân chính thức lên thuyền xuôi nam cùng người nhà.
Nhà mới và công việc kinh doanh ở kinh thành đã có người xử lý và chăm sóc, A Kiều để Quách Hưng và Thúy Nương ở lại, Quách Hưng phụ trách trông coi tòa nhà, tuy Thúy Nương không có việc gì, nhưng nàng hiện tại là tức phụ của Diệp gia, bọn nhỏ cũng ở kinh thành, A Kiều không muốn để Thúy Nương ở xa gia đình ba năm. Lần này quay về Giang Nam túc trực bên linh cữu, A Kiều chỉ dẫn theo Trần Kính, Xảo Nương, Xuân Trúc và nha hoàn Song Đào của nữ nhi.
Có rất nhiều hành lý, chủ yếu là quần áo cả gia đình chủ tớ, những cuốn sách mà ba người nhà Triệu Yến Bình muốn đọc, Triệu Yến Bình, Triệu P thì không sao, vài năm nữa Mạnh Chiêu sẽ đi thi khoa cử, không chậm trễ được.
Sau một hồi rối ren, đến lúc lên thuyền, những muộn phiền trong lòng cũng lắng xuống, chỉ còn nhớ nhung và tưởng niệm.
Cuối tháng sáu xuất phát, Triệu gia đến Giang Nam đầu tháng tám, khắp đầu đường cuối ngõ đều thoang thoảng mùi hoa quế.
Triệu Yến Bình quyết định về tòa nhà ở huyện thành trước.
Mười mấy năm không có người ở, trong viện của nhà cũ mọc đầy cỏ dại, ngay cả mái nhà và vách tường cũng lác đác mấy đám.
A Kiều nhìn thấy cảnh này khi còn ở trên xe thì không khỏi xúc động. Nàng đi theo cô mẫu vào kinh năm 18 tuổi, hiện giờ đã 32, thoáng một cái mười bốn năm trôi qua, không ngờ còn có ngày về lại Giang Nam.
Đến cửa, mấy chiếc xe ngựa lần lượt ngừng lại.
Triệu Yến Bình nhảy xuống xe trước.
Lúc này đã gần trưa, trên đường không có người lớn, chỉ có vài hài tử chơi đùa trước cửa trong lúc đồ ăn trong nhà chưa chín.
Trước cửa của Chu gia sát vách Triệu gia cũng có hai đứa nhỏ, hai nam oa, đứa lớn khoảng bảy tám tuổi, đứa nhỏ bốn năm tuổi, mơ hồ có thể thấy bóng dáng của Chu Sưởng – Cậu của A Kiều.
Hai nhà đã cắt đứt liên lạc từ lâu, hai năm đó cũng tràn ngập các chuyện không vui, Triệu Yến Bình không nhìn hai đứa nhỏ nhiều, quay lại, đỡ Mạnh Chiêu, Sơ Cẩm, A Kiều xuống xe trước, cuối cùng ôm tiểu Triệu P xuống.
Mạnh Chiêu, Sơ Cẩm, Triệu P không hẹn mà cùng nhìn cánh cửa gỗ cũ nát ở quê, ván cửa phủ đầy rêu xanh, chiếc khóa đồng rỉ sét loang lổ, hình ảnh như vậy khiến Mạnh Chiêu, Sơ Cẩm từng sống ở ngõ Sư Tử khiếp sợ, càng không cần đề cập đến Triệu P được ở nhà mới trong ngõ Cát Tường do tiên đế ngự tứ.
"Cha, nhà chúng ta trước kia nghèo như vậy hả?" Triệu P không tin được.
A Kiều nhanh chóng trừng mắt nhìn nhi tử, sao lại không biết cách nói chuyện như thế?
Triệu Yến Bình mỉm cười, rờ đầu nhi tử, nói với Mạnh Chiêu: "Sơ Cẩm là cô nương, không cần làm việc, hôm nay hai anh em các con phải hỗ trợ nhổ cỏ."
Bọn nhỏ đã lớn, đã đến lúc dạy dỗ hai anh em chịu khổ, kẻo luôn sống trong phú quý, tương lai gặp chút trắc trở thì không chịu nổi.
Phụ thân ra lệnh, Mạnh Chiêu lập tức gật đầu, Triệu P chưa từng vất vả, nhìn cỏ dại xanh mướt trên tường, cảm thấy việc này khá thú vị.
Ngay lúc này, trong viện Chu gia vang lên giọng nói của một nữ tử: "Khiêm nhi, Lễ nhi, vào ăn cơm."
Hai đứa nhỏ nhìn qua bên Triệu gia, thấy A Kiều nhìn bọn chúng chằm chằm, hai anh em ngượng ngùng quay đầu chạy vào nhà.
A Kiều nhìn nhà Cậu với tâm trạng phức tạp.
Năm đó trước khi Thẩm Anh và bà mẫu vào kinh đã gửi Triệu Yến Bình một phong thư, nói rằng biểu ca Chu Thời Dụ không qua khỏi cơn bệnh và đã chết. Biểu ca đã hòa li với Đổng Bích Thanh từ rất lâu trước khi chết, hai đứa nhỏ kia chắc chắn không phải là con của biểu ca, chẳng lẽ là con của biểu muội Chu Song Song và chiêu tế ở rể? Nhưng vừa nãy trong viện có giọng nữ, tựa như không phải là tiếng của Chu Song Song.
A Kiều không nghĩ đến Mợ và biểu muội, nhưng lại muốn biết mấy năm nay cậu Chu Sưởng đã sống thế nào.
"Ta đi qua đó với nàng nhé?" Triệu Yến Bình thấy nàng nhìn chằm chằm cửa nhà Chu gia nên đi tới hỏi.
A Kiều gật đầu.
Bọn nhỏ đi vào tham quan nhà cũ, A Kiều và Triệu Yến Bình đến trước cửa Chu gia, hai vợ chồng chưa kịp gõ cửa, Chu Sưởng ở bên trong nghe mấy đứa con trai nói rằng trước cửa Triệu gia có xe ngựa, còn có một vị phu nhân đặc biệt xinh đẹp, Chu Sưởng kích động chạy ra ngoài, khi hai vợ chồng A Kiều đi qua, Chu Sưởng đã ở trong sân.
A Kiều nhớ rõ, năm nay Cậu đã 54 tuổi, sau khi trải qua nỗi đau mất con, Cậu trông rất tiều tụy, không ngờ người Cậu trước mắt một thân áo dài vải mịn, y quan chỉnh tề, thoạt nhìn nho nhã khoan dung, tuy rằng tóc có sợi bạc nhưng tinh thần khá tốt.
A Kiều bất ngờ nhìn thấy Cậu.
Chu Sưởng lại không dám nhận cháu gái ngoài cửa, khuôn mặt trắng trẻo mịn màng, đôi mắt hạnh trong trẻo như xưa, trông cứ như 17-18 tuổi, nhưng cháu gái rõ ràng là phụ nhân ngoài 30, kinh thành lại đắt đỏ, tại sao chẳng chút thay đổi?
Đúng lúc này, Chu Sưởng nhìn thấy Triệu Yến Bình.
Triệu Yến Bình 40 tuổi gầy và trắng hơn lúc còn làm bộ đầu, nhìn vẫn trẻ và tuấn tú, nhưng vẻ nghiêm túc và uy nghiêm trên gương mặt lập tức khiến cho Chu Sưởng khẳng định thân phận của hắn.
"A Kiều, có thật là con không?" Chu Sưởng kích động hỏi.
A Kiều gật đầu, vừa khóc vừa cười: "Nhiều năm không gặp, Cậu có khỏe không?"
Chu Sưởng cười nói: "Khỏe, khỏe, khỏe, Cậu khỏe lắm, con đừng lo lắng, à này, các con ở kinh thành, tại sao trở về?"
Tại sao trở về...
A Kiều đau lòng nhìn Triệu Yến Bình.
Triệu Yến Bình đã có thể bình tĩnh để nhắc tới tang lễ của mẫu thân, rũ mắt giải thích: "Mẫu thân ta đã qua đời, chúng ta về quê túc trực bên linh cữu."
Nụ cười của Chu Sưởng đông cứng, ông và Liễu thị chưa gặp được vài lần, không thân quen, chỉ có thể nói vài lời an ủi bớt đau buồn.
Ba người đứng trước cửa, một phụ nhân khoảng 36-37 tuổi bước ra từ nhà chính, bà đeo tạp dề, hai đứa nhỏ đi theo bên cạnh.
A Kiều lộ vẻ ngạc nhiên.
Chu Sưởng đỏ bừng cả mặt, trầm giọng giải thích: "Năm đó, năm biểu ca của con bị bệnh qua đời, Mợ bị đả kích nặng, vài năm sau cũng ra đi. Đây là Mợ mới của con, hai hài tử cũng là biểu đệ của con, ta đặt tên cho bọn hắn là Khiêm và Lễ, hy vọng bọn chúng khiêm tốn và giữ lễ, đừng trưởng thành giống biểu ca của con."
A Kiều hiểu ra, thảo nào khí sắc của Cậu tốt như vậy, hóa ra là ông già cưới vợ trẻ.
Trước đây mợ Kim thị đối với nàng như vậy, A Kiều không có chút khách sáo dối trá nào, trực tiếp chúc mừng Cậu lại có con nối dõi, hành lễ với người Mợ mới từ xa, xuất phát từ tò mò, A Kiều hỏi thăm biểu muội Chu Song Song.
Chu Sưởng thở dài: "Song Song à, ta vốn muốn chọn một người ở rể cho nàng, nhưng nàng không muốn, đòi sống đòi chết muốn gả ra ngoài, ta cũng hết cách, để tùy nàng ý. Bởi vì Mợ của con, trong huyện không có ai muốn cưới nàng, ta nhờ bà mối mới tìm được một hộ ở ngoài ba mươi dặm. Sau khi Mợ con chết, nàng rất ít khi về nhà, ta cũng không biết nàng sống thế nào."
A Kiều gật đầu, không hỏi thêm.
Chu Sưởng muốn mời cả nhà cháu gái vào nhà ăn cơm trưa, A Kiều mỉm cười từ chối, nhiều người như vậy, trong nhà Cậu chắc chắn không đủ đồ ăn, hai vợ chồng đã kêu Xảo Nương đi mua chút thực phẩm chín, buổi trưa ăn tạm qua bữa.
Đơn giản ôn lại chuyện cũ, hai vợ chồng về nhà mình để làm việc.
Sau khi dọn dẹp, kê thêm giường mới và những thứ khác, bận rộn đến buổi chiều, căn nhà cũ cuối cùng cũng có thể ở được. Trong lúc chịu tang, phu thê không thể ở chung phòng, Triệu Yến Bình dẫn Mạnh Chiêu và Triệu P qua ở trong đông phòng, hai mẹ con A Kiều và Sơ Cẩm ngủ ở tây phòng. Tổng cộng bốn hạ nhân và Trần Kính ngủ trong một gian đảo tọa phòng, Xảo Nương, Xuân Trúc và Song Đào ngủ chung một gian, chật chội một chút nhưng có thể chịu đựng được.
Hôm sau, cả nhà đi đến khu vực mộ của tổ tiên Triệu gia để an táng mẫu thân.
Triệu Yến Bình dẫn theo Mạnh Chiêu, đích thân xây một ngôi mộ mới bên cạnh ngôi mộ của phụ thân.
Ngôi mộ của Triệu phụ và Triệu lão thái thái có nhị phòng Triệu gia hỗ trợ chăm sóc, tất cả rất tươm tất, tuy nhiên khi còn sống không được nhị phòng đối xử tốt, hiện tại nhị phòng làm những việc này, Triệu Yến Bình không cảm kích chút nào, người của nhị phòng nghe tin muốn tới hỗ trợ cũng bị Triệu Yến Bình đen mặt đuổi đi.
Từ khi muội muội mất tích năm ấy, Triệu Yến Bình đã cắt đứt quan hệ giữa hai nhà, sau này huynh muội có thể đoàn tụ là do muội muội mạng lớn, không liên quan gì đến nhị phòng.
Những người rảnh rỗi đã đi, Triệu Yến Bình an táng mẫu thân, đưa A Kiều và bọn nhỏ dập đầu cho cha mẹ và tổ mẫu.
Cha, nhi tử bất hiếu, nhiều năm vậy mới quay về thăm người, vài thập niên nay nương sống không dễ dàng gì, người đừng trách bà tái giá, hãy đối xử tốt với bà ở bên kia nhé.
Nương, nhi tử biết người có lẽ càng muốn được an táng bên cạnh Thẩm bá, nhưng con cháu Thẩm gia không thích người, nhi tử an táng người ở bên cạnh phụ thân sẽ yên tâm hơn, sau này nhi tử cố gắng đưa anh em Chiêu nhi thường xuyên đến đây thăm người.
Tổ mẫu, người đã thấy rồi đấy, từ nay A Kiều là cháu dâu chính thức của người, người thấy có ổn không? Nếu không được thì tôn tử cũng không có cách nào khác, trong lòng tôn tử chỉ có một mình nàng. Người muốn trách thì trách tôn tử, đừng oán giận A Kiều. Hãy cầu phúc nhiều nhiều cho A Kiều, phù hộ nàng sống lâu hơn tôn tử, điều này tốt cho tôn tử, nếu như nàng đi trước, tôn tử sẽ không sống được lâu.
Triệu Yến Bình đã chịu đủ những nỗi khổ sinh ly tử biệt, hắn không làm được gì khi các trưởng bối qua đời, chỉ có thể đối xử tử tế với người đang ở bên cạnh hắn.
Nhìn A Kiều và bọn nhỏ bên cạnh nàng, Triệu Yến Bình dập đầu lạy ba cái cho tổ mẫu và cha mẹ theo thứ tự.
Mẫu thân đã an nghỉ nơi suối vàng, từ nay về sau, hắn sẽ tiếp tục làm một người trượng phu tốt, một người phụ thân tốt, dốc hết sức phù hộ bọn họ bình an.