Nghỉ ngơi ở nhà một ngày, Triệu Yến Bình tiếp tục đến Đại Lý Tự làm việc.
Ngày thường nên làm gì thì hôm nay cứ như thường lệ, cũng không vì các đồng nghiệp khen ngợi và chúc mừng mà trông đợi bất kỳ phần thưởng nào.
Đương nhiên Triệu Yến Bình muốn thăng quan, chức quan cao thì bổng lộc mới cao, cuộc sống của gia đình mới tốt hơn, nhưng phá án là nhiệm vụ của hắn, bắt hung thủ để giải oan cho người bị hại, Triệu Yến Bình chưa bao giờ coi các vụ án là công cụ để thăng quan phát tài. Hắn chỉ hy vọng, trong kỳ đánh giá mỗi ba năm một lần, triều đình nhìn thấy năng lực của hắn, nhìn thấy sự quyết tâm của hắn trong việc điều tra rõ vụ án, nếu hắn xứng đáng được thăng chức thì triều đình sẽ cho hắn thăng chức.
Cuối năm nay sẽ có một lần đánh giá thành tích, hiện tại còn chưa tới giữa năm, cho nên dù đã phá một vụ án lớn, Triệu Yến Bình cũng không nghĩ đến những chuyện đó.
Thuần Khánh Đế và Lư thái công cũng không nhắc lại vụ án này khi lên triều, tuy Cao công công biết lý do bên trong, nhưng ông là một con cáo già nên sẽ không lắm miệng.
Vài ngày trôi qua, các bá tánh dần dần không còn bàn luận về vụ án Kinh Châu, sự khen ngợi đối với Triệu Yến Bình cũng từ từ phai nhạt.
Thúy Nương rất thất vọng.
Nàng không hiểu quan viên thăng chức như thế nào, chỉ cảm thấy quan gia lập công lớn như vậy, nên được thưởng mới đúng, kết quả sau nhiều ngày mong đợi nhưng chẳng được gì.
Thúy Nương không nhịn được nên đi tìm phu nhân bày tỏ sự bất bình.
A Kiều cười nàng: "Thăng quan đâu đơn giản như vậy, Đại Lý Tự phụ trách xét duyệt các vụ án lớn và nghiêm trọng. Nếu quan viên phá án rồi lập tức được thăng quan, như vậy nhiều quan viên phá án thì mỗi ngày đều được thăng quan, Đại Lý Tự làm gì có nhiều chức quan đến thế?"
Thúy Nương bĩu môi: "Vụ án của quan gia khác mà, thưởng một chút cũng không có, chẳng phải là phí công à?"
A Kiều nghiêm nghị nói: "Sao lại nói là phí công? Quan gia bắt được hung thủ, giúp những người chết oan đòi lại công bằng, để bá tánh Kinh Châu yên tâm sinh sống, đây là ý nghĩa của việc quan gia phá án. Còn nữa, nếu quan gia làm quan, nhận bổng lộc của triều đình, đây là những gì hắn nên làm. Hắn có khả năng phá án, chứng tỏ hắn xứng đáng với bổng lộc, bổng lộc chính là phần thưởng mà triều đình cho các quan viên. Nếu một quan viên mỗi lần lập công đều hy vọng triều đình tặng thưởng, chẳng phải là lòng tham không đáy ư? Em muốn quan gia trở thành tham quan hay sao?"
Thúy Nương vội vàng lắc đầu, tham quan đều là kẻ xấu, nàng không muốn quan gia trở thành loại người này.
A Kiều nhắc nhở nàng: "Nhưng nếu quan gia giống như suy nghĩ của em, mỗi lần lập công đều mong một lần được thưởng, có được sẽ rất vui, không được sẽ ấm ức bất bình, sớm muộn gì cũng trở thành tham quan. Tham quan trên đời này gần như là thế, chẳng qua tham các món đồ khác nhau mà thôi."
Tham tiền, tham sắc đẹp, tham quyền lực, sẽ luôn có đủ loại ham muốn.
Lần đầu tiên Thúy Nương thấy phu nhân nghiêm túc như thế, nàng cúi đầu thừa nhận sai lầm.
A Kiều biết Thúy Nương không xấu, nhưng vẫn còn suy nghĩ của tiểu dân giống Triệu lão thái thái, làm cái gì đều nghĩ có kiếm được lợi nhuận hay không. Trước kia Triệu Yến Bình chỉ là một bộ đầu nhỏ ở huyện Võ An, ngoại trừ bổng lộc ít ỏi thì không có lợi nhuận gì, cả nhà không nghĩ gì. Bây giờ Triệu Yến Bình làm quan ở kinh thành, đã được một cơ hội thăng chức đặc biệt, lập tức khiến mọi người trông đợi nhiều hơn, coi việc phá án để đổi lấy phần thưởng là chuyện đương nhiên.
Cô mẫu dạy A Kiều rất nhiều đạo lý, bản thân A Kiều cũng suy nghĩ rất nhiều. Nam nhân thăng quan dựa vào bản lĩnh, người nhà sẽ được hưởng phúc theo, nhưng nếu người nhà gây rắc rối sau lưng sẽ vô tình ảnh hưởng đến sự nghiệp của nam nhân. Ví dụ như Công Bộ thượng thư Từ đại nhân trước đây phạm tội khi quân, chính vì thê tử tục huyền sắp đặt nữ nhi giả vào cung để tuyển tú, bản thân mình bị chém đầu thì thôi, còn liên lụy đến Từ đại nhân và con cháu ba đời không thể làm quan.
Hương Vân cô nương chịu khổ, không phải vì mình tự nguyện khi quân, nhưng lần trước nàng cũng suýt bị chém đầu, bởi vì Hoàng Thượng sáng suốt, Tuyên Vương nặng tình mới không bị kết tội. A Kiều cảm thấy may mắn rằng Hương Vân cô nương tránh được kiếp nạn, nhưng không thể trông chờ vào sự may rủi hão huyền, bản thân mình và người xung quanh nên thận trọng từ lời nói đến việc làm mới được.
A Kiều mời bà mẫu Liễu thị, để Mạnh Chiêu đứng bên cạnh nàng, gọi năm hạ nhân trong nhà đến.
Quách Hưng, Thúy Nương, Xuân Trúc, Đông Trúc và Bách Linh quỳ trước mặt nàng thành hai hàng.
A Kiều nghiêm mặt cảnh cáo năm người không được kiêu căng ngạo mạn, đánh giá công lao và khen thưởng của quan gia, nếu ai làm trái với gia quy ảnh hưởng đến danh dự và sự nghiệp của quan gia sẽ bị đánh 50 bản lớn và bị bán cho mẹ mìn để trừng phạt.
Không chỉ năm người Quách Hưng, A Kiều còn kêu Quách Hưng và Đông Trúc đến cửa hàng son phấn của Thẩm Anh và tiệm thêu của nàng, đưa gia quy này cho Lý quản sự, Thu Nguyệt, Giang nương tử, Hạ Trúc và Thu Trúc.
Khi Triệu Yến Bình về nhà, A Kiều còn gọi bà mẫu, ba người cùng thảo luận có cần thêm một số điều trong gia quy hay không, dặn dò rõ ràng, sau này có hạ nhân mới, phải học thuộc lòng gia quy trước mới được.
Liễu thị nhìn con dâu vẫn xinh đẹp dịu dàng nhưng khí chất dường như đã đổi, suýt nữa không thể hình dung A Kiều hiện nay và tiểu thiếp yếu đuối không dám lớn tiếng nói chuyện ở quê lúc trước là cùng một người.
Triệu Yến Bình chỉ nghĩ, nếu nhạc phụ và nhạc mẫu không mất sớm, nếu A Kiều không bị đưa đến Chu gia rồi bị bán vào chỗ kia, A Kiều được nuôi dưỡng trong gia đình nho học, có lẽ ngay từ đầu sẽ giống hiện tại, cả người toát ra phong cách của tiểu thư nhà quan.
"Nên làm thế này. Tuy chức quan của ta không cao, Hương Vân ở Tuyên Vương phủ, nếu có người muốn đối phó với Hương Vân nhưng không ra tay được ở chỗ Hương Vân, thì sẽ nhìn chằm chằm chỗ chúng ta, bất kể là vì con đường làm quan của ta hay là vì không để ảnh hưởng đến Hương Vân, nhà chúng ta từ trên xuống dưới nên đặt ra một số quy tắc." Triệu Yến Bình quyết định.
Nhi tử có tương lai tươi sáng, con dâu biết cách quản gia, Liễu thị vui mừng: "Ừ, cứ quyết định vậy đi, ta không biết gì cả, hai đứa cứ bàn bạc với nhau, ổn thỏa thì nói cho ta biết, ta nghe theo các con."
A Kiều nhìn Triệu Yến Bình.
Triệu Yến Bình mỉm cười: "Buổi tối rồi từ từ suy nghĩ, bây giờ ăn cơm trước."
Ở Đại Lý Tự phải nghe quan trên nói chuyện, về nhà lại phải nghe tiểu thê tử nói một đống đạo lý, Triệu Yến Bình rất đói bụng.
Bấy giờ A Kiều mới phát hiện hắn vẫn còn mặc quan phục, chưa kịp thay quần áo.
Vậy ăn trước đi!
Khi cơm nước xong, Liễu thị và Mạnh Chiêu đi nghỉ, A Kiều lấy giấy bút, kêu Triệu Yến Bình đi vào thư phòng nói chuyện.
Triệu Yến Bình đi theo nàng đến thư phòng.
Triệu Yến Bình có một chút quyền khi làm quan, nhưng hắn chưa từng quản lý gia đình, không biết nên đặt ra quy tắc nào, A Kiều đã thấy cách cô mẫu xử lý phủ tướng quân, thế nên bê quy tắc của cô mẫu đến đây rồi dựa vào hoàn cảnh của Triệu gia để thay đổi.
Triệu Yến Bình ngồi đối diện nàng, nhìn nàng nghiêm túc chỉnh sửa, khuôn mặt nhỏ bé trắng trẻo càng thêm rạng rỡ dưới ánh đèn, đôi môi anh đào càng xinh đẹp. Trong tình huống này, Triệu Yến Bình đột nhiên nghĩ đến cuốn tiểu thuyết mà hắn đã tặng nàng. Triệu Yến Bình tuy chỉ đọc nội dung phần sau cuốn tiểu thuyết một lần, nhưng vẫn nhớ rõ, trong đó có một đoạn nói về niềm vui nơi thư phòng.
A Kiều đã đặt ra năm điều trong gia quy, một là cần cù làm việc, không được lười biếng và sử dụng mánh khóe; hai là phải giữ nhà cửa, không được trộm cắp tài sản của chủ sở hữu; ba là tuân thủ các lễ nghi, không được làm bất cứ điều gì vi phạm luật pháp; bốn là tuân thủ bổn phận, không được bàn tán hoặc kể chuyện của gia đình chủ nhân; năm là thận trọng từ lời nói đến việc làm, không được tùy tiện bàn bạc quan trường và triều chính.
"Những điều này đủ chưa, có cần thêm nữa hay không?" A Kiều đẩy tờ giấy đến bên cạnh Triệu Yến Bình và nghiêm túc hỏi.
Triệu Yến Bình cúi đầu nhìn, giơ tờ giấy lên, chỉ vào một chữ đã xoá và sửa rồi hỏi: "Đây là cái gì?"
A Kiều chỉ nhìn thấy mặt trái của tờ giấy, nghe vậy nên đi vòng qua án thư đến bên cạnh hắn, nhìn thấy chữ rồi nói cho hắn nghe.
Triệu Yến Bình gật đầu, đổi thành tay trái cầm giấy, tay phải ôm vòng eo nhỏ của nàng kéo xuống, A Kiều ngồi lên người hắn một cách bất ngờ.
A Kiều nhìn hắn ngạc nhiên.
Triệu Yến Bình đặt gia quy mới của Triệu gia lên bàn, hai tay ôm nàng và nói: "Đủ rồi, tổng cộng chỉ có vài hạ nhân, nàng đặt ra một quyển gia quy thật dày, truyền ra ngoài sẽ làm người ta cười."
Hắn đang nói về gia quy, nhưng cơ thể lại nói cho A Kiều rằng hắn muốn làm chuyện khác.
A Kiều thật sự không hiểu làm thế nào mà hắn chệch đường ray, nhưng hắn như vậy thì A Kiều chỉ có thể hợp tác.
A Kiều rũ mắt muốn xuống, phải đi về phòng nha. Triệu Yến Bình đè lại, không cho nàng nhúc nhích, bàn tay to nâng cằm nàng lên, ánh mắt dừng lại trên hàng mi đang rũ xuống thẹn thùng của nàng, chuyển đến đôi môi bóng mượt của nàng. Dáng vẻ xinh đẹp trầm lặng này rất giống các tiểu thư khuê các, cũng cực kỳ giống tiểu thư nhà cao cửa rộng trong tiểu thuyết, tuy hắn không phải là thư sinh đọc đủ loại thơ phú sách vở, nhưng thư sinh kia cũng không đứng đắn, thư sinh làm được thì Triệu Yến Bình cũng làm được, thư sinh có thể cùng thê tử xinh đẹp "chong đèn đêm để đọc" hơn một canh giờ thì Triệu Yến Bình cũng có thể.
Ngọn đèn dầu ở phía bên kia của án thư nhảy lên, ánh đèn hắt bóng của hai người lên giấy cửa sổ.
May mắn lúc này đã khuya, chỉ có ánh trăng sáng đang nấp trên ngọn cây, lặng lẽ nhìn lén bóng dáng đang quấn quít trên cửa sổ.
Đến canh hai, Triệu Yến Bình sửa lại váy áo của A Kiều, ôm nàng rời khỏi thư phòng.
Ánh trăng như nước, A Kiều ngẩng mặt nhìn nam nhân, nghĩ đến cảnh tượng vừa rồi, A Kiều bực mình đấm hắn: "Chàng học thứ này ở đâu? Đi ra ngoài chơi bời với đồng nghiệp phải không?"
Triệu Yến Bình không nói chuyện, trở về phòng ngủ nằm lên giường, hắn mới ôm nàng nói: "Ta từng tặng nàng một cuốn tiểu thuyết, năm ấy nàng vào kinh không đem theo, sau đó ta vô tình xem qua, mới phát hiện đó là cuốn... không đàng hoàng lắm."
A Kiều rời kinh ba năm, đã quên mất cuốn tiểu thuyết kia từ lâu, bây giờ Triệu Yến Bình nhắc, nàng mới nhớ ra.
Nàng rúc trong lòng Triệu Yến Bình, không biết nên nói gì.
Triệu Yến Bình thì thầm: "Ta nhớ rõ, hình như nàng đọc xong cuốn tiểu thuyết rồi, ngồi đọc đối diện ta."
A Kiều không chịu thừa nhận, nàng đẩy hắn ra và quay lưng lại, trùm chăn lên: "Chàng nhớ lầm rồi, ta mới đọc một nửa, phát hiện mấy thứ đó nên lập tức không đọc nữa. Chàng biết rõ sách không đàng hoàng còn coi hết."
Triệu Yến Bình nhích tới ôm nàng: "Người viết đã viết loại sách này để tăng thêm niềm vui nơi khuê phòng, nàng và ta là phu thê, chuyện gì cũng làm rồi, đọc thì có gì đâu."
Hơi thở của hắn nóng hổi thổi đến tai A Kiều, nàng che lỗ tai, tức giận: "Chàng, trước đây chàng không phải như thế, sao bây giờ nói càng ngày càng nhiều?"
Triệu Yến Bình dừng một chút, hỏi nàng: "Nàng không thích à?"
A Kiều không trả lời được.
Không phải là không thích, còn, còn có hương vị khác, nhưng nàng không thể nói rằng mình thích phải không?
"Ta không nói."
Lông mi của nàng quét lên ngực hắn, Triệu Yến Bình cúi đầu tìm môi nàng, thật sự không nói gì.
A Kiều mở to hai mắt nhìn hắn!
"Chàng, ngày mai chàng phải dậy sớm!"
"Ừ."
Triệu Yến Bình biết chừng mực, đâu phải mỗi ngày đều thế, thỉnh thoảng phóng túng một chút cũng không ảnh hưởng điều gì.
Sáng hôm sau, Triệu Yến Bình dậy sớm như thường lệ.
A Kiều ngủ rất say, không biết hắn thức dậy khi nào.
Lúc ăn sáng, ghế của A Kiều trống trơn, Liễu thị không hỏi, Mạnh Chiêu thấy lạ: "Cha, nương đâu rồi?"
Triệu Yến Bình không ngẩng đầu, nói với chén cơm: "Tối hôm qua nàng tính sổ sách quá muộn, sáng nay ngủ nhiều chút."
Mạnh Chiêu đã hiểu, trước khi mẫu thân gả đến đây đã thích tính sổ sách.
Ăn sáng xong, hai cha con mỗi người một việc, một người đến Đại Lý Tự làm việc, một người đi theo Xuân Trúc lên xe ngựa đến phủ tướng quân học vỡ lòng.
Liễu thị gọi Quách Hưng, sai Quách Hưng đi chợ mua táo đỏ và long nhãn, và một con gà vàng để nấu canh cho nhi tử và con dâu uống.
Bà thật sự không nói gì, nhưng vào mùa hè, lúc chạng vạng Thúy Nương bưng một nồi canh gà nấu với táo đỏ và long nhãn đi lên, vừa thấy là biết bà bảo Thúy Nương làm.
A Kiều đỏ mặt như thiếu nữ sắp lấy chồng.
Triệu Yến Bình yên lặng ăn cơm như thường lệ.
Liễu thị chu đáo múc cho mình và Mạnh Chiêu mỗi người một chén, tựa như chuẩn bị canh gà chỉ vì cải thiện chút thức ăn cho cả nhà.
Bà mẫu tốt bụng, A Kiều giận Triệu Yến Bình, đêm nay không cho Triệu Yến Bình chạm vào nàng.
Triệu Yến Bình nằm bên ngoài, nghỉ ngơi dưỡng sức.
—
Vào tháng sáu, kinh thành thật sự bước vào mùa hè nóng oi ả.
Quan viên ở nhà còn có thể mặc mát mẻ một chút, nhưng đến công sở phải mặc quan bào kín mít.
Lư thái công không muốn giày vò bản thân, sau khi giải quyết xong vài vụ án, ông không vào cung, trực tiếp bảo Lục đại nhân đưa sổ con xin từ quan vào cung dâng lên Thuần Khánh Đế, khẩn cầu Hoàng Thượng chấp thuận.
Tháng trước khi Triệu Yến Bình trở về từ Kinh Châu, Lư thái công đã đề cập chuyện này, Thuần Khánh Đế đã đoán trước, nể tình Lư thái công đã lớn tuổi không chịu đựng được, để Đại Lý Tự đề cử người mới, Thuần Khánh Đế cuối cùng phê chuẩn sổ con của Lư thái công, sau đó gọi Lại Bộ thượng thư tới, tự mình sắp xếp việc chuyển giao một số vị trí trong Đại Lý Tự.
Tả thiếu khanh Thái Kỳ thăng lên thành Đại Lý Tự Khanh.
Hữu thiếu khanh Hứa Hoạch đổi thành tả thiếu khanh, tả tự thừa Tằng Vĩnh Thạc được thăng lên hữu thiếu khanh.
Một số quan viên sau không đổi, đặc biệt thăng chức Triệu Yến Bình thành tả tự thừa để bù vào chỗ trống, chức quan chính ngũ phẩm, ban thưởng quan bào bổ tử màu xanh trắng, ban thưởng tư cách được lên triều diện thánh.
Lại Bộ thượng thư nhận lệnh, bắt đầu chuẩn bị công văn chuyển giao.